Lượng tiền đổ vào tài sản số liên tiếp lập kỷ lục trong thời gian qua. Ảnh: shutterstock |
Bùng nổ tài sản số
Covid-19 khiến tình trạng giãn cách, phong tỏa diễn ra khắp nơi trên thế giới, tạo bệ phóng giúp các nền tảng công nghệ và tài sản số phổ biến nhanh hơn nhờ tốc độ người dùng tăng vọt.
Không chỉ bao gồm Bitcoin và tiền ảo, tài sản số (hay tài sản kỹ thuật số) có phạm vi rộng hơn rất nhiều. Tài sản số bao gồm tiền tệ kỹ thuật số (tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hóa…), tài sản vô hình (tài sản trong game, tài sản trí tuệ, video, tranh ảnh kỹ thuật số…) và tài sản vật chất được số hóa (tranh ảnh vật lý, tài sản tài chính như bất động sản, chứng khoán; các giấy tờ, bằng cấp, trang thiết bị, công cụ như điện thoại, đồ nội thất, hàng thời trang…).
Thống kê của nhiều tổ chức cho thấy, đã có hàng tỷ USD đổ vào tài sản số. Các khái niệm xa lạ với người dùng ở những năm trước, nay được nhắc đến thường xuyên, như Metaverse (vũ trụ số), các loại tài sản NFT (Non-fungible token - tài sản không thể thay thế), DeFi (tài chính phi tập trung), Web3… Rất nhiều tiền đổ vào các công nghệ này, đơn cử như số liệu TVL (Тotal value locked) - tổng giá trị tài sản khóa lại trong các hợp đồng thông minh của DeFi liên tục lập kỷ lục mới.
Nhiều công ty cũng thay đổi quan điểm, đổi tên hoặc bổ sung các hình thức kinh doanh liên quan đến tài sản số. Một trong những sự kiện tiêu biểu trong năm qua là việc Facebook đổi tên thành Meta để tập trung cho các sản phẩm dịch vụ Metaverse, khiến các cổ phiếu và Token (chữ ký số, chữ ký điện tử) liên quan đến công nghệ này tăng vọt.
Sôi động các ứng dụng thực tiễn
Phạm vi ứng dụng của tài sản số rất rộng và bao trùm các lĩnh vực, song hiện chủ yếu tập trung trong game và lĩnh vực nghệ thuật như phim, video, tranh ảnh điện tử hoặc tương tự, như GameFi (game kết hợp không gian DeFi giúp kiếm tiền trong game).
Đặc biệt, môi trường Metaverse với các sản phẩm NFT đã hỗ trợ công việc kinh doanh mở rộng từ các mảng kinh doanh truyền thống đến kinh doanh số, nhất là lĩnh vực tài chính số, góp phần tạo nên nền kinh tế số.
Đã có nhiều thương vụ mua bán đất ảo, các nhân vật trong game và trong vũ trụ số trị giá hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD. Các tác phẩm nghệ thuật được gắn NFT có giá trị và thanh khoản cao kỷ lục trên các chợ tài chính online.
Nhiều người kinh doanh ở thế giới thực thừa nhận, họ có nhiều cơ hội hơn nhờ hiểu biết về tài sản số và kinh doanh trên không gian Metaverse. Nhiều nhà đầu tư cho hay, bán “đất ảo” có lợi nhuận cao hơn bán đất thật, thời gian giao dịch nhanh hơn và thanh khoản tốt hơn, thủ tục lại vô cùng đơn giản, vì khi tài sản gắn với NFT, thì mọi thứ không thể giả mạo được. Tất cả thông tin, từ vị trí, những lần chuyển giao, đến giá trị qua các thời kỳ… đều minh bạch, không sợ bị làm giả.
Không những vậy, các tài sản số như NFT có thể dùng cho các thông tin cá nhân, hồ sơ y tế, bằng cấp, giấy tờ mà không sợ bị người khác giả mạo, vốn là một vấn nạn trong thế giới thực.
Ở thế giới thực, một miếng vàng, một bức tranh hay một chiếc xe hơi… đều có thể bị mất cắp, nhưng nếu là tài sản số và đã thuộc quyền sở hữu của một người, thì dù có bị mất cắp, kẻ trộm cũng không thể bán, chuyển nhượng cho bất cứ ai.
