NHNN thiếu hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ L/C |
Ngân hàng hoang mang vì bị truy thu thuế VAT 10 năm với nghiệp vụ L/C
Tọa đàm trực tuyến "Thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng" diễn ra chiều 11/5 đã đề cập tới vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc nộp thuế của các ngân hàng thương mại.
Câu chuyện phi lý nhưng lại có thật đang diễn ra và gây ồn ào hơn một năm nay: mặc dù Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật các tổ chức tín dụng đều không thay đổi nhiều năm nay, song từ tháng 4/2020, Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) yêu cầu truy thu thuế VAT với nghiệp vụ L/C. Đáng nói, thời điểm áp dụng là từ khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực (1/1/2011), tức bị truy thu thuế 10 năm, theo văn bản số 1606/TCT-DNL của Tổng cục Thuế gửi Cục thuế địa phương.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, hầu hết các nước trên thế giới đều không thu thuế VAT với dịch vụ L/C. Quy định trên của Bộ Tài chính chưa phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật chuyên ngành ngân hàng, ảnh hưởng đến cả ngân hàng và doanh nghiệp, vì thuế GTGT là thuế gián thu (thu từ khách hàng). Nếu ngành thuế áp dụng thuế này, ngân hàng lại phải thu từ doanh nghiệp, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Với khoảng thời gian 10 năm (từ năm 2011 đến nay) đã có rất nhiều thay đổi, có thể có nhiều khách hàng không còn quan hệ giao dịch với TCTD hoặc đã giải thể/phá sản/không còn tồn tại, nên TCTD không thể thu thuế bổ sung từ khách hàng được và các TCTD cũng không thể ứng tiền ra để nộp thay cho doanh nghiệp. Chưa kể, chi phí mà các tổ chức tín dụng phải bỏ ra để bóc tách, kê khai, tính toán nguồn dữ liệu khổng lồ 10 năm nay là rất lớn, với các ngân hàng đã tiến hành M&a lại càng khó khăn…
Không chỉ ngân hàng kêu khó, mà bản thân doanh nghiệp - đối tượng sẽ phải nộp thuế cho ngân hàng nếu ngân hàng bị truy thu thuế VAT với dịch vụ L/C – cũng rất băn khoăn.
Bà Phạm Bích Hồng, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho hay, công ty sử dụng dịch vụ L/C từ ngân hàng là rất lớn. Khi ngân hàng nộp thuế VAT đầu ra hộ cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp lại được kê khai và khấu trừ thuế VAT đầu vào.
Nếu ngân hàng bị truy thu VAT với dịch vụ L/C 10 năm và truy thu từ doanh nghiệp, doanh nghiệp sau đó lại phải tiến hành thủ tục hoàn thuế với cơ quan thuế. Có nghĩa là, trong “thương vụ” này, ngân sách nhà nước không được thêm một đồng (vì ngân hàng nộp nhưng doanh nghiệp lại được hoàn thuế) nhưng “núi” thủ tục mà ngân hàng và doanh nghiệp phải thực hiện để nộp và hoàn thuế 10 năm lại vốn cùng lớn và tốn kém.
Mỗi bên một cách hiểu
Xung quanh những bất cập liên quan đến việc truy thu thuế VAT với dịch vụ L/C, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) giải thích, Tổng cục thuế áp dụng thu thuế VAT với nghiệp vụ L/C vì căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng 20210. Cụ thể, Khoản 15 Điều 4 Luật các TCTD 2010 quy định, thư tín dụng là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán, do đó, L/C thuộc đối tượng chịu thuế VAT theo quy định.
Theo ông Phụng, ngành thuế không thu thừa một đồng, song cũng không thể thu thiếu một hào, áp dụng thu đúng theo căn cứ pháp luật và đề nghị các ngân hàng thương mại "đứng ở vị trí của ngành thuế" để hiểu.
Tuy vậy, Hiệp hội ngân hàng và đại diện NHNN cho rằng, Tổng Cục thuế đang hiểu chưa đúng về quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Khoản 15, Điều 4 trên nên được hiểu theo hướng: trong các dịch vụ thanh toán có L/C chứ không phải L/C được định nghĩa là dịch vụ thanh toán.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, pháp luật chuyên ngành ngân hàng từ năm 2011 đến nay đều quy định thư tín dụng (L/C) là nghiệp vụ lưỡng tính, vừa là hình thức cấp tín dụng (trường hợp ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận thư tín dụng...), vừa là hoạt động thanh toán (khi ngân hàng chỉ đóng vai trò là người cung cấp các dịch vụ thanh toán như thông báo thư tín dụng (L/C), chuyển nhượng thư tín dụng (L/C) và một số hoạt động dịch vụ khác (không cam kết thanh toán.
