Saigon Co.op dẫn đầu thị phần kênh siêu thị với hơn 40% thị trường, gấp khoảng 4 lần doanh nghiệp đứng thứ hai. Ảnh: L.T |
“Miếng thịt mỡ trong tủ lạnh”
Sự thật thì Saigon Co.op là một “miếng thịt” đối với giới đầu tư tài chính ở Việt Nam đã mấy năm nay. Là một đơn vị nhận được nhiều ưu đãi của TP.HCM, Saigon Co.op dẫn đầu thị phần kênh siêu thị với hơn 40% thị trường, gấp khoảng 4 lần doanh nghiệp đứng thứ hai. Ở phân khúc đại siêu thị, đơn vị này cũng là nhà bán lẻ nội địa đủ khả năng cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế (thậm chí có thương hiệu quốc tế phải đóng cửa, đổi chủ, còn Saigon Co.op vẫn tỏ ra vững mạnh và phát triển).
Đặc thù của Saigon Co.op là hoạt động theo mô hình hợp tác xã và có nhiều lợi thế thương mại, ưu đãi và nguồn vốn “của chung” không chia hơn 3.000 tỷ đồng. Với một công ty làm ăn lợi nhuận ổn định 800-1.500 tỷ đồng trong nhiều năm, có nhiều lợi thế ưu đãi và “của chung” như thế, trong mắt giới đầu tư, đây là một “miếng thịt mỡ đang để trong tủ lạnh”. Và như vậy, tự nhiên sẽ có người muốn chiếm lấy miếng thịt này, đặc biệt là khi nó nằm ở mô hình hợp tác xã “của chung”.
Thanh tra TP.HCM đã phát hiện ra những biểu hiện của “mưu toan” thôn tính tài sản chung này (xem bài “Lộ diện mưu toan thôn tính Saigon Co.op” trên Báo Đầu tư ra ngày 31/7/2020). Thanh tra cho rằng, có dấu hiệu người bên ngoài “núp bóng” hợp tác xã thành viên để góp vốn vào Saigon Co.op. Điều này không đúng Nghị quyết số 12/NQ-ĐHTV của Đại hội thành viên bất thường lần 1 năm 2020.
Nếu “người bên ngoài” kiểm soát được đa số thành viên của hợp tác xã, thì một cách nào đó, họ sẽ chi phối được một số quyết định chiến lược ở Saigon Co.op, nên mới có nỗi lo về “mưu toan thôn tính” công ty có lợi ích chung chưa chia ngàn tỷ đồng, trong khi chỉ bỏ ra vài trăm tỷ đồng.
Đọc những thông tin trên các phương tiện truyền thông, tôi có vài suy nghĩ như sau.
Vấn đề lớn nhất của Saigon Co.op, cũng như nhiều công ty mà Nhà nước có sở hữu lớn khác, là sự tồn tại của những “của chung” rất lớn, hình thành do những ưu đãi nhiều năm của Nhà nước về quyền sử dụng đất, chính sách ưu đãi thuế… Có những “của chung” gộp lại đến mấy ngàn tỷ, thậm chí mấy chục ngàn tỷ đồng.
Do nhu cầu phát triển, các công ty này sẽ có nhu cầu huy động vốn mới. Đây chính là lỗ hổng dẫn đến nhiều “cuộc chơi” đằng sau. Nếu chỉ bỏ ra vài trăm tỷ đồng mà có thể ra quyết định chi phối những “của chung” vài ngàn tỷ đồng, thì người ta sẽ tìm mọi cách lách qua các quy định pháp luật, đạp qua các lằn ranh màu đỏ để làm cho bằng được.
Mấy năm gần đây, đã có nhiều vụ việc mà các đại diện vốn nhà nước ở các đại công ty này đã chấp thuận các thương vụ nhiều khuất tất như mua mắc tài sản bên ngoài, hoặc bán rẻ vốn nhà nước. Chung quy là vì lợi ích và lợi thế “của chung” ở các công ty này lớn quá.
