Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 được triển khai trên quy mô toàn quốc |
Tiêm vắc-xin thần tốc, diện rộng
Bài học từ các nước như Mỹ, Anh, Israel, Trung Quốc, Ấn Độ… cho thấy, chỉ có tiêm vắc-xin đồng loạt, xét nghiệm nhanh, giãn cách nghiêm ngặt mới có thể đẩy lùi và thoát khỏi đại dịch Covid-19. Trong đó, mấu chốt nhất là tổ chức tiêm vắc-xin nhanh chóng, diện rộng.
Điểm chung quyết định thành công trong việc tiêm vắc-xin thần tốc diện rộng ở các quốc gia nói trên là ứng dụng công nghệ. Điển hình là tại Israel, quá trình tiêm chủng được số hóa tuyệt đối, các dữ liệu được tổng hợp ở cấp độ quốc gia. Người dân dùng ứng dụng do nhà cung cấp bảo hiểm y tế ban hành để đặt lịch hẹn tiêm vắc-xin. Tại nơi tiêm, y tá nhập dữ liệu của người được tiêm vắc-xin vào ứng dụng trên điện thoại thông minh, sử dụng xác thực hai yếu tố để tránh vi phạm quyền riêng tư. Khi tiêm vắc-xin xong và trở về nhà, người dân được gửi bản khảo sát trực tuyến về tác dụng phụ…
Tại Việt Nam, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực, khẩn trương đàm phán, làm việc với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất và đã có khoảng 110 triệu liều vắc-xin được cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX Facility để mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc-xin theo cơ chế chia sẻ chi phí.
Việt Nam sẽ bước vào đợt tiêm vắc-xin lớn nhất trong lịch sử. Để tiêm vắc-xin nhanh, diện rộng hiệu quả và an toàn, không thể không áp dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ kết hợp với tuyên truyền, huy động tổng lực cả đất nước.
Công nghệ đồng hành
TP.HCM là một trong những địa điểm thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin thần tốc này, bắt đầu từ ngày 21/6 với 836.000 liều vắc-xin. Hơn 1.000 đội tiêm với trên 5.000 nhân viên y tế tham gia chiến dịch, tại các điểm tiêm chủng ở các bệnh viện, trung tâm y tế và điểm tiêm chủng lưu động.
Theo ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Thành phố đã lên kế hoạch khoa học, đảm bảo giãn cách, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào quá trình tổ chức chiến dịch. Ngay từ sáng sớm, công nhân tại Khu công nghệ cao TP.HCM đã nhận được tin nhắn của Sở Y tế TP.HCM mời đi tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 với khung giờ và địa chỉ tiêm rõ ràng. Ngoài ra, trên nội dung tin nhắn, Sở Y tế TP.HCM còn nhắc người đi tiêm khai báo y tế điện tử trước khi đến điểm tiêm trong vòng 24 giờ, kèm đường link để khai báo.
Người đến tiêm chủng được hướng dẫn tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử vào thiết bị di động để tự cập nhật phản ứng sau tiêm trong 72 giờ tiếp theo, xem kết quả tiêm và làm tiền đề cho “hộ chiếu vắc-xin” về sau.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, một trong những điểm đặc biệt của chiến dịch này là việc ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, sẽ hình thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, công khai thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều vắc-xin được sử dụng… Mọi thông tin về tiêm chủng phải thể hiện trên hệ thống điều hành tiêm chủng online và đều được kiểm soát.
Để làm được điều này, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, phải đẩy nhanh áp dụng Sổ sức khỏe điện tử, đăng ký tiêm chủng qua app, tin nhắn. “Như vậy, sẽ tiến đến quản lý hồ sơ ‘hộ chiếu vắc-xin’ dễ dàng. Sau tiêm, hệ thống sẽ nhắc 2 giờ/lần để theo dõi phản ứng sau tiêm. Đối với những người không dùng điện thoại thông minh, sẽ có tổng đài nhắn những thông tin cụ thể”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin thêm.
Một điểm mới nữa của chiến dịch tiêm chủng lần này là việc tổ chức tiêm tại các điểm tiêm chủng sẽ được kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống điều hành tiêm chủng online, thay vì giao các đơn vị quản lý như trước đây. Khoảng 15.000 điểm tiêm chủng đã có nhân lực, tài khoản sẽ cập nhật và đưa lên bản đồ tiêm chủng, công khai với toàn dân về quy trình tiêm chủng, số liều vắc-xin đã sử dụng, số người được tiêm…
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viettel triển khai nền tảng quản lý công tác tiêm chủng và ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.
Đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia cho biết, việc ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng vắc-xin sẽ thúc đẩy “hộ chiếu vắc-xin”. Sau hệ thống quản lý tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, Việt Nam sẽ sớm có hệ thống cung cấp chứng nhận vắc-xin điện tử.
Mới đây, tại cuộc làm việc với Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, cần nhanh chóng xây dựng các nền tảng ứng dụng công nghệ truy vết F0, F1; có bộ đo việc sử dụng của các nhân viên truy vết. Đồng thời, cần khẩn trương đưa vào sử dụng chứng nhận tiêm vắc-xin Covid-19 điện tử và sử dụng công nghệ để phát hiện chứng nhận giả; xây dựng ngay phần mềm nhập cảnh, hệ thống báo cáo tự động toàn quốc.
“Cần đặc biệt chú trọng việc đưa thông tin đã tiêm vắc-xin vào hồ sơ sức khoẻ điện tử của từng người dân. Phải coi Covid-19 là một cơ hội hiếm có để ngành y tế cập nhật đầy đủ thông tin cho hồ sơ sức khỏe điện tử của gần 100 triệu người dân Việt Nam. Khi hệ thống cơ sở dữ liệu này được kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành y tế sẽ có một kho dữ liệu sức khỏe người dân khổng lồ, từ đó sử dụng công nghệ AI phân tích, sẽ có được những thông tin quý giá để hoạch định chính sách y tế, chính sách về dược phẩm cũng như các chính sách khám, chữa bệnh, tiến tới chuyển đổi số thành công trong ngành y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khuyến nghị.
“Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng Covid-19. Muốn có miễn dịch cộng đồng, việc quan trọng là phải tiêm vắc-xin cho ít nhất 70% dân số. Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng, báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ về việc mua 150 triệu liều vắc-xin và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc để làm sao đảm bảo khoảng 70 triệu người dân tiếp cận được vắc-xin”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long