Hơn 23.000 bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam đã tử vong. Đây là mất mát, đau thương thể tả siết với những người ở lại. |
Những cuộc ra đi ám ảnh
Theo GS.Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức- người đã có thời gian dài ở trong tâm dịch TP.HCM thì nỗi ám ảnh nhất cuộc đời mà có lẽ ông và các y, bác sĩ của Bệnh viện không bao giờ quên đó chính là những cái chết của bệnh nhân Covid-19.
Họ ra đi khi bên cạnh không có người thân, còn đang dang dở nhiều điều chưa gọi thành tên; chỉ có các y, bác sĩ cúi đầu tiễn biệt.
Theo lời kể của GS. Trần Bình Giang, những ngày có thời điểm 7-8 bệnh nhân tử vong cùng một lúc, các cuộc điện thoại ban đêm báo tin cho gia đình bệnh nhân nhiều hơn. Chỉ cần nhắc đến tên người thân là những tiếng khóc xé lòng, nặng nề và ám ảnh mãi không nguôi.
“Với các y, bác sĩ chúng tôi, những lúc phải nói lời tạm biệt bệnh nhân thực sự nỗi đau, niềm chua xót nghẹn đắng trong tim”, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trải lòng.
Còn với nữ nhân viên phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Nguyễn Thị Hương, thời gian chị được cử vào chi viện TP.HCM chống dịch, là những ngày tháng chị đối diện với cảm xúc đau thương, nỗi đau xé ruột gan.
Dù công tác ở Bệnh viện nhưng chị hầu như rất ít khi chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân. Tuy vậy, khi vào tâm dịch, có những ngày chị phải chứng kiến hàng chục cuộc tiễn đưa bệnh nhân Covid-19.
“Có những người vừa mới hôm trước còn mạnh khỏe, hôm sau đã trở thành người thiên cổ. Là một người trẻ, chưa khi nào tôi thấy cuộc sống của kiếp người lại mong manh đến vậy”, chị Hương xúc động nói với phóng viên.
Trong cuộc chiến khốc liệt chống lại dịch bệnh, rất nhiều y, bác sĩ đã bị ám ảnh, sang chấn tâm lý khi chứng kiến số lượng bệnh nhân nhập viện và tử vong rất nhiều. Thậm chí, ngay cả lúc ngủ cũng nghe thấy tiếng tít tít của máy thở văng vẳng bên tai.
Theo bác sĩ Quan Thế Dân (Bệnh viện Trí Đức Thành), người ở trong tâm dịch Bình Dương suốt thời gian qua, những ký ức trong tâm dịch thật nặng nề.
Đối với bệnh nhân, khi mọi nỗ lực không có kết quả, bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng, khi ấy các y, bác sĩ vuốt mắt cho người bệnh, làm các thủ tục cần thiết và không quên xem trong tủ đồ của bệnh nhân, tìm bộ quần áo mới, sạch sẽ để thay cho họ. Họ ra đi khi bên cạnh không có người thân tiễn đưa.
Mỗi khi nhớ lại giây phút phải thông báo cho người nhà biết tin người thân của họ đã không qua khỏi, ông vẫn có cảm xúc nghẹn thở nơi lồng ngực.
Đau đớn nhất là khi làn sóng dịch thứ tư đi qua, để lại hàng nghìn trẻ em không còn cha mẹ, người thân. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong đợt dịch thứ tư, TP.HCM có khoảng hơn 2.000 trẻ em mồ côi vì cha mẹ mất do covid-19.
Ở cái tuổi đáng lẽ còn được bay bổng, tự do với những mơ ước, hồn nhiên sánh bước với bạn bè trên giảng đường thì có rất nhiều em đã buộc phải trở thành những người trụ cột bất đắc dĩ trong gia đình.
