Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Xin giới thiệu thêm, tôi từng học khối chuyên ngành kỹ thuật thuộc một trường đại học dân lập sau đó tôi bị đuổi học ở năm thứ hai vì không theo được một số môn ngoài chuyên ngành (tiếng Anh), nhưng ngược lại tôi rất mạnh về các môn chuyên ngành.
Sau khi nghỉ học, tôi đã rất suy sụp và rồi lại vực dậy hy vọng. Tôi tìm một số phần mềm kỹ thuật tự học với mong muốn sau này có một công việc đủ trang trải cuộc sống và đúng với thế mạnh của tôi.
Mất một năm ở nhà vừa trốn tránh vừa chơi game cũng tranh thủ học và làm một số phần mềm, tôi bắt đầu thử sức đi xin việc tại một công ty (hiện giờ tôi đang làm).
Khi đi phỏng vấn tôi kể toàn bộ về quá trình học hành thất bại của tôi và với mong muốn đáp ứng một công việc với mức lương thấp cũng được, giám đốc đã thông cảm và nhận tôi vào làm với mức lương 3,5 triệu đồng mỗi tháng và đến bây giờ sau 6 năm làm việc tôi đi lên từ việc hỗ trợ sai vặt cho các anh ở phòng kỹ thuật đến vị trí quản lý cả phòng kỹ thuật của công ty với mức lương 15 triệu đồng/tháng (chưa tính phần trăm theo công trình).
Sau đó tôi cũng từng đi phỏng vấn ở một số công ty nước ngoài đều được nhận dù không có bằng cấp. Chỉ vì tôi không đồng ý với yêu cầu thời gian của họ nên tôi đành không làm.
Tôi đã từng phỏng vấn một số người đến xin việc tại công ty và cũng tiếp xúc khá nhiều các bạn bằng tuổi tốt nghiệp đại học danh tiếng, từ đó tôi nhận thấy rằng tình trạng học hành kiến thức của các bạn khi đi xin việc có những vấn đề như sau:
Về nhà tuyển dụng: Tôi chỉ nói ngắn gọn, họ có quyền của họ để tìm người thích hợp với họ, hãy coi đó là một đề bài.
Về người xin việc: Chưa chắc bạn không đáp ứng được công việc mà vì cơ bản bạn phải cạnh tranh với những người khác, cùng đợt tuyển nhưng họ tuyển người đạt nhất về các tiêu chí, nên dù bạn giỏi nhưng biết đâu có người giỏi hơn bạn cũng đang xin việc cùng bạn.
Còn các bạn chưa có kinh nghiệm? Rất nhiều người nói vừa mới học xong thì lấy đâu ra kinh nghiệm. "Trong CV em có viết là kinh nghiệm dưới một năm các anh không đọc hay sao?", "Em có kinh nghiệm chắc gì em đã xin vào công ty anh?". Rất nhiều những câu hỏi buồn cười.
Những ứng viên đã biết những câu hỏi và nhà tuyển dụng họ cũng thừa biết hồ sơ bạn có những gì, tại sao họ vẫn gọi bạn đi phỏng vấn? Họ thừa thời gian thế sao, các bạn thuộc đề bài nhưng chưa chắc các bạn hiểu đề bài, trước khi đi phỏng vấn hãy tìm hiểu về công ty họ xem họ cần gì ở mình, tự đánh giá khả năng của mình, đừng quá ảo tưởng và cũng đừng quá tự ti. Đánh giá được mình thì mới xin việc được cho mình.
Quay trở lại, vì sao họ lại hỏi những câu rất thừa như vậy mặc dù tôi đã viết hết trong CV. Khả năng trong công việc được đánh giá bởi rất nhiều yếu tố, cách giao tiếp, tính cách, chuyên ngành, tất cả được đánh giá trong buổi phỏng vấn gặp mặt, nếu bạn không thuyết phục được nhà tuyển dụng thì sau này làm sao bạn thuyết phục được khách hàng khi bán một sản phẩm bình thường không có gì nổi bật.
Thế nên dù chắc về chuyên ngành làm việc nhưng cũng nên biết cách nói chuyện, giao tiếp. Khi bạn tán tỉnh một cô gái mà chỉ khoe bạn có này, có kia mà không biết cô gái cần những gì liệu có tán được không?
Vẫn là nên chắc kiến thức và học cách giao tiếp trước khi đi cầm hồ sơ đi xin việc, kinh nghiệm ở đâu, muốn có kinh nghiệm thì phải đi từ thấp rồi lên cao. Ra trường cứ tìm một công việc ở một công ty nho nhỏ để làm, khi bạn có năng lực thì dù môi trường nào bạn cũng sẽ phát triển.
Phải công nhận rằng đa số sinh viên học đại học tuy kiến thức hơi yếu nhưng bù lại họ có tư duy logic khá tốt, có điều xã hội bây giờ thừa thầy thiếu thợ, nên muốn phát triển thì hãy cứ từ thấp lên cao.
Nhiều người từ thợ lên làm ông chủ đó thôi. Các cụ có câu trèo cao thì ngã đau, các ứng viên xin việc nên bỏ tư duy tôi phải làm vị trí này vị trí nọ mà nên thay đổi suy nghĩ: cái gì em làm cũng được thì chắc ít sinh viên thất nghiệp. Còn thăng tiến được hay không thì không phải công ty bạn xin việc, mà là do năng lực của các bạn.