- Đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân: Ma trận xử lý khối tài sản tồn đọng
- Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân: Khối tài sản cả ngàn tỷ đồng tiếp tục dãi nắng mưa
- Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân: Tìm lối ra cho một phần tài sản
- Dự án Xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân: Mịt mù lối thoát
Nguyên do là hàng loạt yếu tố đầu vào khi ra quyết định đầu tư công trình đã có sự thay đổi.
Một đoạn tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân thi công dang dở |
Lãng phí lớn
Sự thận trọng là điều có thể nhận thấy trong báo cáo vừa được Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông - Vận tải - GTVT) gửi Cục Đường sắt Việt Nam về việc khởi động lại Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Cụ thể, Ban Quản lý dự án đường sắt kiến nghị Bộ GTVT xem xét bố trí vốn để đơn vị này triển khai công tác lựa chọn đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo Quyết định số 1027/QĐ-BGTVT ngày 26/5/2020 của Bộ GTVT theo hướng đánh giá toàn bộ tình hình thực hiện công trình. Trên cơ sở những nghiên cứu được cập nhật, các đơn vị liên quan sẽ đề xuất quy mô và phương án đầu tư cụ thể của Dự án để làm cơ sở Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.
“Trước mắt, để không làm ảnh hưởng đến chất lượng của số vật tư, thiết bị đã mua, chưa lắp đặt vào công trình, việc bố trí kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện công tác trông coi, bảo quản là rất cần thiết”, ông Nguyễn Khánh Tùng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt kiến nghị.
Hiện sức ép phải xem xét khởi động lại Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang ngày một lớn đối với Bộ GTVT, đặc biệt là từ phía cử tri, chính quyền các địa phương có tuyến đường đi qua.
Từng được kỳ vọng là một trong những tuyến động lực của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang là nỗi thất vọng lớn của ngành đường sắt. Đây là công trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT làm chủ đầu tư và được khởi công vào năm 2005, có mục tiêu góp phần đảm nhận phần lớn luồng hành khách, hàng hóa từ Hà Nội tới Quảng Ninh, đồng thời tham gia kết nối Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.
Dự án có tổng chiều dài 131 km (gồm 43 km xây dựng mới và 88 km cải tạo, nâng cấp đường cũ), tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do có những diễn biến phức tạp về kinh tế vĩ mô, Dự án thuộc diện phải đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQCP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Đến nay, mới có Tiểu dự án Hạ Long - cảng Cái Lân được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2014. Hơn 125 km đường sắt thuộc 3 tiểu dự án bị dừng thi công từ năm 2013, rơi vào tình trạng “cầu chờ đường”, “đường chờ đổ đá, lắp ray”…
Tính đến cuối tháng 5/2022, tổng vốn trái phiếu chính phủ đã giải ngân cho toàn bộ Dự án là 4.322 tỷ đồng (đạt 56%). Trong đó, các tiểu dự án: Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long và Yên Viên - Lim là 3.085 tỷ đồng, toàn bộ đều dưới dạng bán thành phẩm, không có công năng sử dụng.
Điều đáng nói là, trong khi hệ thống hạ tầng thi công chưa xong do thiếu vốn, chủ đầu tư đã vội triển khai các gói thầu mua sắm ray, tà vẹt. Hậu quả là, số tà vẹt, ray trị giá 742 tỷ đồng chưa thể lắp đặt của Dự án vẫn đang phải bảo quản tạm ở một số ga dọc tuyến và kho bãi của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, vừa ảnh hưởng đến chất lượng, vừa làm phát sinh chi phí bảo quản.
Bài toán khó
Tại Báo cáo số 5352/BC-BGTVT về việc chuẩn bị phục vụ giải trình và trả lời chất vấn của lãnh đạo Chính phủ tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Bộ GTVT cho biết, do khó khăn về nguồn lực đầu tư và thực tế nhu cầu vận tải trước mắt chưa cao, đồng thời có một số tuyến đường bộ, đặc biệt là đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Hạ Long đưa vào khai thác trong giai đoạn 2015 - 2017, nên Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành Dự án đến sau năm 2020 để phù hợp với khả năng cân đối vốn.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, với việc giãn tiến độ hoàn thành Dự án, nhiều hạng mục công trình của Dự án chưa được đầu tư hoàn chỉnh (nền đường, hệ thống hầm chui, đường gom dân sinh, cống thoát nước...) đã ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội khu vực tuyến đi qua. Đồng thời, do các công trình đang được thi công dở dang, nên có nguy cơ mất mát khối lượng và ảnh hưởng đến chất lượng công trình; phát sinh kinh phí trông coi bảo quản công trường, vật tư, hàng hóa đã mua sắm chưa được lắp đặt vào công trình.
Ngoài ra, một số hộ dân thuộc diện ảnh hưởng của hành lang an toàn đường sắt hoặc hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp, mất đất canh tác khi thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án, nhưng chưa được bồi thường do thiếu kinh phí.
“Vấn đề này đã gây dư luận không tốt về Dự án và đã có hiện tượng khiếu kiện ở một số địa phương”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được xem xét phát triển trong giai đoạn đến năm 2030.
Căn cứ định hướng nêu trên, Bộ GTVT đang rà soát để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí vốn nghiên cứu điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án làm cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo một lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc nhiều dự án đầu tư xây dựng thuộc các chuyên ngành đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải được triển khai đã ảnh hưởng đến vị thế và vai trò của Tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long - Phả Lại - Cái Lân. “Không bố trí thêm vốn thì Dự án mãi dở dang, song hoàn thiện thì tuyến đường sắt này khó cạnh tranh với đường bộ. Đây là bài toán rất khó đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước”, vị lãnh đạo này nhận định.
Tiểu dự án 2: Lim - Phả Lại, dài 35,34 km, đã thực hiện được 54%, đã giải ngân được 1.858 tỷ đồng (đạt 92% tổng mức đầu tư).
Tiểu dự án 3: Phả Lại - Hạ Long, dài 78,36 km, đã thực hiện khoảng 25% khối lượng công việc, đã giải ngân được 1.229 tỷ đồng (đạt 31% tổng mức đầu tư).
Tiểu dự án 4: Yên Viên - Lim, dài 10,77 km, mới triển khai các công tác tư vấn thiết kế, đã giải ngân được 3,2 tỷ đồng (đạt 1%).