Được đánh giá là kỳ thi có nhiều thành công song thẳng thắn nhìn nhận thì kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay vẫn còn nhiều “sạn”.
Đó là việc một số trường đại học tổ chức tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ từ sớm, dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của những thí sinh có kết quả học lực tốt nhưng lại chậm hơn do dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Ảnh minh hoạ. |
Nhiều chuyên gia đã từng lên tiếng, có quá nhiều phương thức xét tuyển sẽ gây mất công bằng cho thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, đa phần chỉ kỳ vọng vào xét tuyển theo điểm thi THPT vì không có điều kiện tham gia các kỳ thi năng lực, tư duy, IELTS.
Mặc dù đa số các đề án tuyển sinh các trường đại học đều dành 20% - 50% chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi THPT nhưng trên thực tế số chỉ tiêu này rất thấp.
Điểm chuẩn theo điểm thi THPT tăng cao cũng khiến học sinh các vùng sâu, vùng xa chịu thiệt thòi hơn so với phần còn lại vì với điều kiện học tập, điểm ưu tiên khu vực giảm thì các em không thể trúng tuyển vào các trường đại học tốp trên. Trong khi đó, các tổ hợp xét tuyển đã giảm bớt nhưng vẫn còn những băn khoăn về cơ sở khoa học của việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển.
Dù chưa có thống kê cụ thể về số lượng thí sinh nhập học theo từng lĩnh vực năm nay, song ghi nhận từ nhiều trường cho thấy vẫn có sự mất cân đối giữa các nhóm ngành nghề tiếp tục diễn ra khi nơi điểm cao chót vót vẫn trượt, nơi lại tìm không ra thí sinh.
Theo thống kê do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố thì trong 3 năm gần đây, quy mô đào tạo của các khối ngành có sự biến động đáng kể.
Cụ thể, khối ngành VI (sức khỏe) và khối ngành I (khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên) lần lượt đứng vị trí thứ 4 và thứ 5 trong tổng số 7 khối ngành đào tạo.
Đáng chú ý, liên tục trong ba năm, khối ngành sức khỏe có sự giảm sút đều về quy mô. Cụ thể, năm học 2020-2021 có 154.155 sinh viên; năm học 2021-2022 có 147.605 sinh viên; năm học 2022-2023 có 143.775 sinh viên. Mức giảm từ 2,5-4,2%.
Đặc biệt, khối ngành đào tạo giáo viên giảm sâu tới 41,04%. Năm học 2021-2022, khối ngành này có 151.504 sinh viên, cao hơn quy mô của khối ngành sức khỏe. Nhưng tới năm 2022-2023, số sinh viên giảm gần một nửa, còn 89.321.
Dẫn đầu về quy mô đào tạo đại học là hai khối ngành III (kinh doanh và quản lý, pháp luật) và V (toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản, thú y).
Hai ngành này liên tục đổi vị trí số 1 cho nhau với mức chênh lệch số sinh viên không nhiều. Riêng năm 2023, khối ngành V bứt phá với số lượng sinh viên tăng đột biến thêm hơn 40 ngàn sinh viên và nhiều hơn khối ngành III gần 80 ngàn sinh viên.
Tuy vậy, ở bậc đào tạo thạc sĩ, khối ngành III giữ vững ngôi đầu bảng trong khi khối ngành V xuống vị trí thứ 3 với quy mô chỉ bằng 50% so với khối ngành III.
Giữ ổn định ở vị trí số 3 là khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn - du lịch- thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng).
Nếu như năm 2021-2022, khối ngành này có sự đột phá mạnh mẽ khi tăng quy mô lên tới 74,2%, thì năm 2022-2023 có sự giảm nhẹ. Tuy vậy, quy mô của khối ngành VII vẫn hơn khối ngành sức khỏe 2,78 lần và cao hơn khối ngành đào tạo giáo viên 4,49 lần.
Hai khối ngành có quy mô đào tạo thấp nhất khối ngành II (nghệ thuật) và khối ngành IV (khoa học sự sống, khoa học tự nhiên).
Sự sụt giảm của khối ngành sức khỏe và sự khó khăn tuyển sinh nhiều năm với khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên là hệ quả của tình trạng thí sinh dự thi bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên giảm đều các năm qua.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, chỉ có 323.187 thí sinh dự thi bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, chiếm 31,52% tổng thí sinh.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, do các địa phương thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc đào tạo giáo viên của các trường trong hệ thống bị sụt giảm.
Ngược lại, quy mô đào tạo khối ngành V có sự gia tăng, đặc biệt là những ngành khoa học cơ bản, quan trọng đã tăng số người học. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn có một só lĩnh vực có nhu cầu nhưng thiếu người học.
Được biết, về chất lượng giáo dục đại học, thông tin từ Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 183 cơ sở giáo dục đại học và 11 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước. 9 cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Về chương trình đào tạo, có 864 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước, 399 chương trình tiêu chuẩn nước ngoài. Như vậy, số cơ sở giáo dục đại học thực hiện kiểm định chiếm khoảng 76%.
Qua thống kê từ 122 đơn vị đạt kiểm định, có 47 cơ sở (38,5%) thuộc nhóm có từ 2 - 10 tiêu chí chưa đạt mức 4; 75 cơ sở (61,5%) có trên 10 tiêu chí chưa đạt mức 4 điểm.
Điều này phản ánh bức tranh chất lượng giáo dục và các cơ sở giáo dục đại học cần làm nhiều hơn nữa việc đảm bảo và phát triển chất lượng.