Ngân hàng - Bảo hiểm
Tuần sóng gió của lãi suất liên ngân hàng; Tín dụng bất động sản tăng nóng
H.T - 31/07/2022 09:01
Lãi suất liên ngân hàng vừa trải qua tuần sóng gió, tín dụng bất động sản tăng 14% gây lo ngại cho NHNN, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản vắng bóng... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

Tín dụng bất động sản tăng 14%, NHNN lo lắng an toàn hệ thống, NHTM khó được nới room

Thông tin với báo chí ngày 30/7, NHNN cho rằng, một số ngân hàng từ chối cho vay không hẳn do hết room mà do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc do bị xếp hạng thấp...

Theo NHNN, Thời gian qua, một số TCTD phản ánh hết “room” tín dụng là do các TCTD tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết room mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc một số NH xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao...

Với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số TCTD chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, việc xử lý ách tắc dòng vốn của thị trường BĐS cần được cân nhắc và tiếp cận theo nhiều nguồn vốn khác nhau, và không đẩy rủi ro tới hệ thống ngân hàng.

Suy cho cùng hệ thống ngân hàng rủi ro chính là rủi ro đối với khả năng chi trả cho người gửi tiền bởi vốn cho thị trường BĐS thường dài hạn trong khi vốn huy động của hệ thống ngân hàng 80% là ngắn hạn.

Tín dụng đến 30/6/2022  đatăng 9,35% so với cuối năm trước (tăng 16,69% so với cùng kỳ năm 2021), là mức tăng 06 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua. Ttrong đó số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 3,21% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,49% tổng dư nợ tín dụng (cùng kỳ 2021 giảm 4,67%, chiếm 2,27%).

Riêng về tín dụng bất động sản, NHNN cho hay, đến tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng  toàn  hệ  thống  (cùng  kỳ  năm  2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%).

Theo NHNN, dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS rất đa dạng, bao gồm vốn FDI, vốn huy động từ thị trường quốc tế thông qua phát hành TPDN hoặc vay các tổ chức nước ngoài, huy động từ thị trường chứng khoán, từ phát hành TPDN, nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân và vay từ TCTD. Như vậy nguồn vốn tín dụng từ hệ thống TCTD chỉ là một trong số các nguồn vốn đầu tư vào thị trường BĐS, nhưng đây là nguồn vốn mang tính chất trọng yếu. Tín dụng ngân hàng chỉ giải quyết được các vấn đề trước mắt, tạm thời đối với thị trường BĐS về nguồn vốn cho sự phát triển của thị trường này.

 Về lâu dài, để phát triển thị trường BĐS lành mạnh, bền vững cần có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn đa dạng, an toàn, hiệu quả, hỗ trợ thị trường BĐS.

Tín dụng ngân hàng được đẩy mạnh quá mức vào BĐS sẽ tạo rủi ro lớn, ảnh hưởng trọng yếu tới an toàn hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung. Do nhu cầu tín dụng đối với lĩnh vực BĐS thường có thời gian vay vốn dài (hiện nay khoảng 94% dư nợ tín dụng BĐS có thời gian vay vốn từ 10-25 năm), trong khi nguồn huy động của hệ thống TCTD chủ yếu là ngắn hạn với lãi suất thay đổi theo thị trường (80% nguồn vốn huy động của hệ thống TCTD là tiền gửi ngắn hạn), vì vậy TCTD sẽ đối mặt với rủi ro thanh khoản, không đáp ứng được nhu cầu chi trả tiền gửi cho người dân.

Do đó, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thời gian qua, thông qua việc thường xuyên rà soát, hoàn thiện VBQPPL về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD (trong đó có lộ trình điều chỉnh giảm dần tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn), tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động cấp tín dụng của các TCTD, đặc biệt là tín dụng BĐS.

Lãi suất nóng từng ngày, Ngân hàng Nhà nước kiên định không nới room tín dụng

Thanh khoản không còn dồi dào, lãi suất tăng từng ngày cộng thêm áp lực điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến NHNN càng chặt chẽ hơn trong điều hành room tín dụng.

