Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe sẽ hoàn tất gói kích thích kinh tế đầu tuần tới sau khi tham vấn liên minh cầm quyền. Ảnh: AFP |
Theo tạp chí Nikkei Asian Review, trước các áp lực tài chính gia tăng, chính phủ Nhật Bản sẽ phát hành thêm trái phiếu để huy động vốn cho các công trình đầu tư công lên tới 4.000 tỷ yên (36,82 tỷ USD) và bù đắp phần thất thu thuế do hoạt động của các doanh nghiệp nước này bị “vạ lây” thương chiến Mỹ - Trung.
Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe sẽ hoàn tất gói kích thích kinh tế đầu tuần tới sau khi tham vấn liên minh cầm quyền (do đảng Dân chủ Tự do lãnh đạo), theo Nikkei.
Hiện các quan chức tài chính Nhật Bản chưa đưa ra bình luận chính thức về vấn đề này.
Các nhà làm luật của đảng cầm quyền Nhật Bản đang gây sức ép buộc chính phủ phác thảo một kế hoạch chi tiêu lớn. Dù rủi ro phát hành nợ tăng lên, nhưng việc tăng cường chính sách tài khóa linh hoạt sẽ vẫn tạo cú hích cho tăng trưởng kinh tế.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda ngày 29/11 cho biết chính sách nới lỏng của cơ quan này với mục tiêu tác động tới giá cả, chứ không nhắm vào chi tiêu chính phủ.
Theo đó, chi tiêu tài khóa theo gói kích thích kinh tế trên có thể vượt ngưỡng 10.000 tỷ yên, khoản chi này được lấy từ ngân sách bổ sung cho năm tái khóa kết thúc vào tháng 3/2020 và ngân sách năm tiếp theo.
Động thái kích thích kinh tế trên cơ bản giống gói chi tiêu 13.500 tỷ yên mà Nhật Bản tung ra năm 2016 - thời điểm Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) và gây cú sốc cho thị trường toàn cầu và bất ổn gia tăng với các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Nhật Bản.
Gói kích thích này sẽ gồm các khoản chi cho cứu trợ thảm họa, xây dựng hạ tầng và các chương trình giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ phát hành thêm trái phiếu để bù lại thâm hụt ngân sách, bởi thu thuế trong năm tài khóa 2019 sẽ không đạt chỉ tiêu khoảng 2.000 tỷ yên, theo Nikkei.
Ngoài chi tiêu tài chính, Nhật Bản sẽ cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại nước ngoài để phát triển sản xuất.
Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng thấp nhất trong quý III/2019 do nhu cầu toàn cầu suy yếu tác động xấu tới hoạt động xuất khẩu của các nước, trong đó có Nhật Bản. Tháng trước, Nhật Bản kích hoạt tăng thuế doanh thu. Động thái này được các nhà phân tích cho rằng càng làm “giảm nhiệt” tiêu dùng cá nhân tại nước này.