Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, tỷ lệ F0 có triệu chứng trở nặng đang tăng lên, dường như trở thành gánh nặng y tế rất lớn cho TP.HCM và một số tỉnh như Đồng Tháp.
Tỷ lệ F0 có triệu chứng trở nặng đang tăng lên, dường như trở thành gánh nặng y tế rất lớn cho TP.HCM và một số tỉnh như Đồng Tháp. |
Tỷ lệ bệnh nhân nặng phải hỗ trợ ôxy, thở máy chức năng cao, ECMO đang tăng cao; một số địa phương thiếu máy thở. Đặc biệt, theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ tử vong của cả nước là 0,43%, nhưng tại TP.HCM là hơn 0,6%, tại Đồng Tháp còn cao hơn.
“Chứng tỏ chúng ta cũng đang tiệm cận với tỷ lệ tử vong trên thế giới. Do đó, cần hết sức lưu ý trong tình trạng bệnh nhân trở nặng, bắt buộc sử dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị”, ông Sơn nói.
Chung lo ngại, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho rằng, tất cả các khu vực đều cần chuẩn bị ôxy, kể cả những nơi điều trị bệnh nhân nhẹ, đề phòng bệnh nhân đổi trạng thái từ nhẹ sang nặng.
Cũng theo ông Khuê, phân tích trên 9.418 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế cho thấy hiện có khoảng 621 người (6,6%) tiên lượng nặng, 151 ca (1,6%) tiên lượng rất nặng; 8 bệnh nhân Covid-19 có tiên lượng tử vong.
Trong số này, có 4.468 (47,4%) trường hợp đỡ, giảm nhẹ và 4.152 (44,1%) người có tình trạng bệnh không thay đổi.
TP.HCM đã chính thức triển khai cách ly tại nhà với trường hợp một số nhóm F0 và F1. Những bệnh nhân đủ điều kiện tự theo dõi tại nhà không chủ quan trước tình trạng không triệu chứng, phát hiện sớm các dấu hiệu diễn biến nặng.
Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho hay, trong quá trình điều trị, nhiều bệnh nhân Covid-19 ban đầu không có triệu chứng đáng kể. Tuy nhiên, sau khoảng 7-8 ngày, họ có thể diễn biến nặng, thậm chí tử vong.
Thực tế này đòi hỏi các bác sĩ tại cơ sở điều trị sẽ phải theo dõi sát các bệnh nhân Covid-19 trong thời điểm ngày thứ 7-8, phát hiện các dấu hiệu diễn biến nặng nếu có.
Khuyến nghị cần theo dõi chặt các F0 điều trị tại nhà, TS. Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) khẳng định, yếu tố quan trọng nhất trong việc theo dõi bệnh nhân Covid-19 là phát hiện được các triệu chứng lâm sàng sớm nhất thay vì chú trọng vào các mốc thời gian.
“Thực tế điều trị cho thấy sau khoảng ngày thứ 7 từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ mới có thể xác định được nguy cơ diễn biến nặng, nguy kịch của mỗi trường hợp. Tuy nhiên, việc xác định mốc thời gian này là rất khó và mang tính chất tương đối”, vị chuyên gia này nói.
“Do đó, yếu tố quan trọng nhất là chúng ta cung cấp cho bệnh nhân những dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng để họ tự theo dõi sát sao và chính xác, qua đó báo cho nhân viên y tế sớm nhất”, vị chuyên gia này kết luận.
Để kịp thời phát hiện các triệu trứng diễn biến nhanh, chuyên gia đề xuất Bộ Y tế có thể xây dựng và công bố một bảng gồm thông tin các triệu chứng lâm sàng cần theo dõi khi ở nhà.
Trong đó, các dấu hiệu và hướng dẫn tự theo dõi sẽ được phân chia thành nhiều nhóm theo độ tuổi, tiền sử bệnh lý nền với các mức độ khác nhau.
Các F0 điều trị tại có thể tự theo dõi nếu khó thở, nhịp thở tăng hay giảm, nhiệt độ, nồng độ oxy trong máu. Các F0 có thể mua và sử dụng nhiệt kế, kẹp SpO2 ngay tại nhà.
“Khi xuất hiện những triệu chứng nêu trên, bệnh nhân cần nhanh chóng báo với nhân viên y tế để được đánh giá chính xác hơn, có chỉ dẫn, thậm chí nhập viện ngay nếu cần thiết”, bác sĩ Hùng nói.
Theo thông tin từ Bộ Y tế sáng 17/7, Việt Nam ghi nhận thêm 2.105 bệnh nhân trong nước. Tính đến 6h ngày 17/7, Việt Nam có tổng cộng 44.284 ca ghi nhận trong nước và 2.008 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 42.714 ca, trong đó có 7.246 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam, TP.HCM vẫn đang là điểm nóng với số lượng bệnh nhân tăng cao mỗi ngày.