Từ đầu năm đến nay, lãi suất của khối ngân hàng TMCP tư nhân đã tăng 0,5-1%/năm. Ngay trước thềm phiên họp tăng lãi suất của Fed, sau 2 năm giữ nguyên lãi suất huy động, Vietcombank bắt đầu nâng nhẹ lãi suất huy động lên 0,1%/năm. Trước dó, Agribank và BIDV cũng có động thái tương tự.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm cũng tăng lên mức 4,29%/năm, gấp hơn 10 lần so với đầu tháng 6/2022. Trong khi đó, NHNN cũng chuyển từ trạng thái hút ròng cuối tháng 6 sang trạng thái bơm ròng. Trên kênh thị trường mở, chỉ trong hai phiên giao dịch đầu tuần này, NHNN đã bơm ra thị trường 25.000 tỷ đồng, lãi suất đấu thầu kỳ hạn 1 tuần phiên ngày 26/7 tăng lên 3,8% thay vì mức 2,5% phiên trước đó.

Mặc dù lãi suất trên thị trường có xu hướng tăng (cả huy động lẫn cho vay), song NHNN không có chủ trương tăng lãi suất điều hành, cố giữ mặt bằng lãi suất ổn định để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, nửa đầu năm nay, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng nhanh lãi suất cùng với áp lực lạm phát trong nước gia tăng, NHNN đã nỗ lực điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho  tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Trong 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi lạm phát và lãi suất thị trường để linh hoạt và kịp thời điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Mặc dù làn sóng tăng lãi suất trên thế giới không ngừng gia tăng, song giới chuyên gia cho rằng, NHNN chưa cần tăng lãi suất điều hành. TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Việt Nam không có yếu tố lạm phát chi phí đẩy (lạm phát do bơm tiền), nên NHNN có tăng lãi suất điều hành cũng không làm giảm lạm phát, lại còn đi ngược với chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.

“Tăng lãi suất hiện nay có thể làm kinh tế suy thoái, mà lại có thể không cứu được lạm phát, vì lạm phát hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy, đứt gãy chuỗi cung ứng. Tăng lãi suất chưa chắc là thuốc đặc trị mà còn gây phản ứng phụ”, ông Lực nhấn mạnh.

Trong báo cáo mới đây của VinaCapital, ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital nhận định, khó có khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất chính sách trong năm nay do lạm phát ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.     

Trong bối cảnh tín dụng phục hồi mạnh và lãi suất liên tục tăng, NHNN dường như càng có cớ để kiên định không nới room tăng trưởng tín dụng năm nay, bất chấp sức ép lớn từ các ngân hàng thương mại cũng như cộng đồng doanh nghiệp bất động sản.

Theo tính toán của SSI Research, tổng room tín dụng mà NHNN đã cấp cho các ngân hàng đầu năm nay khoảng 11,1%. Như vậy, room tín dụng vẫn còn dư địa 3%  và có thể sẽ được NHNN sớm phân bổ cho một số ngân hàng ngay trong quý III/2022. Tổng định hướng tăng trưởng tín dụng 14% của cả năm sẽ không thay đổi.

Ông Phạm Chí Quang cho rằng, áp lực lạm phát trong nước đang tăng cao. Trong khi đó, chính sách tiền tệ vừa phải hỗ trợ phục hồi kinh tế, mặt khác phải kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Chưa kể, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam  thuộc hàng cao nhất thế giới. Chính vì vậy, Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, NHNN chưa thay đổi định hướng tăng trưởng tín dụng 14%, đồng thời chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tuần sóng gió của thị trường liên ngân hàng: tăng vọt cả chục lần rồi lao dốc về 0%/năm

Trong phiên giao dịch cuối tuần này, lãi suất liên ngân hàng giảm ở tất cả kỳ hạn, riêng lãi vay qua đêm chỉ còn 0,78%/năm, giảm mạnh so với mức hơn 5% đầu tuần này. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng dừng bơm tiền ra qua kênh OMO.

Trước đó,  đầu tuần này, lãi suất cho vay qua đêm đột ngột vọt tăng cao, lên tới  5,01% ngày 26/7 (ngày Fed tổ chức phiên họp chính sách bàn về việc tăng lãi suất). Như vậy, so với phiên giao dịch trước ngày Fed tăng lãi suất, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm tới 84% và trở về mốc cuối tháng 6/2022 – thời điểm thanh khoản hệ thống dồi dào và Ngân hàng Nhà nước liên tục rút tiền về.

Không chỉ lãi suất cho vay qua đêm mà lãi suất cho vay các kỳ hạn khác trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm mạnh dù quy mô giao dịch vẫn tăng (trên 300.000 tỷ đồng, chủ yếu là giao dịch qua đêm). Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 1,49%/năm, kỳ hạn 2 tuần là 2,46%/năm, kỳ hạn 1 tháng là 2,8%/năm.  Trong phiên giao dịch ngà 28/7, lãi suất các kỳ hạn tương ứng trên là: 4,7%, 3,1%, 4,48%.

Cùng với việc lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt, hôm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng không thực hiện phiên chào thầu nào trên thị trường mở. Trong 5 phiên chào thầu diễn ra tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bơm ra thị trường 46.000 tỷ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia, diễn biến trên thị trường liên ngân hàng tuần qua là do ảnh hưởng của việc Fed tiếp tục tăng lãi suất.  Theo đó, thị trường phản ứng tiêu cực trước khi có thông tin chính thức song đã nhanh chóng bình ổn trở lại khi mức tăng lãi suất của Fed không khác biệt so với dự đoán của thị trường.

Trái phiếu doanh nghiệp tháng 7 vắng bóng bất động sản, sẽ sửa Nghị định 153 theo hướng dễ thở hơn?

Trong 3 tuần đầu tháng 7/2022, phát hành trái phiếu doanh nghiệp chứng kiến sự độc tôn của lĩnh vực ngân hàng, tài chính.

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp, tính đến ngày 22/07/2022, có 12 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được công bố trong tháng 7 với tổng giá rị hơn 8.500 tỷ đồng.

Ngân hàng là nhóm ngành có khối lượng phát hành lớn nhất với 5.695 tỷ đồng (chiếm 67% tổng giá trị hành). Trong đó, đứng đầu là HDBank phát hành 1.100 tỷ đồng. Theo sau là Techcombank, BIDV và OCB với cùng 1.000 tỷ đồng.

Nhóm các doanh nghiệp tài chính đứng thứ hai với 2225 tỷ đồng ( chiếm 26.1% tổng giá trị phát hành). Nổi bật nhất là Công ty Tài Chính cổ phần Điện lực khi phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh riêng lẻ. Trái phiếu phát hành có kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 6.7%/năm.

Trong 3 tuần đầu tháng 7/2022, theo thống kê của VBMA, không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu.

Lũy kế từ đầu năm đến 22/7/2022, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 181.122 tỷ đồng, giảm 36% (chiếm khoảng 95% tổng giá trị phát hành) so với cùng kỳ. Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 8.996 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ.

Trước đó, Bộ Tài chính khẳng định, phát hành TPDN 6 tháng vẫn tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi FiinGroup và VBMA thống kê cho thấy giá trị phát hành TPDN 6 tháng giảm khoảng 30%.

Được biết, cả FiinGroup và VBMA đều thống kê dữ liệu về phát hành TPDN trên sàn HNX. Sự khác biệt này có thể do cách thức thống kê.

VBMA cho biết, dữ liệu về phát hành trái phiếu của doanh nghiệp được VBMA tổng hợp được ghi nhận theo ngày phát hành trái phiếu, tổng khối lượng phát hành trái phiếu từ đầu năm ghi nhận theo ngày hoàn thành phát hành là 270.580 tỷ đồng.

Sự vắng bóng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cho thấy các doanh nghiệp vẫn khá lo lắng với các biện pháp thắt chặt quản lý.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 153 lần năm mà Bộ Tài chính đưa ra theo hướng siết chặt hơn các quy định về công ty phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng như người mua trái phiếu phát hành riêng lẻ. Các quy định hết sức chặt chẽ có thể gây ảnh hưởng lên khả năng tái cơ cấu trái phiếu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích BVSC đánh giá, nhiều khả năng Chính phủ sẽ điều chỉnh sửa đổi Nghị định 153 theo hướng nới lỏng hơn các quy định ở cả nhà phát hành cũng như nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ để phát triển cũng như ổn định thị trường vốn.

Bên cạnh lo siết chặt điều kiện phát hành, các doanh nghiệp cũng rất lo lắng với các đợt thanh, kiểm tra phát hành trái phiếu và đang tăng cường mua lại trái phiếu trước hạn.

Theo Bộ Tài chính, nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu trước hạn. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn khoảng 61,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, khối lượng mua lại trước hạn trong quý I/2022 là khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng và quý II/2022 khoảng 49,1 nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản đề nghị nới room tín dụng, NHNN nói gì?

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)  kiến nghị NHNN xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 thêm 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây, trong đó xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho 4 ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel 2.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại ngày 31/5 là 2,33 triệu tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 12,31% so với cuối năm ngoái và cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của nền kinh tế là 9,35%. Tín dụng bất động sản tính tới hết tháng 5/2022 tăng hơn 12%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của cả nước.

Liên quan tới câu chuyện nới room tín dụng, trao đổi với báo chí, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, đến cuối tháng 6/2022, tín dụng tăng 9,35% so với cuối năm 2021, là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, do cầu tín dụng tăng nhanh ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến phục hồi tích cực của nền kinh tế.

Tuy vậy, ông Quang cho rằng, áp lực lạm phát trong nước đang tăng cao, tạo thách thức đối với điều hành chính sách tiền tệ để một mặt hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng mặt khác phải kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Hiện nay, nhu cầu tín dụng tăng cao trước quá trình phục hồi kinh tế, trong khi thị trường vốn chưa phát triển tương xứng với yêu cầu của nền kinh tế, nên không thể chủ quan với rủi ro lạm phát.

Ngoài ra, tỷ lệ Tín dụng/GDP của Việt Nam theo IMF và WB thuộc hàng cao nhất thế giới so với các nước có điều kiện phát triển tương đồng (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%) là mức mà các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm cảnh báo Việt Nam về rủi ro tài chính – ngân hàng.

“Do đó, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành tín dụng theo mục tiêu định hướng 14% đã đề ra và căn cứ diễn biến, tình hình thực tế để có giải pháp điều hành phù hợp nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng. Chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro”, ông Quang cho hay.

Trước các kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản, lãnh đạo NHNN cho rằng, vốn đầu tư vào thị trường BĐS rất đa dạng, bao gồm vốn FDI, vốn huy động từ thị trường quốc tế thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc vay các tổ chức nước ngoài, huy động từ thị trường chứng khoán, từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân và vay từ tổ chức tín dụng. Như vậy nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng chỉ là một trong số các nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản.  

NHNN cho hay, hiện nay, các ngân hàng thương mại đang phải đối mặt rủi ro kỳ hạn rất lớn do huy động vốn chủ yếu là ngắn hạn trong khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đa phần là trung, dài hạn.

Chính vì vậy, với vai trò là cơ quan quản lý trong lĩnh vực tiền tệ, NHNN đã ban hành các quy định và thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát rủi ro đối với tín dụng bất động sản, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, đồng thời cung ứng đủ, kịp thời vốn cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản, góp phần phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; từ đó lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững.

“Nhu cầu tín dụng bất động sản thường có thời hạn trung dài hạn, trong khi nguồn huy động chủ yếu là ngắn hạn, nên TCTD phải đối mặt với rủi ro thanh khoản và rủi ro kỳ hạn. Do đó, trong điều hành, bên cạnh việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên, NHNN triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản; khuyến khích tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn tín dụng cho phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân”, ông Quang cho biết.

NHNN cho biết, thời gian tới, để tăng cường quản lý, kiểm soát rủi ro đối với tín dụng bất động sản nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đóng góp tích cực cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ 3giải pháp, chính sách lớn.

Một là, điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tín dụng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Khẩn trương thực hiện các giải pháp phát triển, phục hồi KT-XH tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả gắn với chất lượng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn để mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.

Ba là, hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc ban hành các VBQPPL về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện quy định pháp luật hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.

Bẫy lãi suất chực chờ người vay mua nhà

Nhiều khách hàng vay vốn mua nhà đang ngồi trên lửa khi lãi vay tăng vọt sau khi thời gian ưu đãi hết hiệu lực. Các chuyên gia cảnh báo nợ xấu sẽ tăng nhanh trong năm 2023.

Ông H.N (Hà Nội) cho hay, đầu năm 2021, thấy lãi suất cho vay mua nhà hấp dẫn, lại được chủ đầu tư hỗ trợ trả lãi 12 tháng, gia đình ông quyết định ký hợp đồng vay vốn mua nhà. Thời điểm đó, phía ngân hàng cho hay, lãi suất năm đầu tiên là 5,9%/năm, sau đó sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường.

