Thuê bao tăng mạnh, doanh thu còi cọc
Năm 2021, doanh nghiệp ngành truyền hình trả tiền Việt Nam phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để duy trì dịch vụ. Một số doanh nghiệp đã không thể triển khai được hoạt động kinh doanh theo kế hoạch, cá biệt có doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường.
Đến hết năm 2021, Việt Nam có 37 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với gần 17 triệu thuê bao, doanh thu đạt hơn 9.000 tỷ đồng. So với năm 2020, số thuê bao tăng thêm gần 3 triệu, nhưng doanh thu chỉ tăng hơn 300 tỷ đồng.
Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là do cạnh tranh quá lớn, các nhà đài đua nhau khuyến mại, giảm giá rất sâu để lôi kéo khách hàng mới. Điều đó đã dẫn đến doanh thu trung bình trên một khách hàng (ARPU) của truyền hình trả tiền Việt Nam ở mức rất thấp, chỉ đạt hơn 18.333 đồng/thuê bao/tháng, tức là dưới 1 USD/thuê bao/tháng. Trong khi đó, ARPU bình quân của khu vực ASEAN đạt 10 - 30 USD/thuê bao/tháng. Trong đó, Singapore có chỉ số ARPU cao nhất, đạt 32 USD/thuê bao/tháng; Philippines ở mức thấp, nhưng cũng đạt 9 USD/thuê bao/tháng.
Một nguyên nhân khác là sự phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ đến từ truyền hình OTT (Over the Top - truyền hình Internet).
Kết thúc năm 2021, có 20/37 doanh nghiệp truyền hình trả tiền tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình OTT, với tổng thuê bao đạt xấp xỉ 3,7 triệu, tăng rất mạnh so với khoảng 1 triệu thuê bao năm 2020, nhưng doanh thu đạt chưa đến 200 tỷ đồng.
Còn các OTT xuyên biên giới không giấy phép như Netflix, YouTube, Amazon, Iflix, WeTV, IQIYI... thì không thống kê được doanh thu và số lượng thuê bao. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ riêng Netflix có khoảng 600.000 thuê bao tại Việt Nam, với mỗi thuê bao chi tối thiểu 120 USD/năm. Như vậy, mỗi năm, Netflix thu về ít nhất 72 triệu USD doanh thu tại riêng thị trường Việt Nam mà không bị quản lý.
“Hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu xuyên biên giới của doanh nghiệp nước ngoài chưa được quản lý bằng quy định cụ thể, đang tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng trên thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam”, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ.
Mối đe dọa mang tên “OTT xuyên biên giới”
Theo Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (PayTV), hiện nay, 80% thị phần truyền hình OTT tại Việt Nam là từ các doanh nghiệp xuyên biên giới. Trong khi các doanh nghiệp trong nước chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật liên quan, thì các đơn vị của nước ngoài gần như không phải chịu bất cứ sự kiểm duyệt hay chế tài nào, khiến truyền hình OTT trong nước rơi vào “cuộc chiến” bất bình đẳng, thua ngay trên sân nhà.
Theo Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, quy định các tổ chức OTT xuyên biên giới khi tham gia cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền đều phải lập hồ sơ xin cấp phép đầu tư và được sự chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trước khi cung cấp dịch vụ. Nhưng trên thực tế, các tổ chức OTT nước ngoài đều không lập hồ sơ xin cấp phép đầu tư, chưa được sự chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, mà vẫn cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới tới người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam.
