Doanh nghiệp
Unifarm - kẻ chơi sang trong nông nghiệp
Hồng Phúc - 05/09/2017 07:51
Việc chính thức trở thành đối tác độc quyền của Tập đoàn Dole với danh tiếng 166 năm tuổi tại Việt Nam đã đưa Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) vào tầm ngắm của thị trường.

Mối lương duyên với chuối

Giữa tháng 7/2017, ông Mai Hữu Tín đăng tải thông tin về việc Dole chọn Unifarm là đối tác độc quyền tại Việt Nam trên trang cá nhân. Cụ thể, Unifarm sẽ là nhà cung ứng các sản phẩm cho Dole để xuất khẩu đến các thị trường khác. Còn tại Việt Nam, Unifarm trở thành đơn vị phân phối độc quyền cho Dole. Thông tin trên khiến nhiều người bất ngờ.

Có thể nói, Unifarm là dự án tâm huyết của ông Mai Hữu Tín, sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc U&I Group suốt gần 10 năm qua. Trong giới kinh doanh, đây là một thương hiệu được biết đến, nhất là khi Unifarm bắt đầu khá sớm, vào năm 2009 với mô hình đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng trên báo chí, thương hiệu này có vẻ còn ẩn mình, cho đến khi Unifarm trở thành đối tác độc quyền của Tập đoàn Dole.

Unifarm đặt mục tiêu trồng khoảng 1.000 ha chuối đến năm 2020 để phục vụ các kế hoạch xuất khẩu. Ảnh: Hồng Phúc

Bàn luận về Unifarm không phải là điều ông Tín muốn. Ông vốn kiệm lời trước báo chí, kể cả khi trở thành “người hùng” trong nhiều vụ giải cứu đình đám như với Giấy Sài Gòn hay vừa rồi là Gỗ Trường Thành... Nhưng, dù sao thị trường vẫn rất tò mò về mối quan hệ giữa Unifarm với Dole - Tập đoàn 166 năm tuổi.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Tín cho biết, Dole thuộc nhóm công ty lớn nhất thế giới về chuối. Khi bắt tay với Dole, Unifarm được bảo đảm rằng, sản phẩm làm ra đúng chuẩn sẽ được tiêu thụ hết.

“Việc hợp tác giữa Dole và Unifarm xuất phát từ việc cả hai bên hiểu rõ các thế mạnh của nhau; có sự đồng cảm về tính nghiêm túc trong việc đầu tư, tính khốc liệt của thị trường và cam kết đeo đuổi ngành đã chọn để tạo ra những giá trị khác biệt”, ông Mai Hữu Tín nói.

Theo thông tin từ Forbes, Dole là một trong những nhà sản xuất và tiêu thụ lớn nhất thế giới về trái cây và rau quả tươi chất lượng cao với doanh thu 4,5 tỷ USD năm 2016. Dole đứng thứ 89 trong danh sách các công ty tư nhân lớn nhất nước Mỹ.

Có thể thấy, Dole có thương hiệu, có thị trường, có công nghệ, có kinh nghiệm quản trị. Tất cả những yếu tố này nếu tự làm, Unifarm cần rất nhiều thời gian, nhưng hiện Unifarm đang có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, cho ra sản phẩm đạt chuẩn quốc tế.

Các doanh nghiệp trong ngành đều hiểu không dễ để đạt chuẩn trong sản phẩm nông nghiệp. Ví dụ với chuối, theo tiêu chuẩn quốc tế mà Unifarm đang tuân thủ, một nải chuối được gọi là đẹp phải từ 12 quả trở lên, chiều dài quả từ 25 cm, đường kính từ 38-47mm, bề mặt quả hoàn toàn không được có vết trầy xướt do cơ học hay vết chích hút do côn trùng.

“Chúng tôi phải tự xây dựng hệ thống quản lý để sau 8-12 tuần, từ lúc cắt hoa chuối có thể biết thời điểm thu hoạch khác nhau của 400.000 cây trên diện tích 200 ha”, ông Phạm Quốc Liêm, Tổng giám đốc Unifarm nói. Theo ông, chỉ riêng với khâu trồng trọt theo tiêu chuẩn trên, không có nhiều trang trại thực hiện được, nhưng công đoạn phức tạp hơn vẫn ở phía trước, là đoạn sau thu hoạch, tức sơ chế và bảo quản.

Khó khăn nhất vẫn là tìm và đào tạo được người trẻ, tâm huyết với nghề nông, có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với chuyên gia, sẵn sàng dấn thân để cùng phát triển lâu dài với Công ty.

Chuối là loại quả dễ tổn thương bởi các yếu tố cơ học, dễ bị nấm bệnh tấn công, do đó, để bảo quản trái chuối trong khoảng thời gian 2-4 tuần từ lúc thu hoạch đến khi đến thị trường tiêu thụ (xuất khẩu), đòi hỏi toàn bộ khâu thu hoạch và sau thu hoạch phải được kiểm soát chặt chẽ trong môi trường thật sạch sẽ với điều kiện bảo quản (nhiệt độ, ẩm độ) phù hợp.

Đây cũng chính là khâu yếu nhất của những vùng trồng chuối truyền thống hiện nay, dẫn đến chuối trồng ra không đạt phẩm chất cần thiết, bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu. Câu chuyện “giải cứu chuối” tại một số địa phương trong cả nước suốt năm 2017 cũng bắt nguồn từ nguyên nhân này.

