Phí công đoàn có thể được miễn, giảm nếu doanh nghiệp gặp khó khăn bất khả kháng, phải dừng hoạt động. |
Tách bạch rõ nội dung chi
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan trình dự án luật cho biết, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung tại 15 điều, sửa kỹ thuật tại 5 điều trong tổng số 33 điều của Luật Công đoàn, trong đó có một số điều về tài chính công đoàn.
Sau những tùy nghi về quản lý, sử dụng tài chính được Kiểm toán Nhà nước công bố, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn khẳng định, trong thời gian qua, thu, chi, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và được các cơ quan chức năng của Nhà nước kiểm tra, kiểm toán, giám sát chặt chẽ, định kỳ thường xuyên. Việc tiếp tục bảo đảm nguồn kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn là hết sức cần thiết.
Ngay sau khi kết quả kiểm toán tài chính công đoàn được công bố và Dự án Luật được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp tháng 9/2020, đã có nhiều ý kiến cho rằng, nên xem lại khoản thu 2% kinh phí công đoàn (khoản 2, Điều 26). Tuy nhiên, Dự án Luật trình Quốc hội vẫn giữ nguyên quy định về khoản thu này.
Mặc dù vậy, qua thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị nghiên cứu tách bạch rõ nội dung chi từ nguồn kinh phí công đoàn 2% trong tổng các nội dung chi của tài chính công đoàn.
Tiếp thu ý kiến này, Dự thảo Luật gửi Quốc hội đã quy định các nhiệm vụ cụ thể được sử dụng kinh phí công đoàn, như chăm lo cho đoàn viên và người lao động; tổ chức hoạt động xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; hoạt động về giới và bình đẳng giới. Tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, thể thao do công đoàn phát động; chi quản lý hành chính tại các cơ quan công đoàn; chi đầu tư các thiết chế phúc lợi cho đoàn viên và người lao động cũng nằm trong nhiệm vụ chi của kinh phí công đoàn.
Ngoài ra, kinh phí công đoàn còn có nhiệm vụ chi "các khoản chi khác theo quy định của pháp luật". Đây là nội dung được nhiều ý kiến cho là không nên đưa vào luật, vì dễ dẫn đến tùy nghi.
Một điểm mới khác tại Dự thảo là quy định: Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn theo khoản 2, Điều 26, thì được xem xét miễn, giảm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể các trường hợp được miễn, giảm kinh phí công đoàn.
Hai phương án chia sẻ kinh phí công đoàn
Trong bối cảnh Bộ luật Lao động 2019 đã cho phép thành lập “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, mà quyền và trách nhiệm của tổ chức này trong quan hệ lao động được đảm bảo bình đẳng với tổ chức công đoàn cơ sở, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trích kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo 2 phương án.
Phương án 1: Kinh phí công đoàn theo khoản 2, Điều 26 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; phần còn lại (75%) được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp như sau:
Với cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chỉ có tổ chức công đoàn, thì toàn bộ kinh phí nêu trên được phân phối cho công đoàn cơ sở.
Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong Dự án Luật được gửi đến Quốc hội đã chi tiết hơn hồ sơ được công khai trước đó. Tại đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, mức chi bình quân trong năm 2012 cho một đoàn viên là 870.000 đồng/năm, người lao động là 667.000 đồng/năm. Con số tương tự của năm 2019 là 1,2 triệu đồng và 1,017 triệu đồng.
Với doanh nghiệp chỉ có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, thì tổ chức này được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn.
Với doanh nghiệp có cả công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động, thì công đoàn cơ sở được phân phối số kinh phí công đoàn nêu trên sau khi trừ đi số kinh phí cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo điểm b, khoản 2, điều này.
Với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tạm giữ toàn bộ số kinh phí nêu trên để thực hiện chi cho người lao động tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và hoàn trả số chưa chi cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp khi được thành lập theo điểm a và điểm b, khoản 2, điều này.
Việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp do Chính phủ quy định.
Phương án 2: Tại những nơi đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, thì kinh phí công đoàn quy định tại khoản 2, Điều 26 được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Lần sửa đổi này, Dự thảo cũng quy định: định kỳ 2 năm, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tài chính công đoàn và báo cáo kết quả với Quốc hội. Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đột xuất tài chính công đoàn khi có yêu cầu của Quốc hội. Các cấp công đoàn thực hiện công khai tài chính hằng năm tại hội nghị Ban Chấp hành công đoàn và bằng một trong các hình thức: niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan; đưa lên trang thông tin điện tử; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và thông qua tại Kỳ họp thứ 11.