Ông Bae Jeong In, CEO Công ty phát triển game thực tế ảo Fingo Soft cho rằng, giống như Trung Quốc, thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn cho các game thực tế ảo, bởi quy mô dân số lớn (gần 100 triệu dân) và cơ cấu dân số trẻ. |
Những yếu tố “vàng”
Liên tiếp những cái bắt tay chặt, 6 start-up công nghệ thực tế ảo của Hàn Quốc đã có ngày làm việc vất vả tại cuộc gặp kết nối giao thương doanh nghiệp ngành game và công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc năm 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Chỉ trong sáng 23/10, đã có 3 start-up thực tế ảo của Hàn Quốc ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với các đối tác Việt Nam ngay tại cuộc gặp. Doanh nghiệp Hàn Quốc đã thấy được cơ hội lớn từ thị trường ứng dụng công nghệ thực tế ảo còn rất sơ khai ở Việt Nam.
Ông Bae Jeong In, CEO Công ty phát triển game thực tế ảo Fingo Soft cho rằng, giống như Trung Quốc, thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn cho các game thực tế ảo, bởi quy mô dân số lớn (gần 100 triệu dân) và cơ cấu dân số trẻ.
Còn ông Min Wook Kim, CEO của Hebronstar (Hàn Quốc) - công ty chuyên tư vấn chiến lược và gây quỹ cho các start-up nhận định, phát triển ứng dụng thực tế ảo tại Việt Nam đang đứng trước những cơ hội tốt nhờ lợi thế về đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin (IT) có trình độ và chi phí tiền lương còn thấp. Tiền lương bình quân của các kỹ sư IT Việt Nam khoảng từ 20.000 - 30.000 USD/năm, trong khi còn số này tại Hàn Quốc là 100.000 USD.
“Riêng đối với mảng game, đây là thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp Hàn Quốc. Nhiều thiết bị game thực tế ảo của Việt Nam được nhập từ Trung Quốc, tuy có lợi thế giá rẻ, nhưng đang bộc lộ điểm yếu về chất lượng sản phẩm, nhất là phần mềm. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp Hàn Quốc chen chân vào thị trường, bằng việc cung cấp những phần mềm cạnh tranh về chất lượng”, ông Kim nhận định.
Không chỉ game, các lĩnh vực như phát triển nhà máy thông minh, dịch vụ y tế và đào tạo cũng được các start-up thực tế ảo Hàn Quốc nhắm đến.
Vẫn… chờ xem người khác
Lợi ích của việc ứng dụng thực tế ảo vào hoạt động của tổ chức và doanh nghiệp rất lớn. Đơn cử, trong đào tạo hàng không, để đưa các học viên ra vận hành thực tế các ống lồng (giá hàng triệu USD/chiếc) tại sân bay là điều khó khăn, tốn kém. Thay vào đó, người ta thiết kế và cung cấp giải pháp điều khiển ống lồng sân bay gồm cả phần cứng (bàn điều khiển điện tử và kính thực tế ảo) và phần mềm vận hành, chỉ với giá 10.000 USD.
Tại Việt Nam, phát triển và vận dụng các ứng dụng thực tế ảo còn rất “hẻo”. Có thể thấy rõ điều này khi số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực tế ảo chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tại Mỹ và châu Âu, VR là một công nghệ mũi nhọn nhờ khả năng ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực (nghiên cứu, công nghiệp, giáo dục, đào tạo, thương mại, giải trí...) và tiềm năng kinh tế của nó.
Ông Min Wook Kim cho biết, các doanh nghiệp thực tế ảo Hàn Quốc phải đối mặt với 3 thách thức lớn khi thâm nhập thị trường Việt Nam.
Thứ nhất, là mức độ đón nhận đối với các ứng dụng công nghệ thực tế ảo còn thấp.
Thứ hai, là ngôn ngữ. Ngoài ngôn ngữ chung cho phần mềm thực tế ảo là tiếng Anh, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ phải thiết kế phần mềm có kèm ngôn ngữ tiếng Việt.
Thứ ba, các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng phải đối mặt với thủ tục phức tạp trong thành lập và đưa văn phòng đại diện hay doanh nghiệp vào hoạt động tại Việt Nam. “Hebronstar mất tới 6 tháng để hoàn tất thủ tục thành lập công ty con tại Việt Nam”, ông Kim dẫn chứng.
Chia sẻ sau lễ ký MoU với Công ty TNHH Human IT Solutions (Hàn Quốc), ông Vũ Tuấn Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển công nghệ thực tế ảo Việt Nam cho rằng, có rất nhiều tiềm năng hợp tác với đối tác Hàn Quốc để phát triển các ứng dụng công nghệ thực tế ảo cho thị trường Việt Nam, thậm chí cho thị trường nước ngoài.
Ông Việt thông tin thêm, việc dùng thực tế ảo để đào tạo rất phổ biến trên thế giới, điển hình như Mỹ dùng kính thực tế ảo trong huấn luyện quân sự. Tại Việt Nam, ứng dụng thực tế ảo chủ yếu rơi vào một số lĩnh vực như game, phim ảnh, giải trí và mới dừng ở mức độ “show hàng”.
“Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước không thiếu tiền, nhưng mới chỉ hỏi dò và chưa dám chi mạnh tay vào khâu này, mà ai cũng đợi người tiên phong ứng dụng và xem lợi ích kinh tế ra sao mới làm”, ông Vũ Tuấn Việt nói.