TS Trần Đình Thiên: "Khó nhất vẫn là từ lời nói đến hành động". Ảnh: Hà Minh |
Phát biểu tại Hội thảo chuyên gia quốc tế Khu công nghiệp sinh thái Việt Nam đang diễn ra hôm nay (29/9) tại đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam chia sẻ, kinh tế Việt Nam vẫn đậm chất kinh tế tiểu nông, nhỏ lẻ, đóng kín, thiếu liên kết, chưa có tầm nhìn toàn cầu trong đó có nhiều vấn đề cần lưu ý bởi nó tác động đến chiến lược xây dựng các KCN sinh thái.
Theo ông Thiên, đầu tiên là vấn đề cơ cấu các ngành trong nền kinh tế. Quá trình chuyển dịch cơ cấu của Việt Nam đã có nhưng rất chậm. Cụ thể, công nghiệp nặng về khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, định hướng công nghiệp phi công nghệ, không khuyến khích sản xuất nội địa. Nông nghiệp dịch chuyển cơ cấu kiểu “đèn cù” có nghĩa là thay cây con liên tục nhưng quanh quẩn vẫn là những cây con đó, với định hướng xuyên suốt hướng đến sản lượng và năng xuất chứ không hướng vào giá trị.
Điều này, được ông Trần Đình Thiên dẫn ra các con số với tỷ lệ phần trăm đi kèm khiến ai nhìn vào cũng có thể giật mình, còn với các doanh nghiệp thì chắc chắn phải nhìn lại chính sự phát triển của mình.
Đó là, các Doanh nghiệp Việt Nam có trình độ công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ so với thế giới. 80-90% công nghệ ngoại nhập, 76% thuộc thế hệ giai đoạn 1960-1970, 75% thiết bị đã hết khấu hao, 50% là tân trang.
Thiết bị hiện đại chỉ có 10%, trung bình 38%, lạc hậu và rất lạc hậu chiếm 52%, đặc biệt, ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiết bị lạc hậu và rất lạc hậu là 70%.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đổi mới công nghệ rất thấp, tính ra chỉ chiếm khoảng 0,2-0,3% doanh thu, trong khi ở Ấn Độ là 5% và ở Hàn Quốc là 10%.
Doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghệ cao chỉ 2% nhưng đa số tham ra giá trị gia tăng thấp, 55% ở ngành công nghệ thấp..
Nguyên nhân theo ông Thiên là do chuyển đổi kinh tế chưa gắn với tầm nhìn chuyển động thời đại là công nghệ cao và toàn cầu hóa. Mô hình tăng trưởng cũ chậm thay đổi, chủ yếu khai thác tài nguyên thô, lao động rẻ, kỹ năng thấp. Đặc biệt, việc dựa vào doanh nghiệp Nhà nước nên tiêu chuẩn về công nghệ và tiêu chuẩn về môi trường rất thấp dẫn đến nền kinh tế chậm tiến, môi trường bị hủy hoại.
Trong bối cảnh phát triển mới, yêu cầu và áp lực đòi hỏi phải đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, triển khai và thực hiệu hiệu quả định hướng tầm nhìn “Việt Nam 2035” hướng theo những khái niệm mới: “phát triển bền vững”, “nền kinh tế xanh”, “nền nông nghiệp sạch”, “đô thị thông minh”...
Nếu không triệt để triển khai theo những chiến lược trên thì tới đây, sẽ còn có nhiều sự cố về môi trường nữa khi mà các nhà máy điện, nhiệt điện, nhà máy thép đang manh nha xây dựng.
Tuy nhiên, ông Trần Đình Thiên cũng băn khoăn từ lời nói đến hành động lâu nay còn cách xa nhau nhiều quá. "Chân lý thực tiễn đã rút ra, cho thấy, con đường dài nhất của Việt Nam hiện nay chính là...từ lời nói đến hành động. Vì vậy, xây dựng các Khu CN sinh thái cần phải được đẩy mạnh và phải có sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan Trung ương đến địa phương; phải hướng đến công nghệ hiện đại để tăng giác trị sản xuất. Đối với nông nghiệp, xác định trên nền nông nghiệp đặc sản, biến nông nghiệp thành thế mạnh. Bên cạnh đó, việc hình thành các KCN sinh thái phải song hành phát triển, bổ trợ cho nông nghiệp, giúp thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng cạnh tranh giá trị, an toàn, bền vững”- TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh".