Một góc thành phố Đà Nẵng. |
Vai trò của dữ liệu trong xây dựng thành phố thông minh
Thành phố thông minh hoạt động dựa trên dữ liệu; dữ liệu được thu thập, phân loại, lưu trữ bởi các chủ thể là cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng. Trong đó, dữ liệu của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp được tổ chức có cấu trúc, phổ biến nhất ở dạng cơ sở dữ liệu quan hệ và phần lớn được lưu trữ trong các lược đồ được xác định. Trong khi đó, dữ liệu cộng đồng thường tồn tại theo đa cấu trúc, bán cấu trúc, phi cấu trúc và đa dạng như dưới dạng văn bản, video, âm thanh, hình ảnh…
Trên quan điểm xác định dữ liệu là động lực của sự đổi mới, giúp giải quyết các thách thức xã hội khác nhau, việc sử dụng dữ liệu một cách thông minh có thể có tác động chuyển đổi quản lý và phát triển kinh tế theo xu hướng kinh tế số, xã hội số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng cuộc sống của người dân và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố. Việc ứng dụng các công nghệ là để chuyển đổi phương thức làm việc từ truyền thống sang nền tảng kỹ thuật số, trong đó dữ liệu có vai trò quyết định xác định những thách thức mới để có những kịch bản đối phó nhằm tạo ra giá trị mới.
Do vậy, để dữ liệu đóng vai trò là nền tảng trong việc hỗ trợ ra quyết định, cần dựa trên 3 thành phần: hạ tầng, kết nối, thông minh. Đây là 3 trục chính được chú trọng trong quá trình xây dựng đô thị thông minh. Trong đó, hạ tầng bảo đảm để dữ liệu được lưu trữ, tìm kiếm, an toàn trong quá trình phân tích, khai thác; kết nối bảo đảm dữ liệu được thu thập, xây dựng, chia sẻ từ các hệ thống thông tin được liên kết thông qua truyền dẫn xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu chung; thông minh dựa trên các kỹ thuật: tìm kiếm, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu dữ liệu lớn, kỹ thuật nhận dạng (trí tuệ nhân tạo, máy học…), cung cấp các dịch vụ dữ liệu dựa trên kho dữ liệu nhằm hỗ trợ ra quyết định cho tổ chức công dân.
Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số
Từ những năm 2000, TP. Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai chính quyền điện tử. Quá trình triển khai được tiếp cận tổng thể theo khung kiến trúc, đồng bộ trên 4 trụ cột: chính sách, hạ tầng, ứng dụng và nhân lực, nhằm phục vụ hoạt động quản lý của bộ máy hành chính Thành phố và cung cấp dịch vụ hành chính công cho các tổ chức, công dân.
Xây dựng thành phố thông minh là bước tiếp theo của xây dựng Chính quyền điện tử đã được triển khai dựa trên hạ tầng, dữ liệu, dịch vụ, với nguyên tắc “một nền tảng, đa đối tác, đa ứng dụng, người dân làm trung tâm”, trong đó vai trò của dữ liệu là nền tảng chính.
Với quan điểm chủ đạo “thành phố thông minh là mô hình quản lý đô thị, trong đó công nghệ số được sử dụng như một nền tảng để giải quyết những thách thức trong quản lý đô thị hiện đại dựa trên dữ liệu và thông tin được thu thập, lưu trữ, xử lý”, từ năm 2014, UBND Thành phố đã phê duyệt “Đề án Xây dựng thành phố thông minh hơn”. Theo đó, Thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu (Viettel, VNPT, FPT, Microsoft, Intel,…) triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh trong một số lĩnh vực chuyên ngành.
Năm 2018, UBND Thành phố đã ban hành Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh tại Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 11/1/2018, bao gồm 6 trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên; chính thức ban hành, triển khai Đề án Xây dựng thành phố thông minh tại TP. Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 6439/QĐ-UBND ngày 29/12/2018 với 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020: sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; giai đoạn đến năm 2025: thông minh hóa các ứng dụng; giai đoạn đến năm 2030: thông minh hóa ứng dụng cộng đồng; hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN (Nghị quyết số 43-NQTW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Việc triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020), TP. Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 và Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đến nay, xây dựng thành phố thông minh tại TP. Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận về hạ tầng viễn thông; mạng đô thị thành phố (mạng MAN); trung tâm dữ liệu thành phố, kết nối; triển khai hệ thống thông minh, gồm quản trị thông minh, giao thông thông minh, đời sống thôn minh, môi trường thông minh, kinh tế thông minh…
Thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm
Việc triển khai thành phố thông minh tại TP. Đà Nẵng trong thời gian qua có những thuận lợi chính như lãnh đạo Thành phố có quyết tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; Thành phố đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban để chỉ đạo việc triển khai.
