| ||
Việc đầu tư theo chuỗi giữa ngân hàng - doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi đặc biệt |
Chiều nay (3/12), Ngân hàng TMCP BIDV và Ngân hàng Shinkin Central Bank phối hợp tổ chức Hội thảo Hợp tác ngân hàng và doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.
Theo ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP BIDV, hiện Nhật Bản là nước viện trợ ODA cũng như đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam.
Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước dự kiến đạt 29 tỷ USD trong năm 2013. Tính đến 30/9, Nhật có 2.103 dự án, DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Xác định được sứ mệnh là một định chế tài chính hàng đầu trong mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, BIDV đã sớm chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác, thúc đẩy FDI Nhật Bản tại Việt Nam.
Thông qua việc ký các thỏa thuận hợp tác với các ngân hàng đối tác Nhật Bản, BIDV tin tưởng và đặt quyết tâm trở thành một định chế tài chính Việt Nam hàng đầu, là địa chỉ tin cậy, điểm đến của các DN Nhật Bản.
Một trong các đối tác ngân hàng Nhật Bản đầu tiên, quan trọng mà BIDV lựa chọn và đặt niềm tin để hiện thực hóa chiến lược phát triển phân khúc khách hàng DN Nhật là Ngân hàng Shinkin Central Bank (SCB). Đây là ngân hàng lớn thứ 6 Nhật Bản và là lớn thứ 80 trên thế giới, có thể coi là Ngân hàng trung ương của 270 TCTD nhân dân của Nhật Bản với hàng ngàn khách hàng là các DN đang kinh doanh ở các nước, trong đó có Việt Nam.
Nhận xét về mô hình ngân hàng Việt Nam, Nhật Bản bắt tay nhau và bắt tay với các DN để thúc đẩy đầu tư FDI Nhật Bản vào Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đây là mô hình tốt để hỗ trợ doanh nghiệp.
Hiện Việt Nam là một trong những nước thu hút nhiều vốn FDI Nhật Bản nhất của khu vực ASEAN. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang chịu sự cạnh tranh thu hút vốn của nhiều nước trong khu vực. Vì vậy, Chính phủ tiếp tục nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư.
Theo đó, thời gian tới, Bộ sẽ có chính sách đầu tư theo chuỗi. Khi một DN lớn đầu tư vào Việt Nam, các DN nằm trong chuỗi sẽ được hưởng chế độ ưu đãi đầu tư. Một thời gian sau, nếu một DN khác muốn đầu tư vào Việt Nam và chứng minh được nằm trong chuỗi sản xuất đó thì cũng sẽ được hưởng ưu đãi.
“Ngân hàng đi trước, tập đoàn đi sau, đầu tư theo chuỗi, từ đó góp phần giúp ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển, tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế”, ông Đỗ Nhất Hoàng kỳ vọng.
Cũng theo ông Đỗ Nhất Hoàng, chúng ta tổ chức rất nhiều đoàn xúc tiến đầu tư rất hoành tráng, nhưng theo số liệu thống kê, chỉ 30% DN FDI quyết định đầu tư vào Việt Nam nhờ thông tin hội thảo, còn 70% là nhờ các DN FDI giới thiệu với nhau. Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ thiết thực cho các nhà đầu tư FDI đang đầu tư tại Việt Nam để tạo niềm tin cho các DN.
Hiện Việt Nam đang tập trung thu hút đầu tư FDI của Nhật Bản vào 6 ngành công nghiệp ưu tiên là: điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. Đây cũng là những lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh.
Hà Tâm