Ngân hàng - Bảo hiểm
Trước thềm đón Keb Hana, BIDV chính thức có Chủ tịch HĐQT
T.L - 15/11/2018 18:25
Chiều nay (15/11), ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV vừa chính thức được NHNN bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT BIDV.
Ông Phan Đức Tú, tân Chủ tịch HĐQT BIDV

Chiều nay, tại trụ sở Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) đã diễn ra Lễ công bố Quyết định nhân sự cấp cao của ngân hàng này.

Theo đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao quyết định bổ nhiệm ông Phan Đức Tú, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc BIDV giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Sau khi ông Phan Đức Tú được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT, ghế Tổng Giám đốc của BIDV tạm trống. Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng Giám đốc BIDV được phân công phụ trách  Ban điều hành BIDV.

Như vậy, hơn 2 năm kể từ khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, BIDV mới chính thức có Chủ tịch HĐQT mới. 

Ông Phan Đức Tú sinh ngày 22/12/1964, quê quán tại xã Quỳnh Thiên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Ngân hàng TP. HCM, có trình độ Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh.

Ông bắt đầu làm việc tại BIDV từ năm 1987. Từ tháng 12/1998 đến tháng 2/2005, ông Phan Đức Tú là Giám đốc chi nhánh BIDV Quảng Nghĩa. Từ tháng 3/2005 đến tháng 5/2007, ông Tú đảm nhiệm cương vị Giám đốc Ban Tổ chức cán bộ BIDV. Tháng 6/2007, ông Phan Đức Tú được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc BIDV và trở thành Tổng giám đốc BIDV từ ngày 1/5/2012.  

Theo điều lệ hiện tại của ngân hàng, Tổng giám đốc là người  đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, BIDV đang xin ý kiến cổ đông đổi sang quy định cũ: Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật. Theo đó, ông Phan Đức Tú vẫn sẽ là người đại diện theo pháp luật của BIDV.

Như vậy, BIDV đã gần như kiện toàn đội ngũ nhân sự cấp cao ngay trước thềm diễn ra thương vụ lịch sử: Bán 15% cổ phần cho Keb Hana – Tập đoàn tài chính lớn đến từ Hàn Quốc.

Cuối tháng 10 vừa qua, BIDV đã công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thông qua Phương án chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành 15% cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.   

Hiện Nhà nước sở hữu tới 95% vốn tại BIDV. Nếu việc chào bán 15% cổ phần thành công, với giá cổ phiếu hiện nay (khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu), BIDV sẽ thu về trên 18.000 tỷ đồng.

Hiện thương vụ đang diễn tiến theo chiều hướng tích cực. Tại buổi làm việc với lãnh đạo NHNN ngày 13/11 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Hana đã cảm ơn NHNN đã tạo điều kiện và thúc đẩy thương vụ này đồng thời cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.  

Tin liên quan
Tin khác