Cụ thể, theo Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (Khoản 14 Điều 4 và Khoản 3 Điều 98) thì cấp tín dụng gồm: cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận; Tại Khoản 11 Điều 2 Thông tư 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về “qui định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” thì “Cấp tín dụng là việc TCTD.... Bảo lãnh ngân hàng, Cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (L/C)…”.
Ngoài ra, Khoản 15 Điều 4 Luật các TCTD quy định: “Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc; thẻ ngân hàng...; Thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của ngân hàng”. Điều này được hiểu là trong cung ứng dịch vụ thanh toán có loại hình thư tín dụng (L/C) chứ không phải thư tín dụng (L/C) là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Như vậy, bản chất mâu thuẫn giữa các ngân hàng và ngành thuế về áp dụng thuế VAT với dịch vụ L/C là bản chất của dịch vụ này. Ngành thuế coi L/C là dịch vụ thanh toán trong khi ngành ngân hàng cho rằng, L/C là nghiệp vụ lưỡng tính.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, hệ thống pháp luật nước ta còn khá rối rắm nên bên nào cũng có cái lý. Theo ông Đức, cần bóc tách L/C ra để thu thuế và không nên áp dụng truy thu.
Dẹp bớt "cái tôi" để gỡ khó cho ngân hàng, doanh nghiệp
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng" chiều nay, đại diện Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho rằng, NHNN đã tổng hợp ý kiến, đề xuất quan điểm và gửi sang Bộ Tài chính từ 29/3/2021, hiện đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến để tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phụng thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trên là do NHNN không đưa ra các hướng dẫn cụ thể. Theo ông Phụng, phía NHNN, với tư cách là cơ quan quản lý chuyên ngành, cần phải đưa ra các quy định rõ ràng về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nếu dịch vụ L/C là lưỡng tính thì phải có văn bản nêu rõ để ngành thuế có căn cứ áp dụng.
Ông Phụng cũng cho rằng, văn bản của NHNN gửi sang Bộ Tài chính đề nghị không áp dụng hồi tố, song cách tiếp cận này không chính xác. Bộ Tài chính không bao giờ đặt vấn đề truy thu thuế hồi tố, mà do ngân hàng chưa thực hiện thì phải thực hiện.
“Rõ ràng, các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ tài chính và NHNN phải thực sự cầu thị, không đặt nặng cái tôi xem ai ban hành văn bản đúng - sai mà phải thực sự đặt vấn đề chi phí xã hội, chi phí tuân thủ để đặt lên bàn cân, tìm cách tháo gỡ để doanh nghiệp không khổ sở. Hai bộ phải ngồi lại với nhau, quy định nào chưa rõ thì phải làm rõ để tháo gỡ cho doanh nghiệp trên các nguyên tắc: thượng tôn pháp luật, tính lịch sử, chi phí xã hội…”, ông Phụng nói.
Cũng theo ông Phụng, ngành thuế luôn có tinh thần cầu thị, tiếp thu. Hiện Tổng cục Thuế đã trình báo cáo lên lãnh đạo Bộ Tài chính và đang chờ ý kiến, tuy nhiên, Bộ Tài chính không có chức năng, nhiệm vụ quy định L/C nào là tín dụng, L/C nào là thanh toán. Vì vậy, NHNN vẫn phải có hướng dẫn cụ thể, Bộ Tài chính không thể làm thay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, mong muốn của các tổ chức tín dụng là không thu thuế VAT với nghiệp vụ L/C giống thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, trong trường hợp áp dụng, đề nghị không thực hiện hồi tố.
Ngoài ra, ông Hùng cũng đề nghị NHNN cần có quy định hướng dẫn về nghiệp vụ L/C để Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế có căn cứ áp dụng. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cần chủ động phối hợp với NHNN để hướng dẫn cụ thể cho các tổ chức tín dụng thực hiện đúng pháp luật về thuế, giảm thủ tục và các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.