Sốt ruột vì KL Texwell Vina
Thủ tướng Chính phủ vừa một lần nữa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo tình hình đóng cửa, nợ lương, bảo hiểm của người lao động ở Công ty KL Texwell Vina (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, cũng như chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo phải được gửi Chính phủ trước ngày 10/3.
. |
Trước đó, ngày 14/2, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nắm tình hình, kịp thời hỗ trợ, chăm lo cho người lao động của KL Texwell Vina trong dịp Tết.
Chuyện lùm xùm ở KL Texwell Vina bắt đầu xảy ra từ đầu tháng 2/2018, ngay trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, khi công nhân đến làm việc thì bất ngờ thấy nhà máy đóng cửa. Toàn bộ dàn lãnh đạo của Công ty đã lặng lẽ về nước, để lại khoản nợ bảo hiểm xã hội trên 17,5 tỷ đồng và nợ lương tháng 1/2018 của gần 2.000 công nhân là trên 13,7 tỷ đồng. Trước tình hình ấy, UBND tỉnh Đồng Nai đã buộc phải tạm ứng ngân sách để chi trả lương, cũng như hỗ trợ tiền Tết cho công nhân để ổn định tình hình.
Sau Tết, công nhân KL Texwell Vina quay trở lại làm việc nhưng nhà máy vẫn im ỉm đóng cửa, chủ đầu tư cũng vắng bóng. Khả năng công ty này quay trở lại hoạt động là rất khó, khi thông tin cho biết, ngay cả Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam cũng chưa thể liên lạc được với các thành viên Ban lãnh đạo KL Texwell Vina và các công ty con của KL Texwell Vina đặt ở 3 quốc gia khác cũng đều ngưng hoạt động như ở Việt Nam.
Như vậy, sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam (từ năm 2006), KL Texwell Vina đã có một cái kết không thể buồn hơn. Vấn đề còn lại là xử lý “cái xác” KL Texwell Vina như thế nào, trả nợ ra sao, cũng như làm sao để giải quyết việc làm cho gần 2.000 công nhân đang khổ sở vì mất việc.
Lo lắng vì doanh nghiệp FDI bỏ trốn
Trong khi chuyện lùm xùm ở KL Texwell Vina còn chưa có hướng giải quyết, nếu truy cập thông tin trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đầu tư nước ngoài, sẽ thấy không ít thông tin về việc các cơ quan quản lý nhà nước phát thông báo “truy tìm tung tích” của các doanh nghiệp FDI bỏ trốn.
Gần nhất là vào ngày 2/3/2018, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) phát thông báo yêu cầu Công ty TNHH QSIC Việt Nam liên hệ để giải quyết việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư của công ty này tại SHTP. QSIC được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2005, dừng hoạt động tại SHTP từ tháng 12/2016 và kể từ đó đến nay, Ban quản lý SHTP không tài nào liên hệ được với QSIC.
QSIC chỉ là một ví dụ gần nhất. Có thể thấy rất nhiều thông tin “truy tìm tung tích” như vậy được công bố trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đầu tư nước ngoài, từ tìm Công ty K&P, rồi Exon Việt Nam, hay Shin Kwang Global Việt Nam, TK-Vina, Sohwa, Coreka Partners… Lý do đều là vì các công ty này rời trụ sở đã lâu và cơ quan quản lý không thể liên lạc được.
Cùng vào thời điểm đó, tức là khoảng cuối năm 2017, lần lượt BIDV rồi Agribank rao bán tài sản ở Công ty Lifepro Việt Nam (Ninh Bình) và Kenmark Hải Dương. Đây là khối tài sản mà BIDV và Agribank còn giữ được của các “con nợ” của mình, là các doanh nghiệp FDI đã bỏ trốn để lại khoản nợ ngàn tỷ cho các ngân hàng Việt Nam. Đây chính là hai trong số các ví dụ điển hình nhất về tình trạng doanh nghiệp FDI bỏ trốn trong suốt thời gian qua.
Như khi Lifepro và Kenmark lắng xuống, thì gần đây, lại nổi lên hàng loạt cái tên khác, mà KL Texwell Vina chỉ là một ví dụ. Chẳng hạn, Công ty Ado Vina, hay Công ty Amanda cũng phá sản, rồi bỏ trốn và để lại khoản nợ cả trăm tỷ đồng. Giám đốc Công ty cổ phần Thép Quatron (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã “cao chạy xa bay” từ giữa năm 2016, để lại khoản nợ gần 28 tỷ đồng. Tương tự, lãnh đạo Công ty Gmie (Bắc Ninh) bỏ đi từ giữa tháng 6/2015, khiến gần 440 công nhân bơ vơ…
Một cách thẳng thắn, so với con số 25.194 dự án FDI đang còn hiệu lực ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp FDI bỏ trốn, hay nói đúng hơn là “vắng chủ” không lớn. Song dù vậy, thực trạng này cũng đã đặt ra vấn đề làm sao phải quản lý chặt hơn các doanh nghiệp FDI hậu cấp phép, tránh những hệ lụy về sau.
Khoảng 5-6 năm trước, khi tình trạng doanh nghiệp vắng chủ nổi lên như một tồn tại lớn trong thu hút FDI của Việt Nam, đã có rất nhiều ý kiến về việc làm sao để quản lý, giám sát hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp FDI, nếu thấy doanh nghiệp có dấu hiệu kinh doanh không hiệu quả, nộp thuế chậm… thì phải kịp thời theo dõi, tránh tình trạng chủ doanh nghiệp bất ngờ bỏ trốn. Cho đến nay, những đề xuất này vẫn còn nguyên giá trị thời sự, khi mà tình trạng doanh nghiệp FDI vắng chủ dường như đang “nóng” trở lại.