Ngày 25/6, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tiếp tục có phiên thứ 2 đi lên với mức tăng thêm 6 VND/USD, lên 24.264 VND/USD. Tỷ giá trung tâm leo lên mức cao nhất kể từ ngày 28/5. Các ngân hàng thương mại đồng loạt yết tỷ giá bán ra ở mức kịch biên, cao hơn 5% so với tỷ giá trung tâm (25.477 VND/USD). Tại Vietcombank, tỷ giá đang được niêm yết ở mức 25.257 VND/USD (mua vào) và 25.477 VND/USD (bán ra), tăng 7 VND/USD so với hôm qua. Một số nhà băng như Techcombank, Sacombank đang thu mua USD với giá quanh 25.280 VND/USD.
Trong khi tỷ giá tại các nhà băng chỉ tăng nhẹ. Giá USD tự do đã tăng nhiệt nhiều ngày nay và chính thức cán mốc 26.000 VND/USD ở chiều bán ra. Khảo sát tại một số cửa hàng, giá USD tự do được mua vào ở mức 25.950 đồng và bán ra tại 26.030 đồng.
Nguyên nhân chính do áp lực về đồng USD mạnh trên thị trường quốc tế. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo sức mạnh đồng bạc xanh với rổ 6 tiền tệ mạnh chạm mốc 106 điểm.Trong khi đó, EUR và JPY đều mất giá mạnh về vùng thấp kỷ lục.
Đồng yên Nhật đang ở mức yếu nhất kể từ năm 1986, 160 đổi 1 USD, có thời điểm 160,8 yên Nhật mới đổi được 1 đôal. Ngưỡng trên cũng vượt qua mốc quan trọng mà Chính phủ Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường tiền tệ hồi tháng 4 vừa qua. Tính từ đầu năm đến nay, đồng yên đã mất giá khoảng 13% so với đồng bạc xanh do áp lực từ sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Việc đồng yên nhanh chóng mất giá còn bởi BOJ đã tiếp tục lựa chọn trì hoãn giảm quy mô mua trái phiếu và cho biết họ sẽ đưa ra kế hoạch thu hẹp chương trình mua trái phiếu trên tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 7. Các nhà hoạch định chính sách cũng đang bị chia rẽ về cách thức tiến hành đợt tăng lãi suất tiếp theo.
Nhật Bản thừa nhận rằng họ đã chi 9,8 nghìn tỷ yên (tương đương 61,3 tỷ USD) để can thiệp vào thị trường tiền tệ trong khoảng thời gian kéo dài một tháng từ ngày 26/4 đến ngày 29/5. Dữ liệu dự trữ ngoại hối cho thấy Nhật Bản có thể đã bán ra trái phiếu chính phủ để giúp thực hiện can thiệp thị trường.
Các nhà chức trách Nhật Bản không nêu rõ ngày thực hiện hành động theo mệnh lệnh của chính phủ, nhưng mô hình giao dịch cho thấy có hai đợt can thiệp lớn vào ngày 29/4 và ngày 1/5. Theo ông Tony Sycamore - nhà phân tích thị trường tại IG Australia, rất có khả năng đợt can thiệp tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ xảy ra sau khi tỷ giá USD/JPY kích hoạt các lệnh mua nằm trên mức cao nhất cuối tháng 4 là 160,20 JPY/USD.
Tương tự, đồng euro cũng đang ở mức thấp nhất 2 tháng sau khi ông Olli Rehn - nhà hoạch định chính sách của ECB chỉ ra khả năng thực hiện thêm hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Ngoài ra, dữ liệu mới nhất cho thấy tinh thần kinh doanh và tiêu dùng sụt giảm ở Đức và Pháp.
Trong khi ngân hàng trung ương tại các quốc gia phát triển như ECB, SNB và BOC đã có động thái cắt giảm lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng, sự trái ngược lại thấy rõ tại Mỹ. Nhận xét diều hâu từ Thống đốc Fed Michelle Bowman mới đây và cách tiếp cận thận trọng của Fed đối với việc cắt giảm lãi suất lại càng khiến đồng USD mạnh lên.
Trái với diễn biến nóng trên thị trường ngoại hối, vàng hạ nhiệt nhanh trước sức mạnh của USD và tuột khỏi mốc 2.300 USD/ounce. Hiện giá vàng giao ngay giao dịch tại 2.298 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8/2024 trên sàn Comex New York cũng giảm nhưng giao dịch vẫn hơn 2.309 USD/ounce.
Giá vàng miếng SJC đi ngang 20 ngày liên tiếp với giá bán vàng miếng tại Big4 ngân hàng (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) duy trì tại mức giá 76,98 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái điều chỉnh giá bán trực tiếp.
Bốn ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) đều đang bán vàng thông qua hình thức trực tuyến. Không còn tình trạng người dân xếp hàng dài chờ mua vàng nhưng cũng không dễ mua nếu chậm chân đăng ký do giới hạn số lượng bán ra hàng ngày và giới hạn lượng vàng mỗi người được mua/lần.