Ông Lê Đình Cường, Tổng thư ký PayTV cho biết, hiện nay, đối với các kênh chương trình truyền hình trong nước, phim, chương trình theo yêu cầu, kênh chương trình nước ngoài, việc đăng ký, cung cấp, biên dịch, biên tập phải tuân theo quy định tại Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Trong khi đó, các đơn vị OTT nước ngoài lại chưa được định vị rõ là họ thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị định này, chưa quy định rõ ràng việc chương trình, phim do các đơn vị này cung cấp buộc phải có giấy phép phổ biến phim, video, clip và cũng chưa có quy định về biên tập nội dung. Điều này tạo ra kẽ hở để lọt những sản phẩm độc hại, xuyên tạc, vi phạm pháp luật Việt Nam và tạo ra tình trạng “bảo hộ ngược” cho doanh nghiệp nước ngoài, khiến doanh nghiệp trong nước rơi vào cuộc cạnh tranh không công bằng.
Theo ông Nguyễn Trọng Dần, Giám đốc MyTV, dịch vụ OTT xuyên biên giới bùng nổ đã “nuốt gọn” 30% thị phần của MyTV. Các tổ chức OTT nội địa còn bị các “ông lớn” nước ngoài chèn ép về giá. Giá truyền hình trả tiền đang ngày càng giảm, với mức bình quân hơn 40.000 đồng/thuê bao/tháng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thị trường truyền hình trả tiền. Trong khi đó, chi phí sản xuất và mua bản quyền ngày càng lớn, tình trạng vi phạm bản quyền chưa được giải quyết..., nên nội dung OTT nội địa không đủ lực để cạnh tranh với các nền tảng mang tính toàn cầu.
Đại diện Viettel cho biết, các OTT có giấy phép trong nước phải trả phí cao để tiếp sóng nguyên vẹn nội dung này từ các đơn vị sản xuất nội dung nội bộ. Điều này khiến các OTT trong nước khó phát triển, vì vừa phải trả chi phí đầu tư nội dung cao, vừa bị kiểm duyệt chặt chẽ, nên làm phát sinh bộ máy lớn để tiền kiểm nội dung và nộp các khoản lệ phí hoạt động.
Ông Lương Quốc Huy, Phó giám đốc SCTV đề xuất, cần quy định, các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới phải thực hiện thủ tục về đăng ký cấp phép hoạt động. Tất cả các nội dung trước khi cung cấp tại Việt Nam phải thông qua khâu biên tập, biên dịch, kiểm duyệt đúng theo quy định của Luật Báo chí, Luật Điện ảnh, nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ về nội dung chương trình truyền hình, phim ảnh…
“Chúng ta phải có sự hỗ trợ của Nhà nước về chủ trương, biện pháp, đặc biệt là các chế tài quản lý để hỗ trợ bình đẳng cho các đơn vị dịch vụ truyền hình trong nước. Chúng ta cũng cần ngăn chặn những vi phạm của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình nước ngoài vào Việt Nam. Trước sai phạm của OTT xuyên biên giới, PayTV đã đề xuất tạm thời chưa cấp phép cho các đơn vị nước ngoài”, ông Cường cho biết.
Trong khi đó, ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media lại nhìn nhận, đây cũng sẽ là cơ hội trong thời gian tới. Truyền hình OTT sẽ có cơ hội khi nhu cầu bản quyền đối với nội dung Việt rất lớn và các OTT nước ngoài sẵn sàng trả giá tốt, để lấy được những sản phẩm chất lượng.
“Tôi nghĩ, khoảng 1 - 2 năm nữa, các OTT nước ngoài sẽ bỏ tiền đầu tư sản xuất phim Việt tại Việt Nam, giống như đã làm tại các thị trường đi trước như Hàn Quốc, Trung Quốc… Viettel Media có thể sẽ bán một số nội dung cho OTT ngoại và họ cũng đang có kế hoạch cho những việc như vậy. Đó là cơ hội cho ngành sản xuất”, ông Hải chia sẻ.
Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đơn vị này đã trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Theo đó, Nghị định được sửa đổi theo tinh thần là phải áp dụng tiền kiểm với các OTT nước ngoài, như quy định của Luật Điện ảnh hiện hành, thông qua các đài truyền hình của Việt Nam hay cơ quan báo chí Việt Nam.