Thời sự
UKVFTA thực sự trở thành con đường cao tốc hai chiều
Thanh Tùng thực hiện - 20/04/2022 08:46
Kể từ khi có hiệu lực đầu năm 2021, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã giúp hai nước tăng cường đáng kể hợp tác thương mại và đầu tư.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh trao đổi với Báo Đầu tư về những cơ hội và thách thức từ hiệp định này.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh

Ông đánh giá như thế nào về tác động của UKVFTA đối với hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Vương quốc Anh sau hơn một năm hiệp định này có hiệu lực?

UKVFTA đã trở thành đòn bẩy rất lớn cho hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Vương quốc Anh. Thương mại song phương năm 2021 đã trở lại mức 6,6 tỷ USD sau khi bị giảm sút đáng kể trong năm 2019 và 2020, trong đó xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam sang Anh tăng trưởng rất cao, như nông sản tăng 67%, hạt tiêu tăng 49%...; nhập khẩu cũng có kết quả tích cực khi tăng 23,6%.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2021, đã có 48 dự án đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký cấp mới hơn 353 triệu USD, tăng 157% so với năm 2020, đưa mức đầu tư trực tiếp của Vương quốc Anh vào Việt Nam đạt 4 tỷ USD. Vương quốc Anh đang nằm trong nhóm 15 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. 

Những con số trên cho thấy, UKVFTA thực sự trở thành con đường cao tốc hai chiều giúp thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư song phương theo hướng ngày càng cân bằng hơn. Điều đó cho phép chúng ta lạc quan vào tác động tích cực của UKVFTA đối với cả Việt Nam và Vương quốc Anh.

Có được kết quả trên là do việc chuẩn bị của Việt Nam rất kỹ, rõ nhất là chiến lược tổng thể để thực thi Hiệp định, từ mua sắm Chính phủ, phòng vệ thương mại, thuế... đều được ban hành sớm.

Ông có thể chỉ rõ hơn những cơ hội với doanh nghiệp Việt Nam từ UKVFTA?

Kinh tế Anh sẽ phục hồi nhanh sau đại dịch và sau khi Chính phủ Anh dỡ bỏ các quy định hạn chế đi lại từ ngày 18/3/2022. Nhu cầu hàng tiêu dùng tại Anh gia tăng sẽ tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính để doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi hơn.

Với UKVFTA, nhiều chủng loại hàng hóa của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều ưu đãi tích cực. Theo đó, thuế nhập khẩu vào Vương quốc Anh sẽ được xóa bỏ đến 99,2% trong vòng 6 năm, tạo thuận lợi rất to lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong UKVFTA, Vương quốc Anh cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, miễn thuế một số lượng hàng hóa bổ sung đối với 14 mặt hàng, trong đó có mặt hàng gạo. Đồng thời, 36 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại Vương quốc Anh, gồm những sản phẩm nổi tiếng như: cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc…), giúp những sản phẩm này thâm nhập sâu hơn vào thị trường Anh.

Khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, những mặt hàng nào của Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh được hưởng lợi ngay lập tức từ việc giảm thuế? Các doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội này như thế nào, thưa ông?

Các mặt hàng được miễn thuế không hạn ngạch ngay lập tức gồm cà phê, chôm chôm, xoài, vải nhãn, thanh long, dừa, dưa... Các sản phẩm tôm, cá ngừ, cá xay, gạo thơm, tinh bột sắn và một số nông sản khác cũng được miễn thuế theo hạn ngạch. Tuy nhiên, việc xuất khẩu những mặt hang này từ Việt Nam sang Anh vẫn bị hạn chế vì khoảng cách địa lý xa xôi và cước tàu biển đang neo ở mức rất cao kể từ đầu năm 2021.

Các sản phẩm công nghiệp được miễn thuế ngay gồm túi xách, ví, cặp, vali, giày bảo hộ và giày thể thao, hàng dệt may là đồ lót, áo choàng tắm, quần áo ngủ, đồ mặc trong nhà, đồ bơi, khăn tay, khăn choàng và cavat (trừ loại tơ tằm), găng tay, quần tất, quần áo trẻ em, áo blouse hoặc sơ mi dệt kim dành cho nữ hoặc trẻ em gái.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được ngay những ưu đãi thuế quan để gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có sẵn bạn hàng vẫn còn nhiều bỡ ngỡ trước thị trường mới. Cả năm 2021, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 5.000 tấn gạo thơm sang Anh - rất ít so với nhu cầu của nhà nhập khẩu Anh và khả năng của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Ông nhận thấy các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam đã gặp phải những thách thức gì và họ cần phải vượt qua chúng như thế nào?

Tôi biết có những doanh nghiệp Anh chấp nhận mua hàng Việt Nam qua thương nhân Hà Lan, Bỉ, Pháp, Singapore hay Hồng Kông dựa trên sự tín nhiệm lâu dài và khả năng quản lý chuỗi cung ứng hay quản lý rủi ro của bạn hàng. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội bán hàng trực tiếp cho các nhà phân phối Anh nếu xây dựng được niềm tin nơi bạn hàng và thể hiện được khả năng quản lý các vấn đề nêu trên.

Thách thức thứ hai là khó khăn trong việc tham gia các hội chợ tại Anh để tìm kiếm khách hàng vì chi phí lớn. Để vượt qua khó khăn này, các doanh nghiệp Việt Nam cần sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại. Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng có thể tư vấn chọn hội chợ và có giải pháp giảm thiểu chi phí tham dự hội chợ cho doanh nghiệp.

Thủ tục hành chính cũng là một thách thức với doanh nghiệp. Đơn cử, quy trình xin cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo tại Việt Nam và xin cấp giấy phép nhập khẩu gạo tại Anh còn chưa thực sự kịp thời và thuận lợi như kỳ vọng của doanh nghiệp hai nước.

Một số doanh nghiệp Anh ngần ngại khi mua gạo Việt Nam, vì lo doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không gửi kịp các loại giấy chứng nhận cần thiết trước khi tàu cập cảng.

Ngoài ra, cước vận tải đường biển có thể tiếp tục tăng cao do giá dầu tăng vọt kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022. Trong tương lai, doanh nghiệp còn có thể gặp thách thức từ các quy định pháp luật liên quan đến yêu cầu sản xuất và tiêu dùng bền vững hay bảo vệ rừng. Các ngành sản xuất làm gia tăng tình trạng phá rừng hay gia tăng khí thải CO2 có thể gặp rào cản kỹ thuật khi tiếp cận thị trường Anh.

Để tận dụng được ưu đãi từ UKVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì?

Các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu chất lượng và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn EU hoặc tiêu chuẩn Anh. Cục Xúc tiến thương mại, các hiệp hội ngành nghề có thể phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Anh và Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) để phổ biến các tiêu chuẩn cần thiết cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh từ việc học hỏi các đối thủ của mình thông qua các website của họ hoặc thông qua các nền tảng thương mại điện tử lớn như www.amazon.co.uk hay www.alibaba.com hay www.made-in-china.com.

Thương vụ Việt Nam tại Anh đã và sẽ tiếp tục tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ thương mại tại Anh để quảng bá sản phẩm và thiết lập quan hệ bạn hàng với các doanh nghiệp Anh, đồng thời phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tổ chức các chương trình tư vấn tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp Anh.

Tin liên quan
Tin khác