- Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 46 quy định, người tham gia giao thông vượt đèn vàng sẽ bị phạt như vượt đèn đỏ với mức tối đa 2 triệu đồng là vô lý. Ông có thể lý giải rõ ràng hơn về quy định này?
- Trước tiên phải khẳng định đây không phải là quy định mới trong Nghị định 46. Điểm mới ở đây là Nghị định 46 tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm tín hiệu đèn giao thông cao hơn so với mức phạt ở Nghị định 171 và Nghị định 107 trước đó, để tăng tính răn đe và nâng cao ý thức tham gia giao thông. Xử lý vi phạm về tín hiệu đèn giao thông đã được quy định rất rõ ràng trong Luật Giao thông đường bộ từ năm 2008.
Khoản 3, Điều 10, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ, tín hiệu đèn giao thông có 3 màu như sau: Tín hiệu đèn xanh là được đi; tín hiệu đèn đỏ là cấm đi; tín hiệu đèn vàng là dừng lại trước vạch sơn, trừ trường hợp đèn vàng xuất hiện khi người điều khiển phương tiện đã đi quá vạch dừng xe thì được đi tiếp.
- Mức xử phạt đối với ô tô và các loại phương tiện khác nếu vượt đèn vàng được quy định cụ thể trong Nghị định 46 như thế nào thưa Đại tá?
- Tại điểm a, khoản 5, Điều 5 Nghị định 46/2016 của Chính phủ quy định: Các trường hợp vi phạm, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đối với ô tô và các loại xe tương tự xử phạt tiền 1,2 - 2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Điểm c, khoản 4, Điều 6 của Nghị định quy định: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và các loại xe tương tự nếu không chấp hành các hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông sẽ bị phạt tiền 300.000 - 400.000 đồng, tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.
Theo điểm g, khoản 4, Điều 7 quy định: Người điều khiển xe máy kéo, xe chuyên dùng nếu không chấp hành các hiệu lệnh của đèn tín hiệu sẽ bị phạt 400.000 - 600.000 đồng, tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.
- Nhưng trên thực tế, tại nhiều điểm giao cắt, tín hiệu đèn vàng nhiều thời điểm nhấp nháy liên tục khiến người tham giao giao thông không biết được đi hay phải dừng lại. Phải hiểu và thực hiện quy định ra sao trong trường hợp này?
- Trong trường hợp tín hiệu đèn vàng nhấp nháy liên tục cả 4 chiều đường là được đi, nhưng lúc này người tham gia giao thông phải giảm tốc độ, chú ý quan sát và nhường đường cho người đi bộ.
- Dư luận đặt vấn đề, nếu vượt đèn vàng bị phạt như đèn đỏ thì nên bỏ luôn đèn vàng. Thậm chí có ý kiến cho rằng nên có thêm... đèn tím để báo hiệu sắp chuyển sang đèn vàng?
- Không thể bỏ tín hiệu đèn vàng. Lý do vì tín hiệu đèn vàng là dự lệnh để cho người tham gia giao thông khi qua các ngã ba ngã tư nhận biết rằng đang chuẩn bị chuyển sang đèn đỏ, khi đó phải dừng xe để nhường đường cho người đi bộ, nhường đường cho phương tiện ở hướng đường khác di chuyển.
Đèn vàng là dự lệnh để giảm sự nguy hiểm cho mọi người khi tham giao thông qua các điểm giao cắt, qua các khu vực đường hẹp, đoạn đường bị hạn chế tầm nhìn. Lúc này, đèn vàng nhắc nhở mọi người giảm tốc độ, chú ý quan sát và nhường đường cho người đi bộ, chấp hành tín hiệu đèn chỉ huy giao thông và người thực thi công vụ.
- Đã có bao nhiêu trường hợp vượt đèn vàng bị xử phạt trong ngày đầu CSGT Hà Nội ra quân xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định mới, thưa ông?
- Ngày đầu CSGT Hà Nội ra quân đã xử lý 12 trường hợp không chấp hành đèn tín hiệu đèn giao thông.
Lực lượng cũng đã xử lý vi phạm tốc độ 13 trường hợp, 3 trường hợp chở quá tải, dừng đỗ sai quy định 4 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm là 514 trường hợp, vi phạm nồng độ cồn 5 trường hợp (không trường hợp nào bị phạt tối đa 18 triệu đồng).
- Theo ông, việc siết chặt chế tài và tăng nặng mức xử phạt theo Nghị định 46 có đủ sức răn đe đối với người vi phạm giao thông, cải thiện được tình hình trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới?
- Qua xử lý vi phạm giao thông cho thấy, Nghị định 46 đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xử lý vi phạm giao thông hiện nay, đặc biệt tại các thành phố lớn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông.
Tôi cho rằng các mức xử phạt hành chính và hình thức tước giấy phép lái xe trong Nghị định áp dụng đối với các hành vi vi phạm, hành vi gây cản trở giao thông, gây tai nạn và ùn tắc giao thông, cố tình không chấp hành luật giao thông… hoàn toàn đủ sức răn đe và mang tính nghiêm minh của pháp luật.
Việc sự siết chặt về chế tài và nâng cao mức phạt sẽ nâng cao ý thức tính thượng tôn pháp luật của người tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho chính người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông tốt đẹp hơn.
- Xin cảm ơn Đại tá!