Còn tại Unifarm, chuối tiêu thụ vẫn tốt do toàn bộ khâu trồng trọt, bón phân, bảo vệ thực vật và sơ chế được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình của Unifarm và Tiêu chuẩn Global Gap.

Cho tới thời điểm này, ngoài diện tích trồng chuối đã hợp tác với Dole  từ năm 2014, từ đầu năm 2017, Unifarm đã trồng thêm 100 ha chuối tại huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) để đảm bảo đến năm 2020, mục tiêu có 1.000 ha chuối công nghệ cao xuất khẩu, chỉ để cung cấp cho Dole sẽ thành hiện thực.

Nhưng để làm được điều này, Unifarm sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều.

Cuộc chơi tốn kém

Unfarm không chỉ có chuối. Sau vài chục mô hình trồng trọt khảo nghiệm suốt 5 năm, tính từ năm 2010, Unifarm đã chọn 3 loại cây chủ lực để phát triển, gồm chuối, dưa lưới và cây có múi (bưởi, cam, quýt...), kèm theo vài mô hình còn đang khảo nghiệm (nhãn và bơ). Điểm chung của các loại cây được chọn là giá trị cao, có thể nhân rộng và chuyển giao công nghệ được cho nông dân.

Tuy nhiên, theo ông Mai Hữu Tín, quá trình khảo nghiệm nói trên đều chứa những kinh nghiệm quý giá với người quyết định đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nhưng tốn kém. Thậm chí, Unifarm phải trả “học phí” khá lớn khi là đơn vị đầu tiên trong cả nước trồng dưa lưới trong nhà kính ứng dụng công nghệ Israel đạt Tiêu chuẩn Global Gap hồi năm 2010. Toàn bộ nhà kính, thiết bị được nhập từ Israel với giá khoảng 7 tỷ đồng/ha (kể cả chi phí hệ thống điều khiển hoạt động tưới tiêu, bón phân tự động, điều khiển khí hậu trong nhà kính...).

Song, những gì Unifarm đạt được khá tương xứng. Hiện tại, với chuối và dưa lưới, Unifarm tự tin cạnh tranh được ở tầm thế giới. Theo số liệu của Unifarm, 80% sản lượng chuối được tiêu thụ tại thị trường trong nước dưới thương hiệu Unifarm và Dole. Dưa lưới cũng chiếm trên 50% tổng sản lượng đang có tại thị trường Việt Nam.

Thực ra, Unifarm có cơ sở để chơi sang, thậm chí có thể nói là không thiếu vốn để đầu tư vào nông nghiệp. Nguồn lực quan trọng của Unifarm được hỗ trợ từ U&I Group, một tập đoàn với khoảng 50 công ty thành viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như logistics, tài chính, tiếp thị… mà ông Mai Hữu Tín đang quản lý và điều hành. Ông Tín thừa nhận, nông nghiệp đòi hỏi đầu tư lâu dài, càng hiện đại càng cần nhiều vốn, nên sự hỗ trợ của các doanh nghiệp khác trong Tập đoàn đã giúp Unifarm nhiều.

Thời gian tới, khi nhắc đến Unifarm, 2 sản phẩm chính là vẫn là chuối và dưa lưới, có chăng chỉ khác nhau giữa tỷ trọng xuất khẩu và nội địa. Họ tự tin đã đẩy lùi được dưa lưới Trung Quốc tại các hệ thống siêu thị ở Việt Nam. 50% tổng các loại trái cây của Unifarm sẽ dành cho thị trường nội địa (ngoại trừ chuối) bởi tính an toàn với nhu cầu sẵn có cũng như chi phí vận chuyển thấp.

Unifarm cũng tiết lộ, sẽ đầu tư một nhà máy nước ép trái cây nguyên chất để tiêu thụ những sản phẩm “sạch mà không đẹp”. Còn lại, tất cả sản phẩm trái cây tươi của họ, dù là đến thị trường nào, vẫn phải thỏa mãn các tiêu chí “sạch, đẹp và ngon”.

Tuy nhiên, kẻ chơi sang cũng đang gặp khó khăn – đó là nhân lực. Khi mới bắt đầu tư nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn Global Gap, Unifarm đã phải mời một ông chủ trang trại tại Isarel sang làm giám đốc kỹ thuật trong 3 năm, để quản lý và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công ty. Vị này khi đó đang có 30 ha trái cây, rau củ trong nhà kính để xuất đến các nước châu Âu.

“Trong nông nghiệp, khó khăn nhất vẫn là tìm và đào tạo được người trẻ, tâm huyết với nghề nông, có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với chuyên gia, sẵn sàng dấn thân để cùng phát triển lâu dài với Công ty. Để làm được điều đó, ngoài chiến lược về xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, đôi khi còn cần có một chút cơ duyên…”, ông Phạm Quốc Liêm, Tổng giám đốc Unifarm tâm sự.

Có lẽ, việc sở hữu những trang trại sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tốt nhất vẫn chưa đủ với Unifarm. Các bước đi tốn kém của Unifarm vẫn mới là bước chạy đà cho mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Tin liên quan
Tin khác