Thời sự
Từ 15/7, doanh nghiệp ở Thủ Đức không được để người lao động tự di chuyển
Thị Hồng - 14/07/2021 07:57
Từ ngày 15/7, nếu tạm thời chưa kịp bố trí “3 tại chỗ”, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Thủ Đức phải đưa/đón người lao động, không để họ tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân.

UBND Thành phố Thủ Đức vừa có văn bản về việc tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, theo Chỉ thị 16. 

Theo khuyến cáo của chuyên gia ngành y tế trên cơ sở phân tích số liệu kết quả lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong các doanh nghiệp có đông lao động, tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao nếu không kiểm soát chặt chẽ.

Vì vậy, UBND Thành phố Thủ Đức yêu cầu đối với doanh nghiệp trên địa bàn thuộc đối tượng phải tạm ngưng hoạt động khi có ca nhiễm Covid-19 thì phải tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch, tạm ngưng sản xuất để đảm bảo về kiểm soát an, chỉ được sản xuất trở lại sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan thẩm quyền kiểm tra an toàn theo Quyết định 2787/QĐ-BYT.

Đối với doanh nghiệp đã có phương án vừa sản xuất vừa lưu trú tại chỗ sẽ tiếp tục hoạt động, phải thực hiện theo kế hoạch hoặc phương án đăng ký, bảo đảm kiểm soát không cho người ra khỏi doanh nghiệp (trừ trường hợp cấp bách).  

Các phương tiện vận chuyển dừng tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội, Thành phố Thủ Đức (Ảnh: Lê Toàn).

Với doanh nghiệp hoạt động trong thời gian TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, phải khẩn trương triển khai thực hiện nội dung “3 tại chỗ” bao gồm sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ.

Cụ thể, từ ngày 15/7/2021, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn cho người lao động bên trong nhà máy tại công ty hoặc thuê chỗ ở tập trung (khách sạn, ký túc xá,… bên ngoài doanh nghiệp, phải tổ chức quản lý chặt chẽ đưa đón người lao động bằng phương tiện đưa đón, không để người lao động tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân. 

Đối với các khu vực phong tỏa, cách ly y tế thì phương tiện vận chuyển của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khi xuất/ nhập vật tư, sản phẩm chỉ được phép ra vào trong khung giờ từ 22 giờ đến 5 giờ; tài xế phải có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính còn hiệu lực; phải khai báo y tế và cập nhật vào sổ nhật ký hàng ngày.

Đồng thời, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải lập danh sách phương tiện, liên hệ UBND  phường mà đơn vị mình đang trú đóng để được cấp phù hiệu cho phương tiện ra vào khu vực phong tỏa, cách ly.

Từ 0 giờ ngày 13/7 ,để tầm soát, xét nghiệm nhằm phòng chống dịch, UBND Thành phố Thủ Đức triển khai cách ly, phong tỏa toàn bộ địa bàn hai phường Bình Chiểu và Trường Thạnh  đến khi có thông báo mới.

Khu vực phường Bình Chiểu có 6 khu phố, 22.688 hộ dân với 73.825 nhân khẩu.

Phường Trường Thạnh có 4 khu phố, 6.362 hộ với hơn 21.000 nhân khẩu.

Trong thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế, người dân không được ra khỏi khu vực phong tỏa trừ nhân viên y tế, người thực hiện công vụ, các trường hợp cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.

Trong khu vực phong tỏa bảo đảm giãn cách xã hội giữa người với người, cách ly giữa nhà với nhà, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở công ty. Cá nhân không tuân thủ yêu cầu cách ly, phong tỏa sẽ bị cưỡng chế theo quy định.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức cho biết, trong thời gian phong tỏa, các lực lượng của phường sẽ chăm lo hậu cần cho người dân, rà soát và hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn.

"Khi bị phong tỏa, việc di chuyển, đi lại của người dân sẽ khó khăn. UBND Thành phố Thủ Đức mong người dân trong các khu vực phong tỏa chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng Thành phố để kiểm soát dịch bệnh”, ông Hoàng Tùng chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác