Đầu tư
“Tuýt còi” Dự án BT Quốc lộ 20
Anh Minh - 22/02/2016 08:34
Hàng loạt sai sót khá nghiêm trọng được Kiểm toán Nhà nước phát hiện tại Dự án Khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 - công trình hạ tầng đầu tiên vay vốn nước ngoài để thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).

Một dự án đặc biệt

Sau gần 5 tháng tiến hành kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dung vốn đầu tư Dự án Khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0+00 đến Km123 +105 trên địa phận 2 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng (Dự án Quốc lộ 20), Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán công trình này.

Là một trong những công trình BT có quy mô vốn lớn nhất từng được triển khai ở khu vực phía Nam, với tổng mức đầu tư ban đầu 4.589 tỷ đồng (sau được điều chỉnh lên 5.264 tỷ đồng), Dự án do Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long đóng vai trò doanh nghiệp dự án. Đây là đại diện của tổ hợp nhà đầu tư trong nước gồm: Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIMP Cửu Long), Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FICO), Công ty Đông Mê Kông và Công ty cổ phần Việt Ren.

Quốc lộ 20 - tuyến huyết mạch nối TP.HCM với TP. Đà Lạt

Theo phân công của Bộ Giao thông - Vận tải, tại dự án này, Ban quản lý dự án 7 làm đại diện cơ quan nhà nước có thầm quyền.

Điểm đầu Dự án tại ngã tư Dầu Giây; điểm cuối thuộc địa phận TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), giao với Tỉnh lộ 725. Quy mô đường rộng 12 m với 2 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Một số đoạn qua khu dân cư tập trung được gia cố thêm phần lề mặt đường đạt hơn 14 m. Toàn tuyến được bố trí trên 100 km cống thoát nước dọc. Trên tuyến còn được xây dựng mới 4 cầu, trong đó cầu La Ngà lớn nhất với chiều dài 330 m.

Được biết, mục tiêu của Dự án là nâng cấp hơn 123 km Quốc lộ 20 - tuyến huyết mạch nối TP.HCM với TP. Đà Lạt để đạt tiêu chuẩn đường cấp III, quy mô 2 làn xe, rộng 12 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, nhằm nâng cao năng lực khai thác, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển về các cảng biển nước sâu các sản phẩm nhôm và phát triển ngành công nghiệp nhôm tại 2 tổ hợp bauxite Tân Rai và Nhân Cơ.

Điểm đặc biệt tại công trình này là, bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư trị giá 601 tỷ đồng, một lượng vốn rất lớn còn lại được doanh nghiệp dự án vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế do Ngân hàng Goldman Sachs (Hoa Kỳ) làm đại diện.

Trên thực tế, cho tới thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, Dự án đã cơ bản hoàn thành việc thi công trên thực địa (ngày 15/9/2015), vượt tiến độ 7 tháng. Riêng 2 hạng mục bổ sung là cầu vượt nút Dầu Giây và tuyến tránh Bảo Lộc đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư để khởi công vào quý I/2016.

Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, những tồn tại, sai sót tại dự án này là khá nhiều, xuất hiện tại hầu hết các khâu, như chuẩn bị đầu tư, huy động vốn, đấu thầu, thanh quyết toán các khối lượng hoàn thành…, nên cần sớm được chỉnh sửa trước khi tiến hành quyết toán công trình.

Sai sót dặm khắp

Sai sót lớn đầu tiên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tại Thông báo kết quả kiểm toán số 65/TV-KTNN ngày 25/1/2016 nằm ở khâu chấp hành trình tự, thủ tục đầu tư.

Cụ thể, công tác đo bóc khối lượng mặt đường làm khái toán có sai sót dẫn tới chi phí xây dựng tăng thêm khoảng 30 tỷ đồng; việc lập, thẩm định và phê duyệt dự toán tại Dự án còn một số tồn tại về định mức, đơn giá, khối lượng so với quy định, tương ứng với giá trị dự toán giảm 25,7 tỷ đồng. Trách nhiệm này được Kiểm toán Nhà nước quy cho đơn vị tư vấn lập dự toán (Liên danh Công ty Tư vấn khảo sát thiết kế xây dựng Bộ Quốc phòng - Công ty cổ phần Xây dựng công trình 625 và Công ty Xây dựng công trình giao thông phía Nam); tư vấn lập dự toán là liên danh Công ty TNHH MTV Tư vấn và Khảo sát thiết kế xây dựng - Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải 4 - Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình giao thông 7; đơn vị thẩm định dự toán là Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải).

Bên cạnh đó, trong quá trình nghiệm thu thanh toán, dù được “soi” bởi lực lượng đông đảo của tư vấn giám sát, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng các bên liên quan vẫn nghiệm thu sai khối lượng, định mức và đơn giá thanh toán vẫn áp dụng theo dự toán được duyệt, dẫn tới sai lệch về chi phí với số tiền lên tới 46,1 tỷ đồng.

Sai sót lớn tiếp theo tại Dự án liên quan tới công tác quản lý tài chính, kế toán. Theo Kiểm toán Nhà nước, việc huy động vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư không đảm bảo quy định của hợp đồng BT. Cho đến ngày 30/6/2015 - tức là trước thời điểm thông xe công trình 3 tháng, các nhà đầu tư còn dây dưa thiếu tới 136,1 tỷ đồng vốn chủ sơ hữu. Phải đến hết ngày 13/11/2015, Tổ hợp nhà đầu tư CIMP Cửu Long - Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FICO) - Công ty Đông Mê Kông - Công ty cổ phần Việt Ren mới đóng đủ toàn bộ 601 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

“Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông - Vận tải) phải rút kinh nghiệm trong thực hiện chức năng giám sát vì để nhà đầu tư không huy động vốn chủ sở hữu theo đúng tiến độ dự kiến trong phương án tài chính của hợp đồng”, ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng kiểm toán Nhà nước yêu cầu.

Một điều khá hy hữu tại Dự án BT Quốc lộ 20 là, trong quá trình xây dựng phương án tài chính, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư được ấn định ở mức 12% trên phần vốn chủ sở hữu, trong khi tham số quan trọng này chưa được đề cập chính thức trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào. Liên quan vấn đề này, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư, tránh tình trạng các bên liên quan tại các dự án BOT, BT phải tự tham khảo mức lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tương ứng để rồi rơi vào những rủi ro pháp lý không đáng có.

Tin liên quan
Tin khác