Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho biết, năm tài chính của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar - mã chứng khoán SBT) bắt đầu từ 1/7 năm trước đến 30/6 năm sau.
Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu niên độ 2021-2022, TTC Sugar đạt 802 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt so với kế hoạch đặt ra cho cả năm là 750 tỷ đồng và tự tin kết thúc quý IV, TTC Sugar sẽ đạt về doanh số, sản lượng cũng như vượt xa mốc chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra.
TTC Sugar hiện là nhà sản xuất đường và các sản phẩm đường số 1 tại Việt Nam với 46% thị phần đường nội địa. Trong niên độ tài chính 2021 - 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng sản lượng tiêu thụ tăng nhẹ và giữ vững thị phần ở các phân khúc kinh doanh đã xây dựng. Kế hoạch doanh thu tương ứng 16.905 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 750 tỷ đồng.
Trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, TTC Sugar đặt mục tiêu sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu tại Australia lên 20.000 ha ứng dụng công nghệ cao và hướng đến tăng cường trao đổi, phát triển nông nghiệp 4.0.
Theo ông Thành, kết quả có được của TTC Sugar trong 9 tháng đầu năm là nhờ Công ty có ưu thế về công nghệ, lợi thế về thương hiệu và đặc biệt là thị phần sẵn có đã được tạo dựng hơn 50 năm vừa qua.
"Mặc dù niên độ 2021 - 2022 khá thách thức, tuy nhiên trong ngành mía đường, TTC đã tìm thấy và hiện thực hóa được những cơ hội, tiếp tục thực hiện chiến lược mở rộng thị trường thông qua phương thức M&A và đầu tư xây dựng nhà máy", ông Thành nói.
Trên thực tế, Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu dân, nhu cầu sử dụng đường khoảng 2 triệu tấn/năm nhưng trong nước mới chỉ sản suất được 800.000 tấn, còn lại nhập khẩu trên 1 triệu tấn/1 năm.
Với vùng nguyên liệu truyền thống hơn 66.000 hecta ở 3 nước khu vực Đông Dương là Việt Nam, Lào và Campuchia, TTC luôn mong muốn tạo ra bệ đỡ cho ngành mía đường Việt Nam.
Do đó, trong bối cảnh khủng hoảng lương thực trên diện rộng, TTC dự kiến sẽ tham gia đầu tư ở những cường quốc mía đường như Australia để mở rộng vùng nguyên liệu, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng quốc nội và cả xuất khẩu.
Australia được biết đến là quốc gia sản xuất hàng hóa nông nghiệp hàng đầu thế giới, có khả năng nghiên cứu và nền tảng khoa học vượt trội trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như được sự quan tâm, hỗ trợ lớn từ Chính phủ.
Đặc biệt là vùng nguyên liệu Queensland, nơi có thổ nhưỡng, lượng mưa và nước phù hợp để trồng mía. Do đó, khi đầu tư vào đây, mảng mía đường của TTC sẽ tận dụng được những ưu thế sẵn có từ thị trường này.
Thực tế cũng chứng minh, về lĩnh vực mía đường, TTC không chỉ giữ vững được thị phần của Việt Nam sau khi gia nhập ATIGA mà còn khẳng định được vị thế của ngành mía đường Việt Nam trong khu vực.
Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết, tuy vẫn có những thách thức, như vấn đề hạn điền, nhưng bằng sự kiên định trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác, TTC đã đồng hành cùng người nông dân, xóa bỏ định kiến về một nền nông nghiệp lạc hậu, tự tin hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, hài hòa quyền lợi với nông dân...
Với xuất phát điểm ban đầu chỉ là cơ sở sản xuất cồn, sau đó tham gia mua cổ phần trong nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, TTC đã trở thành nhà sản xuất và nhà thương mại. Trong hoạt động M&A, TTC được biết đến là doanh nghiệp Việt Nam thực hiện "M&A ngược", mua lại doanh nghiệp nước ngoài - Tập đoàn Bourbon (Pháp) vào năm 2010 và nhiều hoạt động M&A khác để mở rộng tầm hoạt động.
Hiện đang có thông tin TTC mua lại doanh nghiệp đường Ấn Độ ở Campuchia nhằm tiếp tục chiến lược mở rộng thị trường. Thương vụ này, theo đại diện TTC, về cơ bản đã hoàn tất và sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Điều này thể hiện tầm nhìn trong chiến lược phát triển dài hạn của Tập đoàn. Hiện nay, TTC sở hữu thương hiệu Đường Biên Hòa trên 50 năm - một thương hiệu chiếm gần 50% thị phần Việt Nam, gần gũi với người tiêu dùng, thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe.
Hoạt động của TTC trong ngành mía đường trải dài ở 5 quốc gia (Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapore, Australia), trong đó Việt Nam là trụ cột chính. Bên cạnh đó, ngoài việc mở rộng thị trường, nâng sản lượng, ngành mía đường TTC còn mở rộng chuỗi giá trị theo chiều ngang và chiều sâu.
Là doanh nghiệp đầu ngành mía đường của Việt Nam cả về thị phần và danh mục sản phẩm, trong niên độ qua, TTC đã tích cực tiến hành đầu tư nhiều dự án quan trọng để gia tăng tỷ trọng các sản phẩm cạnh đường - sau đường, đa dạng hóa chuỗi giá trị sản phẩm từ cây mía nhằm tối đa hóa lợi nhuận đem lại.
Nổi bật có thể kể đến là phát triển và đưa ra thị trường nước mía không ngọt Miaqua, nước mía đóng lon MÍAHA 100% tự nhiên, giữ được trọn vẹn các loại vi khoáng, dưỡng chất quý giá.
Cơ cấu khách hàng của TTC cũng ngày càng đa dạng hơn, ngoài việc phục vụ những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao cho khách hàng công nghiệp, TTC đã và đang tiến sâu hơn vào hệ thống phân phối hiện đại để tiếp cận đối tượng khách hàng tiêu dùng cuối cùng.