Lằn ranh của hành vi trục lợi và hành động năng động
Những cái “của chung” quá lớn tạo ra một thế lưỡng nan cho người đại diện vốn nhà nước ở những công ty này. Nếu làm đúng nhiều quy định hiện tại, thì nhiều khả năng là công ty khó phát triển, dẫn đến tình trạng “không dám làm gì” vì các quy định sẽ hạn chế rất nhiều con đường huy động vốn mới, tiến hành những hoạt động thâu tóm và sáp nhập mang lại cơ hội tăng trưởng mới cho công ty, hay bán đi những tài sản của công ty ở lĩnh vực kinh doanh không còn sinh lợi. Dần dần, các công ty đó sẽ tụt hậu, thua lỗ và cuối cùng cũng phải chấp nhận bán lại cho người nghèo với giá rẻ.
Ngược lại, nếu muốn “phá rào”, đi giữa lằn ranh đỏ của những quy định về quản lý và huy động vốn doanh nghiệp, thì lại có nguy cơ làm sai quy định. Ở đây, lằn ranh của hành vi trục lợi và hành động năng động, linh hoạt giải quyết vấn đề là vô cùng mong manh.
Người đại diện Nhà nước quản lý các công ty này thường xuyên đối mặt với những cám dỗ lợi ích, cũng như ý muốn thôi thúc “phá rào” làm cái gì đó để công ty vượt lên. Trong cả hai tình huống, họ đều sẽ vi phạm quy định pháp luật. Sẽ rất khó nói rõ động cơ của họ là vì lợi ích cá nhân hay vì muốn làm một cái gì đó mới, phá vỡ rào cản lạc hậu trong các quy định.
Đây là một tình huống điển hình khi mà các quy định quản lý vốn và hoạt động kinh doanh của những công ty do Nhà nước sở hữu chi phối đã không theo kịp tình hình thực tế phức tạp của thị trường tài chính và kinh doanh. Nó tạo điều kiện cho những âm mưu thôn tính các “của chung” giá trị vài ngàn tỷ tới vài chục ngàn tỷ đồng với số tiền ít hơn nhiều. Từ nhiều năm trước, một người anh đã nói với tôi rằng, khi một công ty có “cục thịt mỡ” để đó mà gọi là “của chung” là thế nào cũng có người muốn biến nó thành của riêng - đó là quy luật.
Ngược lại, nếu người ta quá bảo thủ, tránh hết mọi rủi ro, thì lại có nguy cơ để các của chung vài ngàn tỷ đồng đó đắp chiếu và mất dần giá trị. Cuối cùng thì Nhà nước cũng thiệt hại.
Các tổ chức quốc tế vẫn khuyến nghị, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và bán vốn nhà nước ở những đại công ty như Saigon Co.op để chúng được chính thức quản lý minh bạch hơn và giám sát bởi những người có lợi ích sát sườn, coi lợi ích và tài sản của Saigon Co.op là máu thịt của mình, chứ không phải là “miếng thịt của chung” mà tìm cách thâu tóm, xâu xé.
Những trường hợp như Saigon Co.op một lần nữa cho thấy, hành lang pháp lý cũng như sự tồn tại của những đại công ty mà Nhà nước sở hữu với nhiều “của chung” ngàn tỷ đồng đặt ra rất nhiều rủi ro cho đại diện quản lý vốn cũng như nhà đầu tư tiềm năng.
Thứ nhất, nếu những công ty này gọi vốn bên ngoài, bên góp vốn có thể đặt chân vào một lằn ranh đỏ mà họ vô tình hoặc cố ý không biết để tìm cách thâu tóm công ty, chi phối “của chung” chưa chia ngàn tỷ đồng.
Thứ hai, nếu các công ty này bán tài sản hoặc mua tài sản từ nhà đầu tư tư nhân bên ngoài, phía đối tác gặp rủi ro là những người đại diện vốn nhà nước đã làm sai quy định, tài sản đã bán hoặc đã mua có nguy cơ bị thu hồi hoặc xin “trả lại”.
Đây là những rủi ro mà tôi đã nghe không ít đại diện các quỹ đầu tư nước ngoài bày tỏ lo ngại. Một môi trường đầu tư như vậy không lý tưởng và cần nhiều cải thiện. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cần thu hút thêm vốn nước ngoài để thúc đẩy nền kinh tế hậu Covid-19.