Với hơn 93 triệu dân, quy mô dân số Việt Nam hiện đứng thứ 3 ở khu vực (sau Indonesia, Philippines) và đứng thứ 13 trên thế giới. Việt Nam hiện có mật độ dân số 280 người/km2, cao thứ 3 ở Đông Nam Á (sau Singapore và Indonesia) và hàng năm vẫn tăng gần 1 triệu người.
Tuy nhiên, dân số Việt Nam tiếp tục tăng thấp, với tỷ lệ sinh hiện chỉ ở mức 1,7% - thấp thứ 8 khu vực ASEAN; tỷ lệ tăng tự nhiên ở mức 1% - cũng đứng thứ 8 khu vực. Tỷ lệ tăng thấp trong nhiều năm đã đưa Việt Nam tới “cơ cấu dân số vàng” từ mươi năm nay, nhưng cũng cảnh báo về khả năng già hóa dân số sẽ nhanh và đi liền với nó là trạng thái người dân Việt Nam “chưa giàu đã già”. Do vậy, cần tận dụng thời cơ “cơ cấu dân số vàng” để nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập bình quân đầu người.
Việt Nam vẫn có khoảng 1,3 triệu người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm |
Một vấn đề nữa là, mất cân bằng giới tính đang ngày càng lớn. Hiện tỷ lệ trẻ em sơ sinh là 120 nam/100 nữ, trong khi hàng năm có hàng vạn phụ nữ Việt Nam đi lấy chồng nước ngoài...
Về lao động và việc làm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên hiện chiếm 58,7% tổng số dân. Đây là tỷ lệ khá cao. Điều này cho thấy, Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, song mặt khác cũng thể hiện số người trên tuổi lao động (nam trên 60 và nữ trên 55) tham gia lao động khá đông đảo (6,9 triệu người), đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển chung.
Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tuy được tập trung giải quyết và tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi của Việt Nam tuy thấp hơn năm trước, nhưng về số tuyệt đối vẫn lên đến gần 1,1 triệu người và có khoảng 1,3 triệu người trong độ tuổi thiếu việc làm. Điểm đáng chú ý là, tỷ lệ thất nghiệp của những người tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và học nghề cao hơn người chưa qua đào tạo chuyên môn.
Tỷ lệ thiếu việc làm tuy thấp và có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn còn cao. Thất nghiệp và thiếu việc cần được đặc biệt quan tâm, bởi nó không tạo ra thu nhập để nuôi sống bản thân, nuôi những người sống phụ thuộc, mà còn phải phụ thuộc vào người có việc làm. Đáng quan tâm hơn, “nhàn cư vi bất thiện”, người thất nghiệp, thiếu việc làm dễ sa vào các tệ nạn xã hội, tạo gánh nặng cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
Cơ cấu lao động theo nhóm ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng lao động đang làm việc ở nhóm ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản tiếp tục giảm (từ 44,3% xuống 42,2%); ở nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tiếp tục tăng (từ 22,9% lên 24,4%); ở nhóm ngành dịch vụ cũng tiếp tục tăng (từ 32,8% lên 33,4%). Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm tăng năng suất lao động chung của cả nước.
Tuy nhiên, tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành nông nghiệp còn cao, trong khi nhóm ngành này có năng suất lao động thấp nhất (năm 2015 chỉ bằng 26,3% năng suất của công nghiệp - xây dựng và bằng 31,7% năng suất trong lĩnh vực dịch vụ). Lao động nông nghiệp chủ yếu vẫn còn “lấy công làm lãi”; lao động công nghiệp phần lớn là gia công, lắp ráp; lao động dịch vụ còn kiêm nhiệm nhiều.
Năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại, tốc độ tăng số lao động đang làm việc cao lên (tăng 0,78% so với tăng 0,3%), nên tốc độ tăng năng suất lao động sẽ chậm lại (năm trước tăng 6,36%, năm nay có thể chỉ tăng dưới 6%).