.Cơ quan quản lý đề nghị doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sản xuất tối đa công suất. |
Tăng cường kiểm tra
Trước tình trạng giá các loại vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón, tăng đột biến (tăng 50 - 73%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các cục quản lý thị trường ở phía Nam thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu), không để xảy ra tình trạng đầu cơ, trữ hàng, tạo khan hiếm giả để trục lợi.
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trong nước và thế giới liên tục tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, giá phân bón sản xuất trong nước như đạm Cà Mau tăng từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg; phân DAP Đình Vũ tăng từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg; phân NPK Bình Điền, loại NPK 16-16-8+13S tăng từ 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg.
Đối với các loại phân bón nhập khẩu, phân SA bột của Trung Quốc tăng từ 3.270 đồng/kg lên 5.250 đồng/kg; phân DAP 64% nhập từ Trung Quốc tăng từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg; phân Kali miếng Israel tăng từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg.
Từ nay đến cuối năm 2021, ngành nông nghiệp vừa phải đảm bảo phòng chống Covid-19, vừa phải duy trì và phục hồi sản xuất, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm. Nếu để đứt gãy các chuỗi sản xuất này, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân, công tác xuất khẩu, cũng như an ninh lương thực quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trần Thanh Nam trong cuộc họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức vào cuối tuần trước đã nhấn mạnh, giá phân bón tăng rất cao, có loại tăng 83% so với thời điểm tháng 1/2021, nếu tiếp tục tăng, thì nông dân “không chịu nổi”.
“Ngành công thương cần có giải pháp để hạ nhiệt”, ông Nam đề nghị.
Thực tế, giá phân bón tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, mà còn làm phát sinh nguy cơ buôn bán các loại phân bón không đảm bảo chất lượng, hay việc đầu cơ tích trữ và tăng giá để trục lợi.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), giá phân bón tăng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động nông nghiệp và làm gia tăng gian lận thương mại, sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; phát sinh hiện tượng đầu cơ, găm hàng, định giá mua/bán bất hợp lý… nhằm thu lời bất chính đối với mặt hàng phân bón.
Tìm giải pháp bình ổn giá
Tại cuộc họp trực tuyến bàn về giải pháp bình ổn giá mặt hàng phân bón do Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thôn tổ chức sáng 11/8, Bộ Công thương cho biết, nhu cầu sử dụng phân bón năm nay khoảng 10 triệu tấn, không tăng so với năm 2020. Công suất của hơn 840 nhà máy sản xuất trong nước đạt gần 30 triệu tấn (gấp gần 3 lần nhu cầu).
Bên cạnh đó, lượng phân bón nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2021 là hơn 3 triệu tấn, tăng so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, năng lực sản xuất trong nước và nhập khẩu phân bón đều tăng. Do đó, phân bón tăng giá hoàn toàn không phải do thiếu nguồn cung.
Nguyên nhân chủ yếu khiến giá phân bón tăng phi mã là do chi phí sản xuất tăng, nguyên liệu đầu vào chính của các nhà máy (phần lớn là nhập khẩu) tăng 100 - 200% theo giá thế giới. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn chỉ ra chi phí phát sinh trong giai đoạn dịch bệnh như phí vận chuyển tăng, hay chi phí do doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ”.
Ông Bùi Thế Chuyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khẳng định, nguồn cung phân bón không thiếu, nhưng do giá thế giới biến động, nên đã tác động lớn đến giá thành sản xuất, làm tăng giá bán sản phẩm.
“Chi phí sản xuất 7 tháng đầu năm tăng rất cao, như lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần… khiến giá đầu vào tăng; thuế GTGT không được khấu trừ; chi phí vận chuyển tăng và do phải đối phó với tình hình dịch bệnh như triển khai “3 tại chỗ”, kéo theo chi phí tăng”, ông Chuyên nói.
Phân bón là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhưng việc bình ổn sẽ rất khó khăn, khi nguyên nhân tăng giá chủ yếu là do giá nguyên liệu tăng.
Do đó, Bộ Công thương cho biết, sẽ cùng ngành nông nghiệp thống nhất giải pháp để đề xuất Chính phủ. Đồng thời, 2 bộ đề nghị doanh nghiệp sản xuất tiếp tục sản xuất tối đa công suất thiết kế để không xảy ra khan hiếm, dẫn đến giá phân bón bị đẩy lên, đồng thời ưu tiên nguồn phân bón cho sản xuất nông nghiệp trong nước và hạn chế xuất khẩu.
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam đã “phản pháo” công văn của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, khi doanh nghiệp này tiếp tục đề nghị Vinacam chấp thuận điều chỉnh tăng đơn giá bán của Hợp đồng số 18/HĐMB-ĐNB-VINACAM ký ngày 26/1/2021 thêm 1,5 triệu đồng/tấn đối với 2.250 tấn mà Vinacam chưa nhận.
Công văn phúc đáp Đạm Ninh Bình của Vinacam do ông Vũ Hải Sơn, Phó tổng giám đốc Vinacam ký khẳng định: “Việc Đạm Ninh Bình tiếp tục đề xuất tăng giá từ 6,5 triệu đồng/tấn theo hợp đồng lên 8 triệu đồng/tấn là không thuyết phục và không có cơ sở; các lý do viện dẫn không có điểm mới và khác biệt so với các văn bản trước đó”.
Vinacam cho rằng, việc cố tình trì hoãn thực hiện hợp đồng khi giá tăng để gây sức ép, yêu cầu khách hàng chia sẻ bằng nhiều hình thức, có thể trở thành một tiền lệ xấu gây bất lợi về mặt truyền thông và e ngại cho các đối tác hợp tác kinh doanh, nhất là khi Đạm Ninh Bình đại diện cho 100% phần vốn góp có nguồn gốc ngân sách nhà nước.