Doanh nhân
TS. Nguyễn Việt Anh: Tôi tự hào khi bạn bè, đồng nghiệp ngạc nhiên trước sự phát triển của Việt Nam
TS. Nguyễn Việt Anh - 03/09/2020 09:03
Tôi đã học tập, sinh sống và làm việc tại CHLB Đức được 16 năm, nhưng vẫn luôn theo dõi các thông tin và sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua.

LTS: Dân tộc Việt Nam có lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng. Ngày 2/9/1945 là một trong những mốc son chói lọi, ghi tên Việt Nam lên bản đồ thế giới với tư cách một quốc gia độc lập. Từ đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định sức sống và bản lĩnh Việt Nam trong công cuộc Đổi mới, hội nhập, khẳng định vị thế và vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế.

Trong cuộc chiến Covid-19 khiến bao cường quốc chao đảo, Việt Nam tiếp tục nổi lên là điểm sáng, với bản lĩnh và sáng tạo, kiên cường và nhân văn, vừa nỗ lực phòng, chống dịch, vừa tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, để một lần nữa, hai tiếng Việt Nam lại vang lên tự hào trong mỗi người Việt Nam và tự đáy lòng cảm phục của bạn bè quốc tế.

Nhân kỷ niệm 75 Quốc khánh, Báo Đầu tư trân trọng giới thiệu những chia sẻ tâm huyết, những suy tư, trăn trở, những ấp ủ và hành động, những xúc cảm dâng trào hướng về Tổ quốc, với niềm tự hào "được là người Việt Nam". 

 *

*           *

Tôi may mắn là một thành viên trong đoàn 100 nhà khoa học Việt Nam trên toàn thế giới về Việt Nam tham dự buổi lễ khởi động mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam vào năm 2018 tại Thủ đô Hà Nội và được gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ, tầm nhìn của các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ban ngành của Việt Nam.

TS. Nguyễn Việt Anh tại Lễ ra mắt Mạng lưới ĐMST Việt Nam 2018.

Với tình yêu vô bờ bến của những người con xa xứ đối với quê hương Việt Nam, tôi tin rằng tất cả 99 chuyên gia, nhà khoa học khác trong đoàn cũng có cùng suy nghĩ cháy bỏng như tôi, đó là cần phải hành động ngay, làm một việc gì đó đóng góp vào sự phát triển khoa học và kinh tế Việt Nam.

Tôi vô cùng vui mừng và tự hào trước những thành tựu phát triển to lớn và vị thế của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế ở thời điểm hiện tại. 

Bất chấp muôn vàn khó khăn, Việt Nam cũng gặt hái nhiều thành tựu trong các nhóm ngành kinh tế chủ đạo. Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu COVID-19, bất chấp những diễn biến phức tạp trong thời gian qua, Việt Nam và Đức được coi là 2 trong các quốc gia đi đầu trong việc phòng và chống dịch. Việc này hiện tại đã chứng tỏ sự hiệu quả của hệ thống y tế và chính sách chống dịch COVID-19 của Chính phủ Việt Nam.

Trong lĩnh vực Đổi mới sáng tạo, năm 2019, chỉ số trung bình đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index, GII) của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 42 trên 130 quốc gia, tăng 3 bậc so với năm 2018. Chỉ số này cũng là thước đo cho nội lực nền khoa học công nghệ của Việt Nam đã dần tiếp cận được với kiến thức khoa học, công nghệ của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả.

Do công việc tại Tập đoàn Siemens Energy và thông qua các hoạt động kết nối, cộng đồng, tôi may mắn khi được tiếp xúc và nói chuyện với nhiều đồng nghiệp, bạn bè là người Đức. Họ đều là những chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp và cả chính trị gia người Đức giàu ảnh hưởng.  

TS. Nguyễn Việt Anh, sinh ra tại Bắc Giang, Việt Nam. Anh học đại học, cao học và tiến sĩ tại CHLB Đức và hiện đang đảm nhiệm vị trí Quản lý dự án tại Tập đoàn Siemens Energy của Đức tại Berlin, Chuyên gia tư vấn Dự án Siemens Lộ trình phát triển cơ sở hạ tầng thông minh cho Việt Nam.

Anh còn là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức, Đồng sáng lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt - Đức (VGI Network), Thành viên Mạng lưới Lãnh đạo trẻ Hiệp hội Kinh tế Đông Á (OAV).

Trong các câu chuyện về mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức, tôi tự hào khi được nghe những chia sẻ rằng, họ ngạc nhiên trước sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong thời gian qua. Họ không ngờ rằng dân tộc Việt Nam bất khuất và giàu sức sống đến vậy.

Một số đồng nghiệp và doanh nghiệp Đức sau khi về Việt Nam thăm, làm việc hoặc du lịch cùng gia đình sang, đã nói với tôi rằng: “Tôi đã yêu Việt Nam ngay từ cái nhìn đầu tiên”. Là một người con đất Việt, khi nghe nhưng lời chân thật như vậy, bạn sẽ vui mừng và hãnh diện đến chừng nào.

Sếp của tôi ở Siemens Energy cũng đã từng sống ở Việt Nam nhiều năm, khi Tập đoàn thực hiện một dự án xây dựng nhà máy điện khí của Siemens tại đây. Ông ấy nói với tôi rằng: “Tôi đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam cũng như mối quan hệ với Việt Nam. Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ, đầu tư vào việc nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án số hóa”. Và dĩ nhiên, đi cùng với đó là những dự án trong tương lai của  Siemens tại Việt Nam.

Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức tại Berlin có trao đổi với tôi rằng, tiềm năng hợp tác và đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đức là rất lớn, tuy nhiên dường như vẫn chưa được khai thác triệt để.

Những lời chia sẻ chân thành của đồng nghiệp, bạn bè và doanh nghiệp Đức chỉ ra những tiềm năng to lớn cần khai thác hơn nữa trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức nói chung và giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đức nói riêng. 

Năm 2020, Việt Nam và Đức kỷ niệm 45 năm mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tôi tin tưởng rằng với Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và EU (EVFTA) cũng như Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA), bức tranh hợp tác giữa hai bên sẽ tô điểm thêm nhiều sắc nét, sâu hơn và rộng hơn nữa.

Tin liên quan
Tin khác