Y tế - Sức khỏe
Tuyên truyền thực dưỡng chữa bách bệnh là tội ác
Dương Ngân - 19/09/2021 12:51
Tin tưởng vào lời quảng cáo trên mạng hay truyền miệng, nhiều bệnh nhân chọn cách chữa bệnh bằng thực dưỡng và kết cục phải chịu hậu quả đáng tiếc.
Cần ăn uống đa dạng các nhóm thực phẩm để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

Không còn cơ hội nói giá như…

Cả tin nghe theo quảng cáo, bài viết lan truyền trên mạng xã hội và những lời khuyên vô căn cứ về việc “thực dưỡng chữa khỏi ung thư”, “thực dưỡng chữa bách bệnh”, “thực dưỡng để sống lâu”, không ít người tiền mất, tật mang, có những người bệnh đã bỏ lỡ giai đoạn vàng trong quá trình điều trị bệnh, thậm chí tử vong.

Theo lời các bác sĩ tại Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai), vừa qua, Viện tiếp nhận bệnh nhân 61 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Khai thác tiền sử, các bác sĩ được biết, bệnh nhân đang áp dụng chế độ ăn thực dưỡng (chỉ ăn gạo lứt và thực phẩm thực dưỡng) trong 49 ngày. Khi ăn thực dưỡng đến ngày thứ 41, thì bệnh nhân ngừng tuần hoàn.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo, “chế độ ăn ít chất béo, chất xơ bao gồm chủ yếu là các sản phẩm thực vật”, tuy nhiên, họ kêu gọi những người mắc bệnh ung thư không nên dựa vào chương trình ăn kiêng như một phương pháp điều trị duy nhất hoặc chủ yếu.

Tổ chức Nghiên cứu ung thư Vương quốc Anh tuyên bố: “Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng, chế độ ăn uống thực dưỡng có thể điều trị hoặc chữa khỏi bệnh ung thư hoặc bất kỳ bệnh nào khác.

Sau khi hội chẩn, làm các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng, kết quả cho thấy, chế độ ăn thực dưỡng đã khiến bệnh nhân hạ natri, kali máu, thúc đẩy các triệu chứng của bệnh mạch vành xuất hiện.

Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Cấp cứu A9 tiếp nhận bệnh nhân nữ, 52 tuổi trong tình trạng rất nguy cấp vì bỏ điều trị tiểu đường theo bác sĩ mà chuyển sang ăn thực dưỡng bằng cách uống sữa hạt và nhai gạo lứt, kết hợp ngồi thiền hàng ngày.

Theo người nhà, bệnh nhân được “bác sĩ online” tư vấn, chỉ cần thực dưỡng là khỏi. Bệnh do nghiệp gây ra, nên ngồi thiền để giải nghiệp. Kết quả, sau 2 tháng ăn thực dưỡng và ngồi thiền, bệnh nhân giảm 7 kg và đi cấp cứu trong tình trạng liệt cơ hô hấp, cận kề cửa tử.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng (Trung tâm Cấp cứu A9) cho biết, trước đó đã điều trị cho một người phụ nữ bị ung thư vú, với khối u còn nhỏ, điều trị sẽ kiểm soát được bệnh. Song  bệnh nhân đã nghe theo các chia sẻ trên mạng xã hội để ăn thực dưỡng bằng gạo lứt, muối mè, đồng thời đắp thuốc để hút tế bào độc bằng khoai sọ với lời bảo đảm khỏi 100%. Qua vài tháng chữa bệnh theo cách trên, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khối u hoại tử, hạch di căn xuất hiện, không còn khả năng điều trị.

Mới đây, một vụ việc đau lòng xảy ra với bé gái 30 tháng tuổi ở Thái Nguyên. Em có các dấu hiệu xuất huyết dưới da, Bệnh viện Trung uơng Thái Nguyên chẩn đoán là ung thư máu dạng cấp và đề nghị chuyển tới Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương để điều trị tiếp. Tuy nhiên, mẹ của bé không đưa con tới viện, mà tìm đến một người bán hàng thực dưỡng trên mạng để điều trị. Người bán quả quyết, ung thư máu ở trẻ em là thách thức đối với tây y, nhưng thực dưỡng có thể chữa khỏi.

Tin lời quảng cáo, người mẹ cho con nhai gạo sống, ăn cơm lứt với tương tekka, nhai trà thất vị (một loại trà gồm nhiều loại gạo và đậu rang lên, nấu nước, do chính người bán tự pha chế), ăn tương sắn dây. Người mẹ cũng phải ăn theo “số 7” (chế độ ăn chỉ bao gồm cơm lứt, muối vừng) trong khi cho con bú. Người bán nói, đến khi các vết bầm biến mất hoàn toàn nghĩa là cháu đã khỏi bệnh, bởi những chỗ bầm tím là dấu hiệu của máu độc, hết bầm là máu sạch. Kết quả, cháu bé sau đó đã tử vong.

Không mù quáng làm theo hướng dẫn thiếu cơ sở khoa học

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, việc tuyên truyền thực dưỡng chữa bách bệnh là tội ác. Nhiều người đã phải trả giá rất đắt vì chữa bệnh theo thực dưỡng. PGS-TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, thông tin tuyên truyền tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt nếu áp dụng chế độ ăn chay với gạo lứt, muối vừng là không có cơ sở.

Theo PGS-TS. Nguyễn Thị Lâm, gạo lứt là loại gạo chỉ xát vỏ trấu ngoài, còn nguyên lớp vỏ cám bên trong, nên được cho rằng chứa nhiều chất dinh dưỡng. Tuy vậy, đây chỉ là một chất tinh bột cung cấp một phần chất dinh dưỡng, chúng ta vẫn rất cần ăn bổ sung các nhóm thực phẩm khác, như các nhóm thức ăn giàu đạm, rau, củ, quả để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

“Ngay cả với những người khỏe mạnh, chứ chưa nói bệnh nhân ung thư, lạm dụng gạo lứt hàng ngày mà không có thêm dinh dưỡng khác lâu ngày có thể gây nguy hại, làm cho cơ thể suy nhược trầm trọng”, PGS-TS. Nguyễn Thị Lâm cảnh báo.

Riêng với bệnh nhân ung thư, theo GS-TS. Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện K), cơ thể bệnh nhân ung thư cùng lúc tồn tại tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh. Do đó, bất kỳ loại dưỡng chất, nguồn năng lượng nào nạp vào cơ thể cũng nuôi sống tế bào ung thư. “Việc kiêng các loại thực phẩm giàu đạm, protein..., chỉ ăn thực dưỡng, chay trường và nghĩ rằng nó có thể giết chết tế bào ung thư và khỏi bệnh là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, phản khoa học”, bác sĩ Hương khẳng định.

Cũng theo GS-TS. Lê Thị Hương, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư. Ung thư là một bệnh mạn tính, trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh, có thể di căn đến các vị trí khác, gây các biến chứng, trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống trên người bệnh. Do vậy, hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư có ý nghĩa hồi phục tình trạng suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư.

Thực tế cho thấy, Internet, mạng xã hội đang là một kho tin tức và tư liệu khổng lồ, nhưng không phải tất cả thông tin trên mạng về sức khỏe đều chính xác, người dân không thể mù quáng tin theo để rồi nhẹ thì suy kiệt cơ thể, nặng thì mất mạng.

Tin liên quan
Tin khác