Đau đớn nhất là khi làn sóng dịch thứ tư đi qua, đhàng nghìn trẻ em đã không còn cha mẹ, người thân. |
Với những người dân ở TP.HCM, nỗi đau của Covid-19 thật quá sức chịu đựng và những mất mát họ đã trải qua không bao giờ có thể đong đếm.
Chung tay vượt lên nỗi đau
Với sản phụ T.T.T.L, Covid-19 đã lấy đi của chị người chồng và hai đứa trẻ sinh đôi non tháng khi vừa chào đời. Covid-19 còn suýt lấy đi cả sự sống của chị.
Chị L. là một trong số rất nhiều người đã can trường vượt qua lằn ranh sinh tử để trở về cuộc sống đời thường.
Trong những ngày tháng dịch Covid-19 hoành hành và cho đến tận bây giờ, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các lực lượng tuyến đầu như các y bác sĩ, lực lượng công an, quân đội và từng người dân, từng ngõ phố... đã là chỗ dựa, là nguồn lực động viên to lớn, thiết thực để ngăn chặn làn sóng Covid-19 thứ tư; để mỗi người dân không thiếu thuốc điều trị, thiếu lương thực thực phẩm..., cùng nhau vượt qua khó khăn, vượt qua những phút giây sinh tử, giành lấy sự sống.
Qua những thời khắc ấy, chúng ta đều cảm nhận sâu sắc rằng, sức mạnh của cộng đồng, của tình người thật lớn lao; nhưng chúng ta cũng cảm nhận rằng, cái giá của mọi sự chủ quan, lơ là đều quá đắt.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường như hiện nay, để những nỗi đau như đã trải qua không lặp lại, hơn lúc nào hết, mỗi người đều cần phải thực sự nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch; ý thức, trách nhiệm với chính bản thân mình và cộng đồng để cùng thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch.
Và, như lời tâm sự của một bệnh nhân F0 nay máy được trở về với cộng đồng, với gia đình, rằng "khi còn được ở nhà, bạn hãy trân trọng từng khoảnh khắc được sống bên người thân yêu, có trách nhiệm hơn với bản thân và xã hội. Giờ đây, tôi cũng sẽ sống khác hơn trước, yêu thương gia đình, trân trọng từng người thân bên cạnh mình".
Tối nay, ngày 19/11 sẽ diễn ra Lễ Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Lễ tưởng niệm nhằm thể hiện nỗi buồn sâu sắc, sự sẻ chia trước những mất mát, đau thương của nhiều gia đình đã mất đi người thân, đồng thời tiếp tục khích lệ tinh thần đối với các lực lượng đã và đang tiếp tục tham gia "cuộc chiến" phòng, chống dịch Covid-19.
* Tại Hà Nội, lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 sẽ diễn ra tại Công viên Thống Nhất lúc 20 giờ ngày 19/11. Trong chương trình sẽ có nghi thức tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ mất trong đại dịch. Các đại biểu tham dự buổi lễ sẽ thả hoa đăng tại hồ Ba Mẫu trong khuôn viên Công viên Thống Nhất.
* Tại TP.HCM, Hội trường Thống Nhất sẽ là điểm cầu chính tổ chức lễ tưởng niệm, bên cạnh các điểm ở TP. Thủ Đức và các quận, huyện khác. Tại đây cũng diễn ra nghi thức tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
TP.HCM vận động các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ…) trên địa bàn thành phố cùng đánh chuông tưởng niệm; các tàu, thuyền, sà lan… đang lưu đậu tại các khu vực cảng kéo còi tưởng niệm lúc 20 giờ 30 phút ngày 19/11.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, người dân trên địa bàn tắt đèn và thắp nến tại khu vực công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân… để tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, các quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình sẽ tổ chức thả hoa đăng tại tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hũ - Bến Nghé vào lúc 20 giờ 35 phút ngày 19/11.
* Cũng vào lúc 20 giờ ngày 19/11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước tử vong, hy sinh do đại dịch Covid-19.