Doanh nghiệp còn đối mặt nhiều khó khăn trước diễn biến phức tạp của Covid-19. Ảnh: Đức Thanh |
“Sống chung” với sự bất định
Trong ấn bản bổ sung thường kỳ của Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2021, được công bố cách đây ít ngày, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo của mình về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2021 của khu vực Đông Nam Á xuống còn 3%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Tính chung ở cả khu vực châu Á, tốc độ tăng trưởng dự kiến trong năm nay cũng giảm 0,1 điểm phần trăm, xuống 7%.
Theo phân tích của ADB, các đợt bùng phát mới trong quý III/2021 đã khiến tăng trưởng GDP của khu vực châu Á bị chững lại. Thêm vào đó, sự xuất hiện của biến chủng Omicron đang dẫn đến tình trạng bất định mới.
Với riêng Việt Nam, ADB thậm chí còn hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 từ mức 3,8% đưa ra hồi tháng 9, xuống chỉ còn 2%. Định chế tài chính này cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã gặp nhiều biến động trong quý III, sau cuộc chiến chống lại biến chủng Delta. Trong khi đó, triển vọng phục hồi trong quý IV lại đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lao động ở nhiều địa bàn trọng điểm, cũng như giải ngân đầu tư công đang chậm lại.
Trên thực tế, ADB không phải là đơn vị duy nhất đưa ra dự báo thấp như vậy về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021. Hồi tháng 10/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống chỉ còn 2-2,5%.
Tuy vậy, khi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 12/2021, WB vẫn có những đánh giá tích cực về xu hướng hồi phục của kinh tế Việt Nam. Dẫn các số liệu về Chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) - tháng 11 đạt 52,2 điểm, cao hơn ngưỡng trung tính 50,0 điểm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2%; số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 45%; tín dụng cho nền kinh tế đang tăng; thu hút đầu tư nước ngoài cũng tăng trong tháng 11, WB cho rằng, kinh tế Việt Nam “đang được cải thiện”.
Xu hướng tích cực của nền kinh tế là có thật. Tuy nhiên, chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thừa nhận rằng, kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Một trong số đó là tốc độ tăng trưởng chậm lại, khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Đây là một thách thức đối với việc khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, hoạt động bán lẻ tiếp tục suy giảm, hoạt động của khu vực doanh nghiệp còn nhiều khó khăn…
Các số liệu thống kê chính thức về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 phải tới cuối tháng 12 mới được công bố. Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế, khả năng để nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng 3-3,5% như dự báo trước đó là không dễ dàng. Để đạt được con số cao nhất có thể, còn phụ thuộc vào nỗ lực trong những ngày tháng cuối cùng của năm.
Tìm giải pháp thích ứng
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra dự báo rằng, chủng virus Omicron đang lây lan với tốc độ “chưa từng thấy”. Đây rõ ràng là một nguy cơ lớn cho không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới. Có lẽ, đó cũng là lý do ADB đã gọi sự xuất hiện của biến thể Omicron là một “yếu tố bất định mới”.
“Những nỗ lực phục hồi gần đây sẽ phải tính đến các diễn biến này”, quyền chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Joseph Zveglich, Jr. cho biết.
Nhưng kinh nghiệm của 2 năm chống Covid-19 cho thấy, không thể né tránh, mà buộc phải thích ứng linh hoạt, phải “sống chung” với các yếu tố bất định đó.
Điểm tích cực là, các dự báo của các tổ chức quốc tế vẫn có cái nhìn khá lạc quan về sự hồi phục của kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Ngay cả ADB, mặc dù hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022, nhưng vẫn giữ nguyên mức 6,5% cho năm 2021. Điều này đến từ việc Việt Nam đang mở rộng phạm vi tiêm chủng và điều đó có thể giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP.
Trong khi đó, Ngân hàng HSBC dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể lấy lại được nhịp độ tăng trưởng GDP ở mức 6,8% của năm 2020, với động lực chủ yếu đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy vậy, HSBC cho rằng, thách thức đối với Việt Nam trong năm 2022 tiếp tục là diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19. Theo ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, mặc dù số ca nhiễm mới của Việt Nam đã giảm mạnh so với đỉnh dịch hồi tháng 8/2021, nhưng con số này đang có dấu hiệu tăng trở lại. Điều này có thể làm trì hoãn thời điểm thực sự mở cửa ngành du lịch, qua đó ảnh hưởng đến tiến độ khôi phục của cả nền kinh tế trong năm tới.
Xem ra, để thích ứng và nhanh chóng phục hồi kinh tế, giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất vẫn là phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh. Đây cũng là giải pháp đầu tiên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, mà Bộ đang hoàn thiện.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc tiếp tục đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin, thì các biện pháp xét nghiệm và cách ly y tế vẫn có vai trò quan trọng để tránh dẫn đến một làn sóng lây nhiễm mới, ảnh hưởng đến sinh mạng và buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới.
Để phục hồi kinh tế, WB đã khuyến nghị Việt Nam cần hỗ trợ thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân để giúp khôi phục kinh tế trong nước và đóng góp cho tăng trưởng. Các biện pháp mà WB đề xuất là hỗ trợ tài chính cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, theo WB, Chính phủ cũng có thể cân nhắc các biện pháp về ngân sách để hỗ trợ tổng cầu trong nước.
“Đó có thể là giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 để hỗ trợ tiêu dùng tư nhân”, WB khuyến nghị.
Trong các cuộc thảo luận gần đây, các tổ chức như ADB, WB, cũng như các chuyên gia kinh tế cũng đã đề xuất các gói hỗ trợ bằng chính sách tài khóa và tiền tệ trị giá 5-7% GDP để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.