Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. |
Quy định mô hình tổ chức của văn phòng công chứng là công ty hợp danh hay gồm cả doanh nghiệp tư nhân, vẫn còn có ý kiến khác nhau.
Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, sáng 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi (Dự thảo).
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, quy định về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng là vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về mô hình của văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Một số ý kiến đề nghị nên quy định loại hình doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và công ty hợp danh được áp dụng đối với văn phòng công chứng được thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và DNTN.
Quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý nội dung này tiếp tục còn có ý kiến khác nhau, Uỷ ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra) đã tách riêng xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban này tán thành với cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định mô hình tổ chức của văn phòng công chứng là công ty hợp danh như dự thảo Luật do Chính phủ trình nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này. Mô hình này đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, phù hợp với tính chất của dịch vụ công chứng không chỉ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà còn là hoạt động bổ trợ tư pháp.
Công chứng viên là người phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và có chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện chứ không phải hành nghề vì mục tiêu đơn thuần là lợi nhuận.
Hơn nữa, do công chứng là dịch vụ công nên yêu cầu quan trọng là phải bảo đảm tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ, là vấn đề mà mô hình DNTN do 1 công chứng viên làm chủ khó đáp ứng được. Một số bất cập trong thực tiễn liên quan đến mô hình công ty hợp danh của văn phòng công chứng, như việc công chứng viên hợp danh thứ hai chỉ đứng tên chứ không tham gia hành nghề thực chất tại văn phòng công chứng, thường xuyên chấm dứt tư cách hợp danh ở văn phòng công chứng này để hợp danh vào văn phòng công chứng khác... đã được giải quyết bằng các quy định của dự thảo Luật về trách nhiệm và nghĩa vụ của công chứng viên khi chấm dứt tư cách thành viên hợp danh...
Nhưng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho hay, nhiều ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng là DNTN bên cạnh công ty hợp danh trên phạm vi cả nước hoặc quy định theo hướng: Loại hình DNTN và công ty hợp danh được áp dụng đối với văn phòng công chứng thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Bởi vì, việc bổ sung mô hình văn phòng công chứng là DNTN có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu.
Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động, qua đó đã giải quyết những bất cập của mô hình DNTN do phụ thuộc vào một công chứng viên duy nhất. Việc quy định văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên còn dẫn đến tình trạng hợp danh hình thức, gây bức xúc trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu thay đổi quy định về mô hình tổ chức hành nghề công chứng thì Chính phủ cần bổ sung đánh giá tác động chính sách để có cơ sở chỉnh lý trong dự thảo Luật, theo Thường trực Ủy ban Pháp luật.