“Khi ký hợp đồng, nhân viên tín dụng tư tư vấn rằng, sau 12 tháng, lãi suất cho vay thả nổi bằng lãi suất cho vay ưu đãi cộng thêm 3-4%/năm, tức tổng lãi suất cho vay chỉ 9-10%/năm. Thế nhưng, thực tế, sau 12 tháng, chúng tôi đang phải trả lãi 11%/năm. Với mặt bằng lãi suất liên tục tăng cao như hiện nay, tôi rất lo lãi suất cho vay mua nhà chưa dừng lại. Vợ chồng tôi bàn tính, nếu đến cuối năm, lãi suất tăng tiếp sẽ phải bán nhà để trả nợ, song với thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay, bán nhà cũng không dễ”, ông H.N cho biết.

Trong khi các khách hàng vay vốn 2 năm trước đang chóng mặt với biểu lãi suất cho vay mới, thì nhiều khách hàng muốn vay mua nhà thời điểm hiện tại cũng sốc vì lãi vay thay đổi chóng mặt. So với tháng trước, lãi suất cho vay mua  nhà của nhiều ngân hàng đã tăng 0,2-0,6%/năm, còn so với đầu năm, lãi vay mua nhà tăng 1 - 2%/năm.

Tín dụng cá nhân - đặc biệt cho vay cá nhân mua nhà - là động lực tăng trưởng tín dụng của rất nhiều ngân hàng trong 2 năm Covid-19 qua. Nói cách khác, trong giai đoạn hàng loạt doanh nghiệp đóng băng hoạt động, mảng cho vay mua nhà đã “cứu” lợi nhuận nhiều nhà băng. Lãi suất cho vay mua nhà rẻ chưa từng có trong năm 2020-2021 khiến nhiều người dân ký hợp đồng vay vốn mua nhà. Khi đó, thậm chí, một số ngân hàng còn cho vay mua nhà với lãi suất dưới 4%/năm (lãi vay ưu đãi 3-6 tháng đầu tiên).

Tuy nhiên, khi mồi nhử “lãi suất ưu đãi” đã được sử dụng hết, nhiều khách hàng mới choáng váng vì lãi suất thực trả cao hơn nhiều. Tất nhiên, lãi suất vay mua nhà tăng cao như hiện tại không chỉ do “mồi nhử” lãi suất, mà còn do mặt bằng lãi suất huy động cao lên.

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP lý giải, đầu năm 2022, có rất nhiều yếu tố tác động lên mặt bằng lãi suất trong nước, như xu hướng tăng lãi suất để thắt chặt tiền tệ diễn ra trên toàn cầu, lạm phát phi mã, chính sách cấp room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khiến ngân hàng phải tăng giá để bù lượng… Hiện nay, không chỉ trên thị trường dân cư, mà trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng đã bắt đầu tăng, nên việc ngân hàng tăng lãi suất cho vay mua nhà là đương nhiên.

Hai năm qua, với lãi suất rẻ và sự phát triển mạnh mẽ của các chủ đầu tư bất động sản, người mua nhà đã được hưởng chính sách ân hạn 2 năm mà không phải trả lãi và gốc. Tuy vậy, từ năm 2023, những người mua này sẽ bắt đầu phải trả lãi và gốc.

Theo các chuyên gia phân tích của SSI Research, nếu lạm phát tăng nhanh đi cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống, thì thu nhập khả dụng sẽ giảm. Điều này có thể khiến người mua nhà khó khăn hơn khi thu xếp các khoản thanh toán hàng tháng. Do đó, tỷ lệ nợ quá hạn từ các khoản vay mua nhà là một điểm cần được theo dõi chặt chẽ trong năm 2023.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, tình hình sẽ căng thẳng hơn nếu thị trường bất động sản ảm đạm, giá nhà đất giảm. Khi đó, ngân hàng đánh giá lại giá trị tài sản thế chấp và người vay phải bổ sung tài sản thế chấp.

Ngoài lãi suất cho vay tăng, trái phiếu doanh nghiệp cũng là một ẩn số với nợ xấu. Nếu thế kẹt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp không được tháo gỡ, thì nguy cơ vỡ nợ trái phiếu bất động sản có thể xảy ra khi hàng trăm ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm nay và năm sau. Doanh nghiệp thiếu vốn đồng nghĩa với hàng loạt dự án có nguy cơ “vỡ tiến độ”. Khi đó, người mua nhà - ngân hàng - doanh nghiệp có thể lại rơi vào vòng xoáy kiện tụng và nợ xấu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, hợp đồng vay mua nhà thường kéo dài hàng chục năm, nên rủi ro lãi suất là rất lớn. Bên cạnh đó, các ngân hàng thường đưa ra lãi suất vô cùng ưu đãi trong thời gian đầu (3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm), sau đó là thả nổi. Do đó, người mua nhà cần tỉnh táo và tính toán kỹ nếu không sẽ “sập bẫy” lãi suất thấp, dễ rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Loạt ngân hàng lớn công bố lợi nhuận quý 2/2022

BIDV: Lợi nhuận 6 tháng tăng 37,5%, xếp thứ 7 toàn hệ thống

 Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với tốc độ tăng trưởng tốt hơn quý I/2022.

