Bộ Công thương là quản lý nhà nước về thương mại, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Thưa ông, việc để Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công thương liệu có dẫn tới tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?
Khi xây dựng Luật Cạnh tranh sửa đổi, quan điểm ban đầu của Ban Soạn thảo là xây dựng cơ quan quản lý về cạnh tranh độc lập, trực thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được sự đồng thuận rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia kinh tế vì nhiều lý do.
Trong đó có lý do là cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương như quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004 hoạt động rất hiệu quả, không có vấn đề gì mâu thuẫn với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công thương. Hơn nữa, nếu thành lập một cơ quan độc lập, trực thuộc Chính phủ sẽ không phù hợp với nỗ lực sắp xếp, tinh giản bộ máy quản lý nhà nước; tinh giản biên chế công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Quốc Khánh |
Tôi khẳng định, cơ quan quản lý cạnh tranh dù trực thuộc Bộ Công thương không dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như một số người đã từng lo ngại.
Tức là, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công thương là hợp lý, thưa ông?
Khác với cơ quan quản lý nhà nước khác, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là cơ quan bán tư pháp, tức là vừa tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh; vừa tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có tối đa 15 thành viên là công chức của Bộ Công thương, các bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia và nhà khoa học. Tất cả các thành viên này do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương, hoạt động theo nhiệm kỳ 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Thiết kế tổ chức, bộ máy của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia bảo đảm cho cơ quan này, từng thành viên của cơ quan này hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không phải nghe theo lệnh của bất kỳ ai, kể cả Bộ trưởng Bộ Công thương.
Tuy nhiên, việc trao cho cơ quan quản lý cạnh tranh có quá nhiều quyền hạn khiến một số ý kiến lo ngại dẫn tới sự lạm quyền?
Quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan cạnh tranh Việt Nam tương đồng với cơ quan quản lý cạnh tranh của hầu hết các nước trên thế giới, bảo đảm cho doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh; bảo đảm quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh; bảo đảm hoạt động cạnh tranh được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia không thể lạm dụng quyền hạn được giao, vì mọi quyết định của cơ quan này đều có thể bị doanh nghiệp, người tiêu dùng khởi kiện ra tòa án dân sự nếu cho rằng quyết định của cơ quan quản lý cạnh tranh gây thiệt hại cho doanh nghiệp, cho người tiêu dùng.
Trách nhiệm của Nhà nước là tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng. Thưa ông, đối với doanh nghiệp nước ngoài thực hiện tập trung kinh tế (mua bán, sáp nhập, hợp nhất) để chiếm lĩnh thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng Việt Nam có xử lý được không?
Cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam không xử lý toàn bộ các vụ việc tập trung kinh tế cũng như các vụ việc vi phạm pháp luật về cạnh tranh, thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh bên ngoài lãnh thổ nếu các vi phạm này không tác động đến thị trường Việt Nam. Các vụ việc tập trung kinh tế bên ngoài lãnh thổ chỉ tác động đến thị trường Việt Nam khi có sự hiện diện thương mại (chi nhánh, công ty con, công ty liên doanh, liên kết) tại Việt Nam hoặc cung cấp dịch vụ qua biên giới vào Việt Nam.
Khi có vụ việc tập trung kinh tế bên ngoài lãnh thổ mà tác động đáng kể tới thị trường Việt Nam, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế này.
Nếu có căn cứ khẳng định vụ việc tập trung kinh tế bên ngoài lãnh thổ tác động đáng kể tới thị trường Việt Nam, cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ yêu cầu một trong các bên tham gia tập trung kinh tế có hiện diện thương mại tại Việt Nam giải trình, nếu không giải trình thỏa đáng thì cơ quan quản lý canh tranh sẽ xử lý theo các quy định của pháp luật.
Còn đối với hoạt động cung cấp dịch vụ qua biên giới (không hiện diện thương mại tại Việt Nam), nếu tác động đáng kể tới thị trường Việt Nam, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cơ quan quản lý cạnh tranh có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới cung cấp các thông tin liên quan đến việc cung cấp dịch vụ vào Việt Nam, nếu doanh nghiệp từ chối hợp tác, cơ quan quản lý cạnh tranh có quyền đưa ra những biện pháp để cản trở hành động cung cấp dịch vụ.
Trong cơ chế thị trường cạnh tranh phải công bằng, nhưng trên thực tế, vẫn có tình trạng doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ độc quyền. Xử lý độc quyền bằng cách nào, thưa ông?
Chúng ta có độc quyền nhà nước, chứ không có độc quyền doanh nghiệp. Luật Cạnh tranh không quy định thế nào là độc quyền nhà nước và lĩnh vực nào thì được phép có độc quyền nhà nước, lĩnh vực nào không được độc quyền nhà nước. Đây là phạm vi điều chỉnh của luật khác.
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và của cả nền kinh tế, Nhà nước thực hiện kiểm soát doanh nghiệp bằng biện pháp quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước; quyết định số lượng, khối lượng, phạm vi thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước; định hướng, tổ chức các thị trường liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước.