Thông tin doanh nghiệp
Từ vụ xâm phạm nhãn hiệu SIKA, nhìn về thực trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
Như Loan - 27/08/2021 08:00
Xâm phạm đối với quyền sở hữu trí tuệ và quyền đối với nhãn hiệu luôn là vấn đề nhức nhối với doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng cũng như công tác quản lý thị trường.

Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (CESTC), các lực lượng chức năng đã xử lý tới 1.460 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong năm 2020.

Một trong những trường hợp điển hình mới đây có thể kể đến là vụ xâm phạm nhãn hiệu SIKA của Công ty đa quốc gia SIKA (còn biết đến với tên SIKA AG).

SIKA thông qua Công ty sở hữu trí tuệ SB LAW đã nộp đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu đối với Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Đại Hoà Phát có trụ sở tại thành phố Vũng Tàu

Vụ xâm phạm nhãn hiệu SIKA

Là công ty đa quốc gia có trụ sở chính tại Thụy Sỹ, SIKA AG đã trở thành một công ty hàng đầu về các sản phẩm phụ gia xây dựng, giải pháp chống thấm, phủ sàn, sàn mái, trám khe và kết dính, sửa chữa, xây dựng hoàn thiện và ngành công nghiệp ô tô.

Sau hơn 80 năm gây dựng danh tiếng trên thị trường quốc tế, SIKA AG quyết định gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1991 và thành lập Công ty SIKA Hữu hạn Việt Nam vào năm 1993, thể hiện quyết định đầu tư lâu dài tại mảnh đất hình chữ S này.

Nhận biết được sự quan trọng của nhãn hiệu qua những kinh nghiệm kinh doanh tại nhiều đấu trường quốc tế, SIKA AG đã đăng ký bảo hộ cho các nhãn hiệu của mình vào năm 1994 với các đơn quốc tế số 239591, 251500, 619314 và 1311066 vào Việt Nam.

Ngày 18/01/2021, SIKA đã thông qua Công ty sở hữu trí tuệ SB LAW nộp đơn đề nghị xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Đại Hòa Phát lên Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN), yêu cầu Đại Hòa Phát phải tôn trọng quyền SHTT của SIKA và chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “SIKA” trên biểu hiệu, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch.

Theo thông tin từ SIKA, Đại Hòa Phát đã chính thức không còn là Đại lý cấp 1 của thương hiệu này từ ngày 20/8/2020. Do đó, Đại Hòa Phát sẽ không được sử dụng nhãn hiệu của SIKA trên biểu hiệu, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch, cũng như không còn nhận được các chương trình khuyến mãi, chiết khấu hay các hoạt động hỗ trợ trong việc bán hàng từ phía SIKA.

Tuy nhiên, công ty này vẫn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu “SIKA” mà không được sự cho phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của SIKA.

Trả lời điều tra của Thanh tra Bộ KH&CN, Đại Hòa Phát lập luận đã có 14 năm là đại lý phân phối, bán các sản phẩm sử dụng các yếu tố “SIKA” của SIKA AG. Sau khi chấm dứt là Đại lý cấp 1, công ty vẫn bán các sản phẩm chính hãng của SIKA được nhập từ các nhà phân phối khác nên đương nhiên có quyền được sử dụng yếu tố trên cho các biển hiệu, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch.

Phía Đại Hòa Phát cũng cho rằng hành vi sử dụng của mình không hề xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Kiên quyết xử lý xâm phạm, thanh lọc thị trường

Theo quy định tại điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng nhãn hiệu vào hoạt động quảng cáo, kinh doanh mà không được sự cho phép của chủ sở hữu là một hành vi xâm phạm nhãn hiệu, dù đơn vị kinh doanh sản phẩm đúng nguồn gốc xuất xứ.

Quy định này nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, giúp chủ sở hữu có thể kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu của mình, tránh sự trà trộn của các sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng.

Sau khi được Thanh tra Bộ KH&CN giải thích rõ ràng về các quy định pháp luật liên quan tới hành vi xâm phạm, Công ty Đại Hòa Phát đã phải lập tức ngừng việc sử dụng các dấu hiệu trùng và tương tự với “SIKA”, gỡ bỏ các dấu hiệu này ra khỏi phương tiện kinh doanh và các sản phẩm của mình.

Công ty Đại Hòa Phát đã phải gỡ bỏ các dấu hiệu “SIKA” ra khỏi phương tiện kinh doanh và các sản phẩm của mình

Việc xâm phạm các nhãn hiệu như SIKA không phải là trường hợp hiếm gặp tại Việt Nam. Đã có rất nhiều nhãn hiệu bị vi phạm, dù là cố ý hay vô tình, đều gây ảnh hưởng tới lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cũng như trải nghiệm của người dùng.

Do đó, đẩy mạnh xử lý các hành vi trên chính là một cách hữu hiệu để thanh lọc thị trường, đảm bảo một môi trường trong sạch cho các doanh nghiệp kinh doanh, cũng như đảm bảo được chất lượng hàng hóa đến với tay người dùng.

Tin liên quan
Tin khác