Đầu tư và cuộc sống
Trường đại học ngoài công lập đầu tiên được chuyển đổi mô hình
Hưng Anh - 11/11/2024 15:11
Chuyển Trường đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân, là một trong 8 đại học của Việt Nam và cũng là cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đầu tiên, duy nhất tính đến nay ở Việt Nam được chuyển đổi mô hình thành “đại học”.

Kỳ vọng đại học ngoài công lập ngày càng có vai trò lớn hơn trong nền giáo dục

Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Đại học Duy Tân và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Trường Đại học Duy Tân được thành lập ngày 11/11/1994, là một trong 5 trường đại học dân lập đầu tiên của cả nước và là trường đại học dân lập đầu tiên của miền Trung. Năm 2015, trường chuyển đổi sang loại hình tư thục. Tháng 10/2024, Chính phủ ban hành Quyết định số 1115/QĐ-TTg ngày 07/10/2024 chuyển Trường đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân, là một trong 8 đại học của Việt Nam và cũng là cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đầu tiên và duy nhất tính đến nay ở Việt Nam được chuyển đổi mô hình thành “đại học”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định phát triển khối đại học công lập và ngoài công lập là bình đẳng

30 năm qua, nhà trường đã tuyển sinh được 153.771 nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên; đã cung cấp cho xã hội 87.116 tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư và cử nhân - nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng khẳng định, sự ra đời, phát triển của Đại học Duy Tân đã góp phần làm thay đổi cơ cấu công tư trong hệ thống các trường đại học, thay đổi diện mạo của giáo dục đại học, đem lại nhiều việc làm cho các nhà khoa học và cơ hội học tập cho rất nhiều sinh viên, góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.

Nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta coi việc phát triển khối các cơ sở giáo dục đại học công và và khối các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập là bình đẳng.

Bộ trưởng chia sẻ: Chính sách và cơ chế quản lý hai khối này đang theo hướng tới tập trung vào quản lý chất lượng kết hợp với kiểm tra, giám sát, gia tăng tự chủ, tự giải trình và tự chịu trách nhiệm xã hội.

Đối với khối các cơ sở giáo dục đại học công lập, cần ưu tiên tăng cường hỗ trợ nguồn lực đầu tư phát triển, trong khi đối với khối các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, cần ưu tiên tăng cường các chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, khuyến khích phát triển và hội nhập với các đại học tiên tiến.

Kỳ vọng vào khối các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ngày càng có vai trò lớn hơn trong nền giáo dục và phát huy những lợi thế để phát triển nhanh chóng, trở thành đại học thuộc nhóm các trường đại học hàng đầu khu vực châu Á, từng bước đạt được vị thế cao trên thế giới.

Chú trọng các lĩnh vực khoa học và công nghệ mới, công nghệ mũi nhọn

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay, trong số các đại học hàng đầu thế giới, một tỷ lệ rất lớn là các đại học tư, vì thế, một ngày không xa, Đại học Duy Tân có mặt trong nhóm các trường đại học hàng đầu châu Á và tiến tới nhóm hàng đầu thế giới.

Với trường công, có những việc là đương nhiên bởi đó là trách nhiệm trong hệ thống công, nhưng với trường tư, sự tự nhiệm, tự gánh vác với việc phát triển con người, phát triển  đất nước phụ thuộc và sự lựa chọn và cái tâm của những người chủ sở hữu và của tập thể lãnh đạo nhà trường.

Trường đại học Duy Tân được chuyển thành Đại học Duy Tân. Đây cũng là ngôi trường đại học ngoài công lập đầu tiên được chuyển đổi mô hình.

Khẳng định những cơ hội phát triển của đất nước cũng chính là cơ hội cho các trường đại học, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn trường đại học quan tâm nhiều hơn tới các lĩnh vực khoa học và công nghệ mới, công nghệ mũi nhọn, những ngành mà đất nước rất cần cả trước mắt và lâu dài, và với cả những ngành phải đầu tư nhiều nhưng lâu thu được kết quả.

“Trong số các nhân tố mà nhà trường phấn đấu và phát triển trong thời gian tới, mong lãnh đạo nhà trường chú ý tới việc phát triển đội ngũ các giảng viên, các nhà khoa học, vừa giỏi chuyên môn, trách nhiệm xã hội, trong sáng, liêm chính trong học thuật và là hình mẫu con người thời đại mới cho học sinh noi theo”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, đồng thời khẳng định, những trí thức chân chính thì bất kỳ trong môi trường nào, công hay tư cũng đều là những con người mẫu mực và tiên phong của thời đại và trách nhiệm trước dân tộc.

Vấn đề giữa trường công lập và khối ngoài công lập cũng là chủ đề được thảo luận tại Dự thảo Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV vừa qua. 

Theo đó, đối tượng, phạm vi áp dụng của Luật Nhà giáo là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Lần đầu tiên, có căn cứ pháp lý cho việc nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản của nhà giáo và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.

Tin liên quan
Tin khác