Bên cạnh đó là sự đồng thuận tham gia từ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn Thành phố.
Ngoài ra, Đà Nẵng có các cơ chế, chính sách để ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin được ban hành đầy đủ, kịp thời và thường xuyên bổ sung, cập nhật.
Kết quả và kinh nghiệm có được trong triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh được sơ kết, tổng kết để kế thừa, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu phát triển với doanh nghiệp triển khai.
Đồng thời, Đà Nẵng có nguồn nhân lực công nghệ thông tin để quản lý trong các cơ quan nhà nước; đội ngũ kỹ thuật để bảo đảm vận hành và xây dựng được lực lượng chuyên gia để tư vấn, phản biện, bảo đảm cho công tác chọn lựa các công nghệ, giải pháp, cũng như tham mưu cho lãnh đạo Thành phố, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin. Nguồn kinh phí đầu tư được da dạng hóa và được bổ sung từ nhiều nguồn.
Cùng với những thuận lợi, việc triển khai thành phố thông minh và chuyển đổi số của Đà Nẵng cũng đối mặt không ít khó khăn.
Thành phố thông minh dựa trên dữ liệu là ý tưởng của các quốc gia phát triển; các giải pháp, sản phẩm này phù hợp với các nước có nền kinh tế cao, trong khi Việt Nam có quy mô kinh tế thấp, Đà Nẵng có thu nhập bình quân đầu người chưa cao, nên việc lựa chọn giải pháp, quy mô đầu tư, hạng mục đầu tư và đầu tư vào lúc nào là những vấn đề cần đánh giá, phản biện...
Dữ liệu phải bảo đảm tính liên thông, liên vùng trong việc triển khai thành phố thông minh, cần có sự kết nối giữa các sở, ngành, quận, huyện; sự chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương; sự đồng bộ từ lãnh đạo cao cấp đến chuyên viên để hệ thống thống nhất về dữ liệu, không tắc về quy trình, hệ thống không bị "bỏ đói". Đây là vấn đề hết sức khó khăn khi xây dựng và vận hành hệ thống.
Các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn dữ liệu chưa được chuẩn hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, môi trường. Chính sách thiếu nhất quán trong việc ban hành các văn bản quản lý nhà nước của từng ngành chưa hỗ trợ cho việc áp dụng công nghệ, cơ chế Sandbox chưa được thừa nhận để hỗ trợ việc thí điểm, dẫn đến nguy cơ phá vỡ kiến trúc, làm chậm quá trình xây dựng dữ liệu để phát triển thành phố thông minh. Các sản phẩm công nghệ số xu hướng là tích hợp với đa chức năng, trong khi chức năng quản lý nhà nước được phân công bởi nhiều cơ quan, trở thành rào cản khi lựa chọn đơn vị quản lý các sản phẩm công nghệ số, nên chưa tạo thuận lợi cho công nghệ mới….
Một số vấn đề khác liên quan đến kinh phí, hạ tầng dữ liệu, công tác truyền thông chưa đồng bộ cũng tạo không ít khó khăn.
Nhìn chung, dữ liệu có vai trò quyết định, là linh hồn để thông minh hóa. Qua thí điểm cho thấy, vai trò của lãnh đạo, tầm nhìn và sự cam kết thông qua chính sách là yếu tố quyết định; sự liên kết và đồng thuận tạo sự phối hợp tốt của các sở, ban, ngành và người dân để tạo ra thói quen, sự tin tưởng, tiện lợi hơn khi sử dụng dịch vụ đô thị thông minh.
Việc bảo đảm nguồn lực cần xác định, bên cạnh nguồn lực về con người (xây dựng mối liên kết “3 nhà” giữa nhà nước, nhà trường và nhà tuyển dụng), thì nguồn lực về tài chính đóng vai trò quan trọng để việc triển khai các thành phần (hạ tầng, kết nối, thông minh), bảo đảm tính đồng bộ và tạo ra các cơ hội mới.
Xây dựng thành phố thông minh cần lắng nghe sự tương tác, phản hồi của các chủ thể. Đây là quá trình lâu dài nhằm xác định khung kiến trúc tổng thể, mô hình để định hướng. Lộ trình là để cam kết, thể hiện các bước đi cụ thể của Thành phố. Đa đối tác tạo nên sự đồng hành của cộng đồng, tránh được “dò đá qua sông”, “trăm hoa đua nở”, “bị bắt làm con tin”, giảm thiểu rủi ro trong triển khai.