Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành 3 nghị quyết về kinh tế, trong đó có nghị quyết về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN". Đây là điều kiện thuận lợi để thành phần kinh tế tư nhân phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần nhằm giải phóng sức sản xuất, khơi dậy tiềm năng của đất nước được xem là sự sáng tạo, là một trong những nhân tố mới trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Vấn đề này cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, đề cập trong các tác phẩm, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển đất nước.
Bác Hồ thăm Nhà máy Thiếc Tĩnh Túc ở Cao Bằng năm 1958. Ảnh: TTXVN |
Xác định cơ cấu các thành phần kinh tế
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cơ cấu kinh tế nhiều thành phần nói chung, từng thành phần kinh tế nói riêng được thể hiện khá rõ trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, nhưng rõ nhất trong hai tác phẩm là “Thường thức chính trị” (năm 1953) và “Báo cáo Dự thảo Hiến pháp năm 1959”. Theo đó, về cơ cấu các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, Hồ Chủ tịch cho rằng, “có nước thì đi lên CNXH (cộng sản) như Liên Xô, có nước phải kinh qua chế độ dân chủ mới rồi tiến lên CHXH” như các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam.
Có thể hiểu “chế độ dân chủ mới” theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là giai đoạn lịch sử tương ứng với khái niệm “thời kỳ quá độ đi lên CNXH” của nước ta hiện nay. Người lý giải, nước ta phải trải qua một giai đoạn dân chủ mới vì "đặc điểm to lớn của thời kỳ quá độ là một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa".
Từ đó, Người xác định, cơ cấu các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ ở nước ta và chỉ ra các loại hình kinh tế, các hình thức sở hữu khác biệt, nhưng được cố kết lại thành một chỉnh thể kinh tế - xã hội quá độ trong quá trình vận động. Đặc biệt, khi sự tồn tại của các thành phần kinh tế khác nhau vẫn còn là một tất yếu khách quan và có vai trò nhất định đối với sự phát triển của nền kinh tế, thì cần phải tiếp tục sử dụng, phát triển chúng theo định hướng XHCN.
Trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Người cho rằng, trong chế độ dân chủ mới, có 5 loại kinh tế khác nhau là: kinh tế quốc doanh (thuộc CNXH, vì là của chung nhân dân); các hợp tác xã (là nửa CNXH và sẽ tiến đến CNXH); kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa CNXH); tư bản của tư nhân và cuối cùng là tư bản của nhà nước.
Về thành phần kinh tế tư bản của tư nhân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là thành phần kinh tế của giai cấp tư sản dân tộc. Giai cấp tư sản nước ta mới ra đời, còn non yếu do bị tư bản nước ngoài chèn ép. Tuy nhiên, "về mặt sản xuất so với chế độ phong kiến thì chế độ tư bản là một tiến bộ to". Họ có nhiều kinh nghiệm sản xuất, sử dụng vốn, khoa học kỹ thuật, vì vậy “Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải phù hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân”. Còn thành phần kinh tế tư bản quốc gia là thành phần kinh tế do nhà nước và nhà tư bản cùng góp vốn để kinh doanh, do nhà nước lãnh đạo. Tư bản của tư nhân là tư bản chủ nghĩa. Tư bản của nhà nước là XHCN.
Năm thành phần kinh tế nêu trên tồn tại khách quan trong suốt thời kỳ quá độ. Do đó, cần phải sử dụng chúng một cách triệt để nhằm phát triển nền sản xuất của xã hội, mà không sợ khuynh hướng phát triển tự phát theo chủ nghĩa tư bản của các thành phần kinh tế phi XHCN.
Nguyên tắc, mục tiêu cần hướng tới của nền kinh tế nhiều thành phần
Nói về vai trò và mối quan hệ của các thành phần kinh tế trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ gồm có mấy điều:
1. Công tư đều lợi: Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới (…). Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân.
2. Chủ thợ đều lợi: Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ quyền lợi của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác, tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên”.
Có thể khái quát chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: “Công tư đều lợi - Chủ thợ đều lợi - Công nông giúp nhau - Lưu thông trong ngoài” và "Bốn chính sách ấy là mấu chốt để phát triển kinh tế của nước ta". Ở đây, Hồ Chí Minh nêu quan điểm "công tư đều lợi", "chủ thợ đều lợi" trong thời kỳ quá độ và khi nhấn mạnh vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, Người vẫn đồng thời khẳng định, thành phần kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế cá thể "là lực lượng cần thiết cho xây dựng kinh tế nước nhà".
Chỉ bằng những câu ngắn gọn, Hồ Chí Minh đã cho chúng ta thấy những nguyên tắc, mục tiêu cần hướng tới của nền kinh tế nhiều thành phần. Đó là các thành phần kinh tế phải tồn tại trong mối quan hệ bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, tạo nên sự phát triển cân đối của nền kinh tế quốc dân. Những quan điểm trên thể hiện rất rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về cơ cấu kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên CNXH.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam sẽ góp phần giải phóng mọi năng lực sản xuất, là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên CNXH. Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN ở nước ta, một mặt chính là sự tiếp tục logic khách quan của nền kinh tế, mặt khác còn là sự tiếp tục tư tưởng của Lê-nin và Hồ Chí Minh về nền kinh tế nhiều thành phần trên một nền tảng và trong một hoàn cảnh khác, được phát triển lên một trình độ mới và hình thức mới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cơ cấu kinh tế nhiều thành phần hiện vẫn có ý nghĩa thời sự và ý nghĩa phương pháp luận, cần được quán triệt và vận dụng sáng tạo để định hướng cho sự nghiệp tiếp tục đổi mới nền kinh tế đất nước.