Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giải tán Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào chiều ngày 24/12. Theo đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp).
| ||
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, thi hành Hiến pháp, trước mắt còn “cả núi công việc”. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải thành lập một cơ quan làm đầu mối có sự tham gia của đại diện Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ban Tuyên giáo Trung ương để từng bước đưa Hiến pháp vào cuộc sống.
“Ban Chỉ đạo không phải là cơ quan chỉ đạo thi hành Hiến pháp, mà là cơ quan đứng ra làm đầu mối điều phối, đôn đốc công việc, giám sát việc thực thi Hiến pháp giữa các cơ quan, tổ chức trên cả nước. Ban Chỉ đạo xác định cụ thể từng nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp; bảo đảm việc tổ chức triển khai, thi hành đúng tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.
Đề xuất của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã nhận được sự tán đồng của đại diện các cơ quan tham dự cuộc họp bế mạc Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, một trong những nội dung quan trọng trong tổ chức thi hành Hiến pháp là tuyên truyền. Trong quá trình này phải bảo đảm sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan vì vậy cần phải thành lập Ban Chỉ đạo nhằm kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn hành vi lợi dụng dân chủ trong quá trình tổ chức triển khai nhằm tuyên truyền, xuyên tạc Hiến pháp.
“Trong quá trình tuyên truyền, phổ biến, Ban Chỉ đạo sẽ giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí, tránh hình thức, giáo điều”, bà Doan phát biểu.
Trước thực tế nhiều cuộc vận động, tuyên truyền, phổ biến được thực hiện phô trương, hình thức, lãng phí, kém hiệu quả, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết tổ chức thi hành Hiến pháp, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo đồng thời phải ước lượng được kinh phí tuyên truyền hết bao nhiêu, sử dụng từ những nguồn nào, tận dụng từ những nguồn nào để giảm thiểu lãng phí.
“Trong tuyên truyền phải đặc biệt tránh hình thức, giáo điều, phô trương gây lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân cũng như ngân sách nhà nước”, ông Giàu nói.
Cũng từ thực tế, ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, nhiều cuộc vận động, tuyên truyền có khi một người dân được nghe tuyên truyền, vận động 3-4 lần với cùng một nội dung. Ví dụ, một nữ thanh niên, ở cơ quan đã được tuyên truyền, vận động, phổ biến và cũng nội dung ấy, hội phụ nữ, đoàn thanh niên cũng tổ chức tuyên truyền, vận động. Thậm chí, về đến địa phương, người dân lại được chính quyền, đoàn thể tổ chức vận động, tuyên truyền, phổ biến một lần nữa nội dung mà họ đã “nghe đến nhàm tai”.
“Tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp phải tuyệt đối tránh phô trương, hình thức, giáo điều và cũng đặc biệt phải tránh tình trạng một người dân hôm nay Mặt trận Tổ quốc mời họp phổ biến, tuyên truyền; ngày mai, ngày mốt các cơ quan, đoàn thể khác cũng mời đi họp để tuyên truyền, phổ biến không chỉ mất thời gian của người dân, mà nhiều khi còn phản tác dụng”, ông Pha phát biểu.
“Từ nay đến trước 31/12/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp. Theo tôi, để thực hành tiết kiệm chống lãng phí, hội nghị này nên tổ chức trực tuyến, yêu cầu các diễn giả không đọc lại những nội dung, văn bản mà người dân đã biết. Trong quá trình tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, chiến sĩ lực lượng vũ trang, diễn giả cũng phải tránh đọc các văn bản mà người dân đã biết, tuyên truyền giáo điều, máy móc, đơn điệu, khô cứng. Chỉ có như vậy mới nâng cao nhận thức, tôn trọng, bảo vệ và chấp hành Hiến pháp của nhân dân; bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đóng góp ý kiến.
Mạnh Bôn