Đầu tư và cuộc sống
1,6 triệu giáo viên hiện tại trông chờ vào dự thảo Luật Nhà giáo
Hưng Anh - 30/10/2024 14:48
Lần đầu tiên dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng liên quan đến 1,6 triệu nhà giáo hiện tại và tác động tới sự phát triển đội ngũ nhà giáo trong tương lai nên nhận nhiều ý kiến từ các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh.

Lần đầu tiên dự thảo Luật Nhà giáo mới được xây dựng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Đây là dự thảo Luật mới, lần đầu tiên xây dựng. Đây cũng là dự án Luật khó vì tác động rộng tới nhiều đối tượng, liên quan đến nhiều bộ luật. Khó nữa đây là luật đối tượng, không phải luật lĩnh vực nên thời gian qua Ban soạn thảo đã rất nỗ lực xây dựng dự án này để trình Quốc hội.

Chia sẻ về quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo với những thay đổi về dung lượng, nội dung cho phù hợp với chỉ đạo, quan điểm mới về xây dựng luật của Quốc hội, Thứ trưởng cho biết: Thời gian qua, Ban soạn thảo đã tổ chức hàng trăm hội thảo, hội nghị, trao đổi, lấy ý kiến… với quan điểm xuyên suốt là ban hành Luật Nhà giáo để thúc đấy phát triển đội ngũ nhà giáo, thu hút người có trình độ, tâm huyết vào nghề và “giữ chân” được đội ngũ nhà giáo, chứ không phải xây dựng luật quy định thiết chế để quản lý nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo được toàn ngành giáo dục quan tâm vì liên quan đến 1,6 triệu giáo viên hiện tại.

Cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khoá XV còn 9 chương, 50 điều so với bản lấy ý kiến trước đó là 9 chương, 71 điều, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: Nội dung của Luật không chỉ liên quan đến 1,6 triệu nhà giáo hiện tại mà còn tác động tới sự phát triển đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Báo cáo tổng quan tình hình xây dựng Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Ngày 17/10/2024, được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hồ sơ dự án Luật Nhà giáo đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV.

Như vậy, với thời gian 15 tháng kể từ khi Chính phủ chính thức thông qua đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, 4 tháng kể từ khi Quốc hội có Nghị quyết chính thức bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ GD&ĐT (cơ quan thường trực Ban soạn thảo) đã tập trung tối đa các nguồn lực để nghiên cứu, soạn thảo, góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo.

Một số điểm mới về chính sách đối với nhà giáo tại dự thảo Luật Nhà giáo được ông Vũ Minh Đức chia sẻ bao gồm: Lần đầu tiên xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập; nhà giáo được chuẩn hóa thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp; chính sách tuyển dụng, sử dụng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Cùng với đó là điểm mới về chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo; về chính sách tiền lương và đãi ngộ.

Bà Lê Thị Thanh Xuân - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk bày tỏ ý kiến.

Với nội dung quản lý nhà nước về nhà giáo, giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao. Các cơ quan quản lý giáo dục dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.

Tuyển dụng, thu hút nhà giáo; chính sách tiền lương được nhấn mạnh

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT đã có những ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo; trong đó đặc biệt quan tâm đến một số nội dung chính sách lớn như tuyển dụng, sử dụng, điều động, thu hút nhà giáo; chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo…

Khẳng định Luật Nhà giáo là công cụ quan trọng, căn cứ pháp lý để phát triển lực lượng nhà giáo, “bệ đỡ” về luật pháp để lo cho lực lượng đông đảo này, Bộ trưởng  Nguyễn Kim Sơn chia sẻ quan điểm, nguyên tắc trụ cột được Ban soạn thảo, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thống nhất: xây dựng Luật để phát triển lực lượng nhà giáo.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM trao đổi ý kiến.

Nhấn mạnh quá trình đổi mới giáo dục đại học và giáo dục phổ thông cho thấy vai trò quan trọng có tính quyết định của lực lượng nhà giáo, Bộ trưởng cho rằng, đổi mới giáo dục chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản lý về mặt chuyên môn. Do đó, câu chuyện quản lý nguồn lực quan trọng nhất của ngành là quản lý nhà giáo cũng phải chuyển tư duy từ quản lý hành chính sang quản lý bằng chuyên môn và bằng chất lượng.

Đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung quản lý nhà nước về nhà giáo, trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong quản lý nhà giáo, Bộ trưởng dẫn lại nội dung trong Kết luận số 91- KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW: “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trong việc quyết định biên chế, tổ chức bộ máy, chính sách đối với nhà giáo và phân bổ ngân sách nhà nước cho ngành Giáo dục”.

Đánh giá cao tinh thần vào cuộc của lãnh đạo các Sở GD&ĐT trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn lãnh đạo các Sở GD&ĐT phải là người nghiên cứu, hiểu rất sâu về Luật Nhà giáo; cùng thống nhất ở tinh thần, định hướng, triết lý; lan tỏa tinh thần của Luật; tiếp tục có những góp ý cụ thể, chi tiết cho Luật Nhà giáo.

Tin liên quan
Tin khác