Tại thời điểm 30/6/2022, BIVD đang sở hữu tổng tài sản  trên 1,98 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 12,4% so với đầu năm và cao nhất hệ thống. Trong đó, cho vay khách hàng đạt trên 1,48 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% và cũng chiếm thị phần lớn nhất hệ thống.

Mặc dù đứng đầu hệ thống về quy mô, song xét về lợi nhuận, BIDV vẫn đang đứng sau nhiều ngân hàng khác. Trong quý II/2022, BIDV lãi trước thuế t 6.570 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm BIDV lãi trước thuế 11.084 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, ngân hàng đã nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên đến 279%, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng so với mức 235% thời điểm 31/12/2021.  Cùng với tăng trưởng cho vay, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 11,8% với 15.140 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ lên 1,05%.

VietinBank: Lợi nhuận quý II/2022 tăng gấp đôi, tăng cường đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Ngân hàng TMCP VietinBank (HOSE: CTG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 107%, do tín dụng bật tăng mạnh và do so sánh với nền thấp năm 2021.

Tính đến 30/6, tín dụng VietinBank tăng hơn 9,5%, các hoạt động kinh doanh ngoài lãi tăng trưởng mạnh giúp lợi nhuận ngân hàng cải thiện mạnh mẽ. Riêng trong quý II/2022, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt  11.972 tỷ đồng, tăng10%; Lãi thuần từ dịch vụ đạt 1.560 tỷ đồng, tăng 15%; Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 813 tỷ đông, tăng 57,5%; Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 238 tỷ đồng, tăng gần 11 lần; Lãi thuần từ hoạt động khác đạt đạt 1.111 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ; riêng mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ 7,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 72 tỷ đồng.

Trong khi kết quả kinh doanh khởi sắc mạnh thì chi phí hoạt động lại được ngân hàng kiểm soát tốt, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong quý, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng giảm 17,2% còn 5.883 tỷ đồng.

Chính vì vậy, trong kỳ, ngân hàng ghi nhận 5.785 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 107%). Trước đó, trong quý 2/2021, lợi nhuận VietinBank giảm mạnh do ngân hàng tăng gấp 3 chi phí trích lập dự phòng rủi ro.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, thu nhập lãi thuần của VietinBank đạt 22.118 tỷ đồng, tăng 2,8%; Lãi thuần từ dịch vụ đạt 2.838 tỷ đồng, 6,9%; Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 1.597 tỷ đồng, tăng gần 87%; Lãi thuần từ hoat động khác đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 90% so với cùng kỳ.

Do quý I/2022 VietinBank đẩy mạnh trích lập dự phòng nên tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng  6 tháng là 10.309 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.

Chính vì vậy, lợi nhuận trước thuế 6 tháng mà ngân hàng đạt được là 11.607 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Với lợi nhuận này, VietinBank đang xếp sau Vietcombank, VPBank, Agribank, Techcombank, MB.

MB: Lợi nhuận quý II/2022 tăng 75,7%, tăng nắm giữ TPDN, giảm dự phòng rủi ro

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB; HOSE: MBB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với mức tăng trưởng lợi nhuận sốc, chủ yếu đến từ tín dụng.

Báo cáo tài chính MB cho thấy, đến cuối tháng 6/2022, tiền gửi khách hàng tại MB chỉ tăng 3,3%, nhưng cho vay khách hàng tăng tới 14,1%. Tín dụng tăng mạnh đóng góp gần 80% tổng thu nhập hoạt động của MB. Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động quý 2/2022 của MB là 11.221 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ ăm ngoái, trong đó riêng thu nhập lãi thuần đạt gần 9.000 tỷ đồng, tăng 36,7%.

Kinh doanh ngoại hối cũng có nhiều điểm sáng với mức tăng trưởng 46,7%, mang về 471 tỷ đồng lợi nhuận. Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh là 34,5 ty đồng, tăng gần 29 lần so với cùng kỳ năm ngoái

Riêng lãi thuần từ hoạt động kinh vụ đạt 1.010 tỷ  đồng, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái; Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 12% so với cùng kỳ, chỉ đạt 566 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí hoạt động của ngân hàng cũng tăng 255 lên 3.860 tỷ đồng.

