- Đạo diễn Việt Tú: “Bỏ qua quyền, nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ là tự đánh mất cơ hội phát triển tài sản của mình“
- Doanh nghiệp vi phạm sở hữu trí tuệ phần mềm có thể bị xử lý hình sự
- Chỉ vấn đề sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại mới được đưa vào điều khoản bảo mật hợp đồng BT, BOT
- VCCI đề nghị có Sách trắng về các giải pháp gỡ bỏ rào cản với hàng hóa, dịch vụ và sở hữu trí tuệ của Việt Nam 2017-2019
Ảnh minh họa |
Vai trò của tòa án trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Mặc dù pháp luật về tố tụng dân sự đã có quy định khá toàn diện về các thủ tục, trình tự giải quyết tranh chấp dân sự, thương mại, nhưng trên thực tế, việc áp dụng, sử dụng trình tự tố tụng dân sự trong giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân được nhắc đến nhiều là các thủ tục tố tụng dân sự tương đối phức tạp, rườm rà, không đáp ứng được nhu cầu thực tế của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là mong muốn hành vi của bên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phải bị xử lý và chấm dứt ngay lập tức.
Nguyên nhân căn bản hơn có lẽ là Việt Nam có một hệ thống, cơ chế xử lý hành chính sẵn sàng, tiện lợi và gần như "miễn phí" cho việc xử lý những xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, không có lý do gì mà các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ lại bỏ qua phương thức sẵn có mà họ cho là hiệu quả, kịp thời hơn với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đó là biện pháp hành chính.
Dù ít được sử dụng hơn so với biện pháp hành chính, nhưng biện pháp dân sự thông qua tòa án có những ưu điểm để bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của chủ thể quyền. Cụ thể, phán quyết của tòa án sẽ có hiệu lực thi hành, tính răn đe cao hơn đối với chủ thể xâm phạm quyền; biện pháp dân sự có cơ chế áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để có thể nhanh chóng bảo vệ chứng cứ, giữ nguyên hiện trạng, tránh gây hiệu quả trầm trọng thêm cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, thông qua biện pháp dân sự, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ còn có thể được bồi thường cho những thiệt hại (kể cả chi phí thuê luật sư) mà mình phải gánh chịu do hành vi xâm phạm gây nên. Việc giải quyết tranh chấp thông qua tòa án có vẻ sẽ hữu hiệu hơn với những vụ tranh chấp phức tạp đòi hỏi quá trình xác minh, thu thập chứng cứ, tranh tụng khách quan, công bằng giữa các bên.
Đề xuất sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ
Theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (điểm a, khoản 1, Điều 211), bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện hành vi "xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội" sẽ là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.
Quy định này mang tính bao quát chung chung, dẫn đến cách hiểu là tất cả đối tượng quyền sở hữu trí tuệ sẽ có thể được bảo vệ, giải quyết thông qua biện pháp hành chính. Đây chính là nguyên nhân căn bản/cơ sở pháp lý để dẫn tới việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính được các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước "ưa chuộng" sử dụng/áp dụng hơn.
Dự thảo mới đây của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã đề xuất sửa đổi điểm a, khoản 1, Điều 211 như sau: "Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội".
Với nội dung sửa đổi này, có thể hiểu, các xâm phạm đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác là sáng chế; kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; tên thương mại; bí mật kinh doanh sẽ không thuộc đối tượng bị xử lý bởi biện pháp hành chính. Bởi vậy, về mặt nguyên tắc, nếu có tranh chấp xảy ra đối với những đối tượng quyền sở hữu trí tuệ này, tòa án sẽ là cơ quan tài phán duy nhất có thẩm quyền xử lý tranh chấp.
Nếu đề xuất này được thông qua, đây sẽ là bước tiến đáng kể trong quá trình định hướng chuyển dịch thẩm quyền xử lý tranh chấp, nâng cao vị thế, vai trò của tòa án trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Song điều này cũng sẽ mang đến nhiều thách thức to lớn cho hệ thống tòa án vì các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ đã nêu, đặc biệt là sáng chế hay thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, đều là những đối tượng có hàm lượng và bản chất kỹ thuật cao, đòi hỏi những cán bộ tòa án thụ lý vụ việc phải nắm vững không chỉ pháp luật về sở hữu trí tuệ, mà còn cả những vấn đề liên quan đến khoa học, kỹ thuật.
Thành lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ
Với cơ chế hiện hành, số lượng tranh chấp sở hữu trí tuệ được giải quyết thông qua con đường tòa án ít, cộng với sự phân cấp xét xử rộng (từ tòa án cấp huyện) sẽ dẫn đến thực trạng các vụ án sở hữu trí tuệ được xét xử không đồng đều về mặt số lượng giữa các tòa án các cấp, các khu vực khác nhau. Do đó, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm xét xử của các cấp tòa án về sở hữu trí tuệ sẽ không được trau dồi, nâng cao thường xuyên.
Do Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đang hướng tới việc không áp dụng biện pháp hành chính liên quan đến một số đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, nên với những tranh chấp liên quan đến các đối tượng sở hữu trí tuệ nêu trên (nếu xảy ra), hầu hết sẽ được xử lý bởi biện pháp dân sự và "dồn" đến hệ thống tòa án.
Có thể nói, đây là một bước chuyển dịch về mặt cơ chế nhằm thúc đẩy vai trò của tòa án và giảm thiểu vai trò quyết định của cơ quan hành chính trong giải quyết các vụ việc tranh chấp sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, với những tồn tại hiện có, việc thực hiện bước chuyển đổi nêu trên sẽ là một thách thức không nhỏ, gây ra nhiều trở ngại đối với cả bên xét xử (tòa án) và các bên tranh chấp.
Ở một khía cạnh khác, sự xuất hiện của những công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo - AI; công nghệ in 3D; Internet vạn vật - IOT; xe tự hành - AVs) mang lại rất nhiều thách thức cho hệ thống pháp luật hiện hành nói chung và pháp luật về sở hữu trí tuệ nói riêng, cũng như khả năng xét xử của tòa án. Ngoài ra, những tranh chấp sở hữu trí tuệ xuyên biên giới sẽ diễn ra nhiều và phức tạp hơn.
Từ bối cảnh và thực tế trên, chúng tôi cho rằng, cần phải nghiêm túc tính đến khả năng và lộ trình thành lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Khi đó, Việt Nam có thể nghiên cứu mô hình chỉ cho phép tòa án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thụ lý và xét xử tất cả các loại vụ việc tranh chấp sở hữu trí tuệ.
Tòa sở hữu trí tuệ sẽ trực thuộc tòa án nhân dân cấp cao, có vai trò xét xử phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, các cơ chế tố tụng dân sự hiện hành liên quan đến việc giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ cũng cần được xem xét, sửa đổi theo hướng rút gọn, đơn giản hóa cơ chế tiếp nhận xét xử, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời… để bảo đảm tốt hơn, kịp thời hơn cho quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Trần Mạnh Hùng (*) Luật sư điều hành Công ty Luật BMVN, liên minh với Baker McKenzie
Nguyễn Tuấn Linh (**) Cố vấn chính sách BMVN