TIN LIÊN QUAN | |
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật trưng cầu ý dân | |
5 phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội | |
5 dấu ấn của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII |
Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, có nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ ngay trong luật chứ không nên quy định có “số lượng thích đáng” như hiện nay.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, quy định cụ thể cơ cấu, thành phần, phân bố đại biểu ngay trong luật là điều khó khả thi. Bởi lẽ, việc dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tùy theo yêu cầu của từng giai đoạn, từng địa phương và đặc biệt là phải đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ.
Thực tiễn cũng cho thấy, tại mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, HĐND, nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương lại có những yêu cầu, đặc điểm khác nhau, từ đó đòi hỏi cơ cấu, thành phần đại biểu của mỗi khoá cũng phải có sự đổi mới để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, HĐND.
Việc xác định cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, HĐND là yêu cầu khách quan, cần thiết nhằm bảo đảm chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. Vì vậy, theo ông Lý, nên trình Quốc hội 2 phương án để lựa chọn.
Cụ thể, là giữ như quy định hiện hành về “số lượng đại biểu thích đáng” là nữ, dân tộc thiểu số; và quy định rõ tỷ lệ tối thiểu đại biểu là nữ, người dân tộc thiểu số (phải bảo đảm tối thiểu là 35% tổng số đại biểu Quốc hội).
Quy định cứng tỷ lệ đại biểu nữ, dân tộc thiếu số trong cơ quan dân cử, theo ông Phùng Quốc Hiển rất khó thực hiện, không khả thi.
“Ngay như Quốc hội khóa XIII, chúng ta cũng quy định số lượng đại biểu nữ tối thiểu là 35%, nhưng thực tế không đạt được. Mặc dù vậy, Quốc hội vẫn không vi phạm pháp luật vì tỷ lệ 35% được quy định dưới luật. Ngược lại, nếu bây giờ mà luật quy định tỷ lệ này là 35%, trong trường hợp số lượng đại biểu nữ không bảo đảm đúng tỷ lệ thì vi phạm luật. Vậy trường hợp này xả ra thì xử lý thế nào?”, ông Hiển đặt câu hỏi.
Theo ông Hiển, việc quy định cụ thể cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng đại biểu ở trong luật sẽ gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, nếu kết quả bầu cử không bảo đảm được đúng tỷ lệ như đã quy định trong luật sẽ không có cơ chế để xử lý. Vấn đề cơ cấu, thành phần, phân bổ đại biểu nên hướng dẫn cụ thể trong các đề án về tổ chức bầu cử, chuẩn bị nhân sự giới thiệu ra ứng cử đại biểu và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức bầu cử để bảo đảm sự linh hoạt cho mỗi kỳ bầu cử.
“Không nên quy định tỷ lệ đại biểu cứng trong luật vì rất khó có cơ chế xử lý. Nếu quy định cứng cũng không nên quy định trong luật mà quy định bằng văn bản dưới luật tại từng cuộc bầu cử cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước cũng như từng địa phương”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ quan điểm đồng tình.
Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được sự đồng tình của bà Trương Thị Mai (Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) và ông Ksor Phước (Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội).
Thừa nhận sẽ có nhiều vấn đề phát sinh rất khó xử lý nếu tỷ lệ đại biểu dân cử là nữ và người dân tộc thiểu số trong trường hợp kết quả bầu cử không bảo đảm, nhưng bà Mai cho rằng, hoàn toàn có thể bảo đảm đúng tỷ lệ đại biểu dân cử là nữ nếu luật quy định.
“Nếu chúng ta muốn có nhiều nữ giới và người dân tộc thiểu số tham gia vào Quốc hội và cơ quan dân cử ở địa phương thì chúng ta quy định trong khâu lựa chọn người ra ứng cử phải bảo đảm tối thiểu bao nhiêu ứng cử viên là nữ và dân tộc ít người.
“Giới thiệu ai là quyền của chúng ta, còn bầu ai là quyền của cử tri. Nếu chúng ta giới thiệu được nhiều ứng viên là nữ và dân tộc ít người có đủ điều kiện thì cử tri sẽ lựa chọn được người thích hợp nhất tham gia vào cơ quan dân cử”, bà Mai phát biểu.
Trong khi đó, ông Ksor Phước kiên quyết phải quy định tỷ lệ cứng đại biểu là nữ và dân tộc ít người trong Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.
“Theo tôi được biết, Luật Bầu cử của Đức họ thiết kế rất khoa học để bảo đảm không đảng nào nắm trên 50% số ghế trong Quốc hội, muốn cầm quyền thì đảng nắm đa số ghế phải liên minh với các đảng. Chúng ta cũng nên nghiên cứu kỹ Luật Bầu cử của Đức để vừa bảo đảm bầu cử dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm lựa chọn được những người đủ tâm, đủ tầm tham gia vào cơ quan dân cử, đặc biệt là cơ quan quyền lực cao nhất - Quốc hội”, ông Phước kiến nghị.
Mạnh Bôn