Tài sản NFT có thể sử dụng cho những sản phẩm cần bản quyền, chứng nhận, bằng cấp, các loại giấy phép điện tử, hợp đồng, giấy tờ, hồ sơ quan trọng không thể sao chép..., kể cả vé xem phim, vé xem trận bóng đá (người xem không thể bước qua cửa nếu sử dụng vé giả…).
Lừa đảo gia tăng và khoảng trống pháp lý
Dữ liệu thống kê từ CipherTrace cho thấy, các vụ lừa đảo liên quan đến DeFi chiếm tới 54% khối lượng gian lận. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2021, số tiền thiệt hại từ dự án lừa đảo đã là 361 triệu USD, trong khi con số của cả năm 2020 là 129 triệu USD.
Ông Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) từng cảnh báo: “Thị trường tài sản số đầy rẫy gian lận, lừa đảo và lạm dụng”. Tuy nhiên, theo thủ tục, SEC có thể phải mất từ vài tháng đến cả năm mới có thể đưa ra kết luận về một vụ lừa đảo.
Có thể thấy, hành lang pháp lý không theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ, trong khi các vụ lừa đảo ngày càng nhiều. Báo cáo của Công ty Bolster cũng chỉ ra rằng, số vụ lừa đảo tài sản số đã tăng 40% lên 400.000 trường hợp vào năm 2020, tăng khoảng 75% trong năm 2021 và còn có thể cao hơn nữa trong những năm sau.
Theo báo cáo của Chainalysis về tội phạm tiền mã hóa năm 2021, số tiền bị đánh cắp năm 2021 tương đương hơn 7,7 tỷ USD, tăng 81% so với năm 2020. Riêng hình thức “rút thảm” (nhà phát triển kêu gọi nhà đầu tư tham gia rồi ôm tiền bỏ chạy) chiếm 2,8 tỷ USD.
Trên thế giới, nhiều nhân vật có sức ảnh hưởng đến cộng đồng (KOL) từng phát ngôn, bày tỏ nghi ngờ về các công nghệ như NFT, Web3, Metaverse…, nhưng sau đó, chính họ lại tham gia vào các dự án này. Có những KOL liên tục quảng cáo hay “shill” (“mồi chài”) các dự án “rác”, nhưng sau đó, giá nhiều tài sản trong các dự án này rơi thẳng đứng, thậm chí về 0, gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư và khiến cộng đồng vô cùng bức xúc. Dù vậy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chưa có chế tài xử lý đối với những hành động này.
Tại Việt Nam, một số nhân vật nổi tiếng cũng có những hành động tương tự, nhẹ là phát ngôn bất nhất, hoặc tệ hơn là lôi kéo nhà đầu tư vào các dự án “có mùi”, gây thiệt hại cho cộng đồng.
Có thể thấy, những kiến thức về tài sản số còn rất mới mẻ với cộng đồng, kể cả với những người nổi tiếng. Nhiều KOL vì nhận lợi ích mà quảng cáo, lôi kéo nhà đầu tư vào các “dự án rác”, dự án lừa đảo, nhưng chưa chắc đã hiểu về các dự án này. Do tin vào những người nổi tiếng và thiếu hiểu biết về tài sản số, nhiều khách hàng đã bị “lùa gà”, bị “xén lông cừu” từ các dự án “ma”.
Hiện nay, hầu hết giao dịch tài sản số trên thế giới đều chưa thể thu được thuế, do chưa có hành lang pháp lý đầy đủ. Dù vậy, sự phát triển của tài sản số là một xu hướng. Các công ty, dự án trên thị trường tài sản số rất cần có những quy định pháp lý rõ ràng để có thể phát triển và mang lại những giá trị, ứng dụng công nghệ tài sản số vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, C98 cũng là dự án hàng đầu trong mảng ví điện tử, cộng đồng số và cung cấp kiến thức về tài sản số. Những năm trước, Kyber Network (KNC) cũng được cộng đồng thế giới đánh giá cao về các ứng dụng blockchain…
Các dự án nói trên đều đã huy động được nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài. Tuy vậy, hầu hết các dự án đều có pháp nhân nước ngoài hoặc có liên quan đến nước ngoài, do hành lang pháp lý về tài sản số tại Việt Nam chưa hoàn thiện; phạm vi ứng dụng và người dùng cũng chủ yếu ở ngoài nước, chưa có nhiều ứng dụng tại Việt Nam.