- Chứng khoán, trái phiếu, nợ xấu vào dự kiến chất vấn tại Quốc hội
- Cảnh báo vỡ nợ chéo từ “quả bom” trái phiếu - Kỳ 1: Bom nợ âm ỉ từ những hợp đồng ma quái
- Cảnh báo vỡ nợ chéo từ “quả bom” trái phiếu - Kỳ 2: Ngăn quái xế, đừng chặn cả con đường
- Cảnh báo vỡ nợ chéo từ “quả bom” trái phiếu - Kỳ 3: Bóng dáng khủng hoảng nợ manh nha xuất hiện
- Cảnh báo vỡ nợ chéo từ “quả bom” trái phiếu - Kỳ 4: Lối nào tránh vết xe đổ?
- Cảnh báo vỡ nợ chéo từ “quả bom” trái phiếu - Kỳ 5: Cần chiến lược tổng thể
Đối với dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ, Uỷ ban Kinh tế cho biết, trái phiếu bất động sản và trái phiếu của các TCTD chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng khối lượng trái phiếu còn dư nợ đến cuối năm 2021 (Ảnh minh hoạ). |
Vừa hoàn thành báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phần nào đáp ứng yêu cầu thông tin về vấn đề nóng, trước phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về kinh tế, xã hội, ngân sách, từ sáng mai (1/6).
Nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nhất
Theo báo cáo năm 2021, tổng khối lượng TPDN phát hành là 637 nghìn tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2020.
Trong quý I/2022, tổng khối lượng TPDN phát hành là 144,1 nghìn tỷ đồng, trong đó, phát hành riêng lẻ là 136,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 94,7%), phát hành ra công chúng là 7,6 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 5,3%).
Về doanh nghiệp phát hành, Ủy ban Kinh tế cho biết, năm 2021, công ty đại chúng chiếm 47,14% tổng khối lượng phát hành; công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng chiếm 41,8% và công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm 11,06%.
Về lĩnh vực hoạt động, trong năm 2021, tổ chức tín dụng phát hành nhiều nhất, chiếm 36,16% tổng khối lượng phát hành. Doanh nghiệp bất động sản chiếm 33,19% tổng khối lượng phát hành; các doanh nghiệp thương mại dịch vụ, sản xuất và xây dựng chiếm lần lượt là 5,5%, 4,59% và 3,19% tổng khối lượng phát hành.
Trong quý I/2022, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là 2 nhóm phát hành nhiều nhất, chiếm lần lượt 50,9% và 18,87%; các tổ chức tín dụng chiếm 4,9%, doanh nghiệp sản xuất chiếm 9,2%, các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ chiếm 6,8%. Tuy nhiên, trong tháng 4/2022, trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành chiếm 63,4%, trái phiếu của nhóm bất động sản giảm mạnh xuống mức 11,6.
Với nhà đầu tư, theo báo cáo, năm 2021, trên thị trường sơ cấp, các tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính, mua lần lượt 37,87% và 34,47% tổng khối lượng phát hành; các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 5,39% tổng khối lượng phát hành.
Trên thị trường thứ cấp, TPDN tiếp tục được giao dịch, chuyển nhượng; theo đó, tính đến cuối năm 2021, các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư cá nhân là nhóm nắm giữ phần lớn TPDN (lần lượt là 45,76% và 30,1% tổng khối lượng trái phiếu lưu ký).
Trong quý I/2022, nhà đầu tư chính mua TPDN riêng lẻ là các ngân hàng thương mại, chiếm 41,5% tổng khối lượng phát hành, các công ty chứng khoán mua 18,4%; nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 9,5%.
Tại thời điểm 31/3/2022, theo báo cáo của các tổ chức lưu ký, tổ chức tín dụng và nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là nhóm nắm giữ lớn nhất, lần lượt chiến 44,48% và 33,82% tổng khối lượng trái phiếu lưu ký, trong khi các công ty chứng khoán mua 18,4% trên thị trường sơ cấp nhưng giảm còn 2,56% trên thị trường thứ cấp.
Trái phiếu đến hạn tăng cao
Đối với dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ, Ủy ban Kinh tế cho biết, trái phiếu bất động sản và trái phiếu của các tổ chức tín dụng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng khối lượng trái phiếu còn dư nợ đến cuối năm 2021, lần lượt là 35,3% và 31,7%. Trái phiếu do các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ và sản xuất chiếm 10,3% và 8,8% tổng dư nợ thị trường.
Xét về cơ cấu nhà đầu tư nắm giữ, các tổ chức tín dụng nắm giữ 45,76% tổng khối lượng trái phiếu còn dư nợ, các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 30,1%, các doanh nghiệp bảo hiểm nắm giữ 4,9%, công ty chứng khoán và quỹ đầu tư nắm giữ lần lượt 2,4% và 2,2%; các tổ chức khác nắm giữ 14,7%.
Về tình hình TPDN đáo hạn, cơ quan phát hành báo cáo nêu, trong năm 2021, có 6.313 mã trái phiếu đã thực hiện thanh toán gốc, lãi đến hạn, trong đó số tiền gốc thanh toán đạt 202,7 nghìn tỷ đồng, số tiền lãi thanh toán là 60 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn khoảng 144,5 nghìn tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62,47 nghìn tỷ đồng), khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn khoảng 29,16 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.
Năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt là 271,4 và 329,5 nghìn tỷ đồng; trong đó tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207,8 nghìn tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207,5 nghìn tỷ đồng.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các trái chủ
Tại báo cáo, cơ quan của Quốc hội cảnh báo, hoạt động đầu tư TPDN riêng lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các trái chủ và hệ thống ngân hàng. Trên thị trường sơ cấp, trong năm 2021, các tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính, lần lượt mua 37,87% và 34,47% tổng khối lượng phát hành.
Trên thị trường thứ cấp, tính đến cuối năm 2021, tổ chức tín dụng và nhà đầu tư cá nhân lần lượt nắm giữ 45,76% và 30,1% tổng khối lượng trái phiếu lưu ký. Như vậy, phần lớn các trái phiếu được các công ty chứng khoán mua trên thị trường sơ cấp và phân phối lại cho tổ chức tín dụng, nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức khác.
Đối với các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 3/2022, tổng số dư đầu tư TPDN là 326,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,0% so với cuối năm 2021, trong đó có một số ngân hàng thương mại tăng đầu tư trái phiếu trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến ngày 14/01/2022 trước thời điểm Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng mua, bán TPDN (có hiệu lực từ ngày 15/01/2022) nhằm tránh những quy định chặt chẽ hơn tại Thông tư.
Đáng chú ý, theo Ủy ban Kinh tế là đầu tư TPDN với mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản là 121,2 nghìn tỷ đồng, tăng 25,3% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 37,1% trong tổng số dư đầu tư TPDN (nếu tính cả đầu tư trái phiếu nhằm mục đích tăng quy mô vốn và cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản thì tổng số dư đầu tư TPDN liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 160,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,1% so với cuối năm 2021), chiếm tới 49,2% so với tổng đầu tư TPDN của toàn hệ thống tổ chức tín dụng).
Bên cạnh đó, đầu tư TPDN với mục đích tăng quy mô vốn của doanh nghiệp phát hành chiếm 31,6% trong tổng số dư đầu tư TPDN của toàn hệ thống, tăng 9,1% so với cuối tháng 12/2021 nhưng lại khó xác định và giám sát được mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành.
Ủy ban Kinh tế nhận định, còn tình trạng đầu tư TPDN nhằm mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp, tuy nhiên hiện nay tình trạng này đã giảm và toàn bộ các khoản đầu tư TPDN là các khoản đầu tư phát sinh trước ngày Thông tư 15/2018/TT-NHNN có hiệu lực.
Báo cáo cũng nêu thực tế, trên thị trường TPDN vẫn có những nhà đầu tư không có kinh nghiệm đầu tư và khả năng phân tích rủi ro, mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, không quan tâm đến tài sản bảo đảm, định mức tín nhiệm hay điều kiện bảo lãnh; đặc biệt trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nên cũng hạn chế đáng kể việc đánh giá và ra quyết định của các nhà đầu tư.
Trên thị trường hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp cận TPDN dễ dàng, với các lô trái phiếu có thể tách nhỏ, thời hạn đầu tư linh hoạt. Tuy nhiên, có tình trạng tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức phân phối trái phiếu không cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho nhà đầu tư làm cho nhà đầu tư nhầm lẫn về việc các tổ chức này trả nợ thay doanh nghiệp phát hành hoặc xây dựng hồ sơ chào bán trái phiếu và công bố thông tin cho nhà đầu tư dựa trên các thông tin có lợi cho doanh nghiệp phát hành, cơ quan của Quốc hội cảnh báo.