Ngoài thu nhập lãi thuần tăng mạnh, trong quý 2/2022, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng giảm gần một nửa so với cùng kỳ còn 1.374 tỷ đồng (giảm 43%), giúp lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, tăng 75,7% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 17.355 tỷ đồng, tăng 38,7%; Lãi thuần từ dịch vụ đạt 2.127 tỷ đòng, tăng 1,5%; Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 938 tỷ đồng, tăng 68%; chứng khoán kinh doanh lợi nhuận 134 tỷ đồng, tăng 6,8 lần... Trích lập dự phòng rủi ro giảm 17,45 về 3.500 tỷ đồng đã giúp ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 11.896 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ.

Tại thời điểm 30/6, ngân hàng đang nắm giữ 46.333 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 18% so với cuối năm. Đồng thời, MB cũng nắm giữ lượng tương đương lượng trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Mảng trái phiếu (gồm TPDN, trái phiếu tổ chức tín dụng và TPCP) đã mang về cho ngân hàng hơn 4.330 tỷ đồng lợi nhuận 6 tháng đầu năm.  

Top 10 lợi nhuận ngân hàng lộ diện: Vietcombank lấy lại ngôi quán quân

Đến thời điểm này, bức tranh lợi nhuận top 10 ngân hàng cao nhất hệ thống đã dần được hé lộ, dù các ngân hàng vẫn chưa công bố hết báo cáo tài chính quý 2/2022. Theo đó, so với quý 1/2022, thứ hạng lợi nhuận các ngân hàng đã thay đổi đáng kể.

Quán quân lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay thuộc về Vietcombank với lợi nhuận ước tính 17.300 tỷ đồng.  Trước đó, trong quý I/2022, vị trí quán quân lợi nhuận toàn hệ thống thuộc về VPBank do ngân hàng này ghi nhận khoản thu nhập bất thường về phí bảo hiểm với AIA, Vietcombank lùi về vị trí thứ hai. Tuy vậy, Vietcombank đã nhanh chóng lấy lại ngôi vị đầu bảng sau 6 tháng.  

VPBank lùi về vị trí thứ hai về lợi nhuận với 15.300 tỷ đồng lãi trước thuế. Ngoài khoản thu nhập bất thường từ phí phân phối bảo hiểm trong quý I/2022, ngân hàng còn có nhiều động lực tăng trưởng khác. Cụ thể, tính tới cuối tháng 6/2022, tín dụng của VPBank tăng gấp 3 lần cùng kỳ (tín dụng riêng ngân hàng mẹ tăng 14,3%);  thu nhập thuần từ phí tăng ấn tượng 34,5% so với 6 tháng đầu năm 2021 khi ghi nhận gần 2.800 tỷ đồng;  thu nhập từ nợ đã xử lý đạt kết quả khả quan, tăng 26% so với cùng kỳ; Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng tính đến cuối tháng 6 là 20,6% - một tỷ lệ nằm trong top thấp nhất thị trường hiện nay…

Đứng vị trí thứ ba về lợi nhuận là Agribank với hơn 15.000 tỷ đồng. Sau 2 năm ghìm tăng trưởng hỗ trợ khách hàng, Agribank tập trung tăng trưởng để có nguồn lực tăng vốn điều lệ.

Techcombank đứng thứ 4 về lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 với 14.100 tỷ đồng. Nhìn vào báo cáo tài chính, có thể thấy lợi nhuận Techcombank phần nào đã có sự giảm tốc trong quý II/2022, một phần do mảng tín dụng doanh nghiệp lớn (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) sụt giảm sau các động thái thắt chặt kiểm soát thị trường của cơ quan quản lý. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Techcombank quý 2/2022 chủ yếu nhờ cắt giảm trích lập dự phòng rủi ro chứ không phải đến từ tăng trưởng các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Ngoài ra, báo cáo tài chính cũng cho thấy, động lực tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trong quý 2/2022 thuộc về tín dụng cá nhân (chủ yếu là cho vay mua nhà) trong khi tín dụng với doanh nghiệp chậm lại.

Đứng thứ 5 về lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm nay là MB với 11.896, tiếp theo là VietinBank và BIDV với trên 11.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Ba vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống là; ACB, SHB và HDBank.  

Tin liên quan
Tin khác