Thiếu và yếu
Tại cuộc họp Chính phủ tháng 5/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đến hết năm 2023, kinh tế số của Việt Nam có thể sẽ chiếm trên 17% GDP và mục tiêu kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025 sẽ khả thi, thậm chí, nếu có giải pháp thúc đẩy tốt, kinh tế số có thể thể đạt 25% GDP.
Nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ, có thể đạt 74 tỷ USD vào năm 2030, nhưng sẽ khó thành hiện thực nếu không giải được bài toàn về nguồn nhân lực số. Ước tính, Việt Nam cần nguồn nhân lực số chất lượng cao khoảng từ 1,5 đến 2 triệu người. Thế nhưng, nguồn nhân lực số hiện đang vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế số.
“Chuyển đổi số thì cần nhân lực số. Việt Nam muốn có đủ nhân lực số thì từ nay đến năm 2030, mỗi năm phải đào tạo được khoảng 150.000 nhân lực có trình độ từ cao đẳng trở lên, nhưng hiện tại, mỗi năm mới đào tạo được 65.000 người, tức là chưa được 50% nhu cầu”, Bộ trưởng Hùng cho biết.
Tập đoàn FPT, đơn vị có 65.000 nhân sự, trong đó chỉ riêng FPT Software đã có 27.000 lập trình viên, kỹ sư, mặc dù vậy, ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT vẫn “ước ao”, năm 2035, FPT sẽ có 1 triệu nhân lực làm việc trên toàn thế giới. Cần phải biết rằng, tới nay, trên thế giới chỉ có Walmart với khoảng 1,3 triệu và Amazon có 1,4 triệu lao động trong khối này.
“Một đối tác sản xuất ô tô lớn của FPT đã đặt hàng FPT Software về phần mềm cho xe không người lái. FPT phải cạnh tranh với 10 công ty lớn khác nhau trên thế giới từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga… Chúng tôi đang phải làm việc với những công ty hàng đầu thế giới với những yêu cầu công nghệ, kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu thế giới, vì vậy, FPT đứng trước thách thức về nhân lực ICT khi Việt Nam chưa đáp ứng được”, ông Tiến chia sẻ.
Tại Báo cáo DxReports “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực số”, FPT đã chỉ ra sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực số. Theo đó, mỗi năm, Việt Nam có gần 400.000 kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) và hơn 50.000 sinh viên chuyên ngành CNTT tốt nghiệp, nhưng chỉ có 30% số nhân sự này đáp ứng được yêu cầu công việc. Tỷ lệ nhân lực CNTT trên tổng số lao động quốc gia của Việt Nam ước đạt 1,1% trong tổng số 51 triệu lao động.
Trong khi nhu cầu chuyển đổi số ngày càng cao giữa các doanh nghiệp, các ngành nghề, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số trở thành bài toán khó. Có 48,8% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số, nhưng gián đoạn và thất bại do thiếu nhân sự phục vụ chuyển đổi số.
Giải bài toán thiếu nhân lực số
Doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số đang mang về cho FPT hơn 2.100 tỷ đồng trong năm 2022, chưa kể doanh thu ký mới về CNTT vào khoảng 10.165 tỷ đồng. Vì thế, FPT đặt ra yêu cầu, cứ 3 năm tăng nhân sự gấp 3 lần. Để giải quyết bài toán đó, ông Hoàng Nam Tiến cho biết, FPT thực hiện đào tạo kiểu mới, đổi phương thức đào tạo từ training (truyền thụ kiến thức, dạy năng lực) sang coaching - tức là dạy thực chiến. Những người đi trước của Tập đoàn trở thành người hướng dẫn (coach/mentor) để dạy các sinh viên trong 1 - 3 năm trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực chuyên ngành.
(Nguồn: Báo cáo “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực số” của FPT)
FPT cũng đang làm việc với hàng trăm doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam và đưa yêu cầu đào tạo công nghệ big data, blockchain, AI… và sử dụng chính những giáo trình của các hãng công nghệ lớn trên thế giới để đào tạo trực tiếp cho sinh viên.
“Để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành ICT, phải nghĩ khác và làm khác. Nếu đào tạo nhân lực chất lượng cao ICT cũ thì rất lâu, chờ các trường đại học cũng rất lâu. Ngày nay, các doanh nghiệp phải trở thành các trường campus”, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.
Cũng thực hiện giải pháp tự đào tạo, ông Vũ Thành Chung, Giám đốc Khối Ngân hàng số MB Bank chia sẻ, MB liên tục tuyển dụng nhân lực chuyển đổi số và đào tạo nhân sự là một trong những đầu tư quan trọng nhất của ngân hàng. MB xây dựng 2 trung tâm đào tạo và đổi mới sáng tạo được xây dựng hiện đại ở TP.HCM và Hà Nội. MB còn chủ động làm việc với nhiều trường đại học để cung cấp nhân sự về CNTT. Năm 2022, MB triển khai trên 80 chương trình đào tạo chuyên sâu, gia tăng trải nghiệm học với hình thức học tập mới - NANO Learning với hơn 200.000 lượt đào tạo. Với đội ngũ nhân sự chất lượng, MB thực hiện chuyển đổi số toàn diện nhằm tạo tăng trưởng đột phá trong kinh doanh ngân hàng số.
Theo ông John Choi, Đại diện Liên đoàn Công nghệ thông tin Hàn Quốc, để phát triển được nhân lực thì phải áp dụng các biện pháp linh hoạt, mở rộng lớp học và cần thời gian để thay đổi hệ thống giáo dục. Bên cạnh đó, có thể thuê ngoài nhân lực, triển khai chiến lược low-code, hay có thể hướng các sinh viên thuộc ngành khác sang đào tạo về CNTT và khai thác nội dung ChatGPT đưa vào giảng dạy trong chương trình học.
Ở góc độ nhân lực chuyển đổi số cơ quan nhà nước, trong Đề án Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt mục tiêu đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đại học số là giải pháp đột phá, nếu mô hình này được thí điểm sớm sẽ là một trong những giải pháp giúp Việt Nam nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số.
Bộ Thông tin và Truyền thông đặc biệt lưu ý một số nội dung gồm: Thí điểm mô hình giáo dục đại học số; Triển khai chương trình “Học từ làm việc thực tế”, trong đó cơ quan nhà nước có vai trò dẫn dắt, liên kết các trường với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp; Hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số quốc gia...