Chiều ngày 5/9, ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3.
Ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh BTB |
Theo báo cáo, tính đến 10 giờ ngày 5/9, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có tổng số 995 tàu, thuyền với 2.950 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó, có 223 phương tiện với 453 lao động đang hoạt động ven biển Thái Bình; 19 phương tiện với 139 lao động hoạt động ngoài tỉnh; 706 phương tiện với 2.007 lao động đã vào neo đậu tại các bến trong tỉnh; 47 phương tiện với 261 lao động đã vào neo đậu tại các bến ngoài tỉnh. Đã thông báo tới toàn bộ tàu thuyền và hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn.
Toàn tỉnh hiện có 1.170 chòi canh ngao, ao, đầm vùng nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển với 1.254 lao động. Có gần 1.130 đầm và hơn 1.600 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven biển ở các huyện Tiền Hải, Thái Thụy cần di dời trước khi bão vào. Toàn tỉnh hiện có 7.731 hộ với 18.639 người sống trong nhà yếu cần có phương án di dời. đến ngày 5/9, diện tích lúa mùa toàn tỉnh gieo cấy 74.327 ha. Diện tích lúa mùa đã trỗ bông khoảng 25.000 ha đạt 35% diện tích lúa mùa đã gieo cấy. Diện tích cây màu hè thu đã thu hoạch khoảng 5.000 ha đạt 58% diện tích cây màu hè thu đã trồng.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, ông Nguyễn Khắc Thận Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố quán triệt, thực hiện nghiêm thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương và của tỉnh về ứng phó với bão. Không được lơ là, chủ quan tập trung cao độ thực hiện công tác phòng chống bão số 3.
Các cơ quan tập trung cao độ làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền lưu động thông tin tình hình, diễn biến và cấp độ của bão ở từng thời điểm; cập nhật các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và công tác phòng, chống bão ở các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình tàu, thuyền, ngư dân hoạt động trên biển, trên sông. |
Người đứng đầu UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương dừng các hoạt động hội họp không cần thiết để tập trung cho công tác phòng, chống thiên tai ứng phó với tác động của bão. Đồng thời, vận hành ngay cơ chế hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Các thành viên Ban các cấp phải chủ động bám sát cơ sở, địa phương, đơn vị đã được phân công để kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc trong phòng, chống bão.
Các huyện, thành phố chủ động bố trí địa điểm kiên cố, lên phương án di chuyển người dân ở nơi không bảo đảm an toàn đến nơi an toàn. Khẩn trương kiểm tra, rà soát, lên phương án phân công nhiệm vụ hỗ trợ chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh xá, bến cảng, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, lồng, bè, trang trại... trên bãi sông, ven sông, trên sông, ven biển để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản đặc biệt ở hai huyện ven biển; cắt tỉa cây lớn để bảo đảm an toàn trong trường hợp bão đổ bộ.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh báo cáo tình hình triển khai ứng phó với bão số 3. |
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy thực hiện nghiêm việc cấm biển từ 5 giờ sáng ngày 6/9; nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại nơi neo đậu, không để va chạm, vỡ, chìm tàu khi bão đổ bộ; tuyệt đối không cho người dân canh coi tại các chòi ngao, đầm quay trở lại chòi, đầm trong thời điểm này, nếu phát hiện phải khẩn trương di dời và có thể sử dụng biện pháp cưỡng chế nếu cần thiết…
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố triển khai phương án phòng, chống bão đến các cơ quan, đơn vị, các trường học, bệnh viện trên địa bàn. Có phương án, kịch bản bảo đảm an toàn các trọng điểm xung yếu; an toàn hệ thống đê điều, công trình giao thông, xây dựng, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo phương án “4 tại chỗ”. Duy trì nghiêm chế độ trực bão, bảo đảm đủ lực lượng ứng phó hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra.
Đồng thời giao nhiệm vụ và phân công công việc cụ thể cho các đơn vị, địa phương. Trên cơ sở các nhiệm vụ, công việc được giao, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai ngay, thực hiện động bộ các biện pháp ứng phó hiệu quả với cơn bão số 3 với mục tiêu không để xảy ra thiệt hại về người và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản…