Hai đạo luật đã được thông qua,12 nghị quyết cũng đã được đa số đại biểu nhấn nút đồng thuận. Dù có trực tiếp nhắc đến hay không, thì các quyết sách lớn, các yêu cầu cụ thể từ Quốc hội đều hướng đến việc hậu thuẫn vững chắc cho chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt để nỗ lực đạt được 2 mục tiêu là kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, xã hội.
Hiển nhiên, điều kiện cần để phát triển kinh tế là mở cửa. Và điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào kiểm soát hiệu quả Covid-19.
Khi Quốc hội họp tuần cuối của kỳ họp thứ hai, đại dịch đã không còn quá căng thẳng dù số ca mắc mới vẫn trên 7.000 - 8.000. Để thích ứng an toàn, đại biểu Quốc hội nhận được những đề nghị rất chi tiết, như không bắt tay khi gặp gỡ, không tổ chức giao lưu, liên hoan, tiếp khách, tuân thủ việc xét nghiệm nhanh hằng ngày, không ra khỏi nơi lưu trú khi chưa được sự đồng ý của trưởng đoàn.
Nhưng để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên cả nước, thì cần hơn thế rất nhiều.
Trong phiên trả lời chất vấn, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra thông điệp quan trọng: đó là chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong.
Để mở cửa nền kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh, Chính phủ cũng xác định rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và có chính sách đặc thù phù hợp cho cán bộ, nhân viên y tế cùng các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Thủ tướng Chính phủ khẳng định sẽ kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp, bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.
Đây là thông điệp được cả đại biểu và cử tri mong đợi. Bởi, nếu không có điểm tựa vững chắc là sự chỉ đạo nhất quán thì rất có thể, “vi-rút” sợ trách nhiệm sẽ làm giảm hiệu quả kiểm soát dịch bệnh, như thực tế qua 4 đợt dịch vừa qua.
Thủ tướng cũng nói, chúng ta đã tạm hình thành lý thuyết chống dịch; quá trình làm, dù chưa tổng kết, nhưng có bài bản, đã đưa ra được các trụ cột để phòng chống dịch, trên cơ sở đó, chúng ta mạnh dạn và tự tin mở cửa.
Sẽ tự tin hơn nữa, nếu Chiến lược tổng thể về Phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế, xã hội - hai vấn đề bao trùm, xuyên suốt trong nhiều phiên thảo luận, chất vấn tại kỳ họp - được thực hiện bởi các văn bản pháp luật đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn.
Chính vì vậy, sẽ rất cần thiết khi Quốc hội đưa ra yêu cầu tiếp tục rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh để xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết, các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, kịp thời, phù hợp với thực tiễn, hiệu lực, hiệu quả.
Kế hoạch Phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 và Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua với nhiều chỉ tiêu thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, như tăng trưởng GDP 6-6,5%, đến 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp... Nhưng, để thực hiện được hai kế hoạch quan trọng này còn cần sửa nhiều quy định đang gây khó cho sản xuất, kinh doanh, cần gói kích thích kinh tế phù hợp, cần Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội chính thức được quyết định...
Và, ngay từ khi chưa bế mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã tính đến một kỳ họp nữa vào cuối năm nay để quyết định những vấn đề quan trọng đang trong quá trình chuẩn bị, như đã nói ở trên.
Khi Quốc hội luôn đồng hành, thì thông điệp mạnh dạn tự tin mở cửa của Chính phủ càng sớm thành hiện thực.