VKSND Cấp cao tại TP HCM vừa kháng nghị, yêu cầu TAND cùng cấp xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án của TAND TP HCM - buộc Công ty TNHH Grab Việt Nam bồi thường cho Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) hơn 4,8 tỷ đồng; đồng thời không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Đại diện Grab tại tòa sơ thẩm. Ảnh: Hữu Khoa. |
Viện Cấp cao đồng quan điểm với kháng nghị của VKSND TP HCM trước đó, cho rằng: "Grab không có hành vi trái pháp luật, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun, không có lỗi của Grab". Bởi, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Điều 584 BLDS 2015) là phải có hành vi trái pháp luật; thiệt hại xảy ra; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với thiệt hại xảy ra và hành vi gây thiệt hại phải có lỗi.
Tuy nhiên, các tài liệu trong hồ sơ và kết quả thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại tòa có đủ căn cứ xác định: Grab là đơn vị vận chuyển hành khách được cơ quan thẩm quyền cấp phép trên cơ sở Đề án 24 của Bộ GTVT do Thủ tướng chỉ đạo. Hoạt động vận chuyển hành khách của Grab không vi phạm pháp luật. "Bản án sơ thẩm nhận định Grab vi phạm Đề án 24 và Nghị định 86/2014/CP của Chính phủ là không có cơ sở", bản kháng nghị nêu.
Về việc Vinasun cho rằng bị thiệt hại gần 42 tỷ đồng là do Grab gây ra, bản án sơ thẩm căn cứ vào Chứng thư giám định của Công ty giám định Cửu Long (do tòa chỉ định) để kết luận "Grab gây thiệt thại cho Vinasun" từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2017 là hơn 85 tỷ đồng. Từ đó xác định đây là khoản thiệt hại thực tế của Vinasun là phiến diện, không có cơ sở thực tiễn và pháp lý.
"Thực chất sự sụt giảm doanh thu của Vinasun liên quan đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như năng lực quản trị doanh nghiệp, chính sách pháp luật của nhà nước... Vì vậy, Vinasun yêu cầu Grab bồi thường là hoàn toàn không có căn cứ", VKS Cấp cao nêu quan điểm.
Viện cũng cho rằng, hoạt động kinh doanh của Grab là hợp pháp; doanh thu và lợi nhuận của Vinasun bị sụt giảm là có phần do người tiêu dùng đã lựa chọn Grab vì ưu thế của nó so với Vinasun cũng như taxi truyền thống khác. Do vậy, bản án sơ thẩm nhận định Grab có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho Vinasun và tuyên buộc họ phải bồi thường chi phí xe nằm bãi 4,8 tỷ đồng cho Vinasun là không có căn cứ.
Tháng 6 năm ngoái, Vinasun kiện Grab vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT, gây náo loạn thị trường. Theo nguyên đơn, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải nhưng thực tế hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi – lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.
Vinasun cho rằng hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây nhiều hệ lụy cho công ty này. Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, trong đó do Grab gây ra là gần 42 tỷ nên yêu cầu đơn vị này bồi thường.
Sau nhiều lần mở phiên tòa nhưng tạm ngưng để xem xét, cuối năm ngoái TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng (chi phí do xe của Vinasun nằm bãi).
Không chấp nhận bản án này, Grab kháng cáo toàn bộ. Vinasun cũng kháng cáo yêu cầu tòa cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện.