Đại biểu quốc hội thảo luận các nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), chiều nay 24/5/2018. |
Chiều 24/5, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Trên cơ sở báo cáo này, các đại biểu Quốc hội thảo luận các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự thảo Luật đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 123 điều. Theo đó, một số nội dung tiếp tục xin ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ 5 gồm: Phạm vi điều chỉnh (Điều 1); Đối tượng áp dụng (Điều 2); Giải thích từ ngữ (Điều 3); Áp dụng luật này và các luật khác có liên quan (Điều 4); Chính sách của Nhà nước về cạnh tranh (Điều 6); Trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh (Điều 7); Hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước (Điều 8)... và các vấn đề khác
Một trong các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Qua thảo luận, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về tính độc lập cũng như thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nếu Ủy ban này trực thuộc Bộ Công Thương như quy định trong dự thảo Luật.
Theo Dự thảo luật, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công thương, được hình thành trên cơ sở hợp nhất cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng Cạnh tranh, Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) cho rằng, việc đảm bảo tính độc lập của cơ quan xử lý cạnh tranh là yếu tố đặt lên hàng đầu. Đảm bảo tính độc lập của Uỷ ban cạnh tranh quốc gia khi xử lý các vụ việc thì không nên để cơ quan này trực thuộc Bộ Công thương.
Ngoài ra, việc giao thẩm quyền cho Chủ tịch Uỷ ban cạnh tranh quốc gia như khám phương tiện… là mâu thuẫn với Luật vi phạm xử lý hành chính năm 2012. Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) đề nghị phải cân nhắc thận trọng để xử lý mâu thuẫn này.
Trong khi đó, một số ý kiến khác lại nhìn nhận, việc quy định một cơ quan cạnh tranh là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công thương là rất cần thiết, là lựa chọn phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.
Bởi điều này giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, phù hợp tinh thần đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nhìn nhận ở góc độ khác, ý kiến của đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, vẫn nên để Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trong Bộ Công Thương, nhưng quy định thêm hành lang pháp lý để đảm bảo tính độc lập đối với Ủy ban này.