Xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo nhóm
Tỉnh Tuyên Quang sở hữu địa hình đặc biệt kiến tạo nên bức tranh non núi hùng vĩ với những cảnh đẹp ngoạn mục của Thác Pác Ban, Động Tiên, hang Bó Ngoặng, núi Dùm, rừng nguyên sinh Tát Kẻ, khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang,...
Du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn hấp dẫn du khách đến với Tuyên Quang. |
Nơi đây còn là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc, vừa là nơi khởi phát, vừa là nơi hội tụ, giao thoa những sắc thái riêng của hơn hai mươi dân tộc miền núi phía Bắc, với những lễ hội và những làn điệu dân ca.
Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng, nơi cư trú của 22 dân tộc anh em tạo nên bản sắc văn hóa rất riêng. Địa phương này còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ, trong đó bia Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là bảo vật quốc gia.
Vẻ đẹp đất và người Tuyên Quang ẩn chứa tâm hồn phong phú, sự chân thành giản dị, sự đằm thắm và lòng hiếu khách cùng các kỹ năng làm nghề thủ công truyền thống, canh tác nông nghiệp.
Ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang
Để “mở đường” cho du lịch nông nghiệp nông thôn tăng tốc, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 7/12/2022 về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025.
Ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn với mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và xây dựng từ 1 - 2 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.
Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Phương, tỉnh Tuyên Quang xác định xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo các nhóm: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề... Ưu tiên các mô hình gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Du lịch Tuyên Quang, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm nông nghiệp cùng bà con đồng bào dân tộc nơi đây. |
Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang còn phát triển mô hình đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm theo mùa nông nghiệp như: Lễ hội hoa lê, ruộng bậc thang xã Hồng Thái, huyện Na Hang; ruộng bậc thang xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình; khai thác nhà vườn, trang trại, khu sinh thái, khu công nghệ cao phát triển thành các điểm du lịch trải nghiệm kết nối với các điểm du lịch của tỉnh.
Tỉnh Tuyên Quang xác định, mỗi huyện, thành phố xây dựng từ 1 - 2 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Trong đó, huyện Lâm Bình phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; huyện Na Hang phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; huyện Chiêm Hóa phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng; huyện Hàm Yên, Yên Sơn phát triển sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp; huyện Sơn Dương phát triển sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa; thành phố Tuyên Quang phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh...
Phát triển du lịch nông thôn, tỉnh Tuyên Quang đã và đang tạo sinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. |
Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 7 lần
Nhờ phát triển du lịch nông thôn, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, thu nhập của bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang tăng đáng kể. Ông Đặng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái, huyện Na Hang cho biết, nếu như nhiệm kỳ trước, thu nhập của bà con bình quân chỉ khoảng 5 triệu đồng/ người/ năm thì hiện tại sau khi phát triển du lịch, thu nhập bình quân của bà con là 37 triệu đồng/ người/ năm. Thời gian tới, xã Hồng Thái phấn đấu nâng cao thu nhập bình quân đầu người của bà con lên khoảng 50 triệu đồng/ người/năm.
Bà Đặng Thị Hà, chủ homestay Hoàng Hà cho biết, du khách đến với Hồng Thái ngắm cảnh quan thiên nhiên còn rất thích các đặc sản địa phương, rau củ quả trái vụ. Khách du lịch đến với xã Hồng Thái ngày một đông, nhờ thế, các sản phẩm nông nghiệp nhất là chè Shan Tuyết bán được nhiều hơn.
Theo ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, khi kết hợp với du lịch, các sản phẩm nông nghiệp phải đạt tiêu chuẩn chất lượng thì mới tiêu thụ được. Ông Quý cho biết: “Chúng tôi đang đẩy mạnh các sản phẩm đặc trưng của huyện là sản phẩm OCOP, hoàn thiện mẫu mã sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản. Trong đó, cây chè và rượu ngô men lá Na Hang đã có chỉ dẫn địa lý”.
Du khách trải nghiệm tại Khu du lịch Na Hang, Tuyên Quang. |
Để người nông dân làm du lịch chuyên nghiệp hơn, huyện Na Hang thường xuyên quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng giúp nông dân nâng cao kỹ năng làm dịch vụ du lịch. Qua đó, ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa, kỹ năng về kinh doanh du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, điểm đến đã được từng bước nâng cao.
Ông Nguyễn Trọng Đoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho hay, hiện các tour du lịch nông nghiệp ở địa phương kết hợp tham quan lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, kèm theo trải nghiệm hoạt động bắt cá, ngắm ruộng bậc thang, chế biến chè Shan Tuyết... đã giúp địa phương phát triển du lịch hiệu quả, tạo lợi thế quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mang lợi ích cho người dân.
Còn tại huyện vùng xâu, vùng xa nhất của tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, huyện này hội tụ những nền văn hóa đặc sắc của 13 dân tộc anh em với nhiều lễ hội truyền thống mang đậm màu sắc dân gian, các danh lam thắng cảnh hữu tình, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn,… tạo nên sức hấp dẫn riêng có cho vùng cao Lâm Bình.
“Nắm bắt lợi thế đó, huyện Lâm Bình đã và đang chú trọng phát triển du lịch nông thôn, trong đó tập trung phát triển loại hình du lịch cộng đồng để đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân. Huyện Lâm Bình đã triển khai nhiều giải pháp như: đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm đặc thù gắn với mô hình du lịch homestay. Đồng thời, phục dựng, bảo tồn lễ hội truyền thống, đẩy mạnh tuyên truyền, thu hút đầu tư, thành lập mô hình hợp tác xã thổ cẩm, hướng đến xây dựng, phát triển thông qua chuỗi liên kết giữa các cá nhân, hộ gia đình sản xuất với thị trường tiêu thụ…”, ông Trung chia sẻ.
Ông Lương Duy Doanh, chủ hai homestay Nặm Đíp và homestay Bản Bon, Lâm Bình, Tuyên Quang cho biết, thời gian gần đây, tỉnh Tuyên Quang tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối và xúc tiến thị trường du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối cung - cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường áp dụng chuyển đổi số, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, hành động cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, người dân, khách du lịch… về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới nên các hộ làm du lịch ngày càng chuyên nghiệp.
“Mặc dù chịu ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế, mùa hè du khách thường chọn nghỉ dưỡng biển, nhưng từ đầu năm đến nay, hai homestay Năm Đíp và Bản Bon vẫn đón khoảng 1.000 lượt du khách”, ông Doanh cho chia sẻ và dự đoán quý 4/2023, lượng du khách đến Tuyên Quang sẽ tăng vì khách thường có xu hướng đến miền núi vào mùa thu, đông. Đặc biệt, giao thông đến huyện Lâm Bình nói riêng, Tuyên Quang nói chung đã được cải thiện hơn rất nhiều.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, 2030 đón khoảng 2,0 triệu lượt khách và cũng nhằm “mở đường” cho du lịch nông nghiệp, nông thôn tăng tốc, tỉnh Tuyên Quang đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực, ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo hướng liên kết vùng thuận lợi. Những dự án giao thông sẽ mang lại cho Tuyên Quang cơ hội phát triển mạnh mẽ kinh tế dịch vụ, từ đó thúc đẩy du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp, nông thôn nói riêng.