Các doanh nghiệp nhiều lao động như dệt may, da giày, khoản tiền đóng phí công đoàn hàng năm khá lớn. |
Hiệp hội doanh nghiệp bị bỏ quên?
10 hiệp hội doanh nghiệp vừa ký chung kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Họ cảm thấy bất ngờ và sốt ruột vì hình như bị bỏ quên.
“Theo thông tin từ báo chí, chúng tôi được biết Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn dự kiến được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2020, thông qua tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV vào năm 2021. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các hiệp hội chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin về Dự thảo hay được đề nghị, yêu cầu tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi từ Ban soạn thảo, trong khi doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động rất lớn từ Luật này”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) nói.
Đây cũng là nội dung chính của kiến nghị mà Lefaso đã đứng tên kiến nghị, cùng với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA), Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) và Hiệp hội Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Trong công văn kiến nghị, các hiệp hội đề nghị các cơ quan, tổ chức… chủ trì soạn thảo cần lấy ý kiến xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi từ cộng đồng doanh nghiệp.
“Chúng tôi với vai trò đại diện cho quyền và lợi ích của các doanh nghiệp thành viên đề nghị gửi cho chúng tôi Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi để chúng tôi được đóng góp ý kiến, góp phần xây dựng, hoàn thiện Luật này”, 10 hiệp hội đề nghị trong Công văn vừa gửi đi.
Không chỉ vì kinh phí công đoàn quá cao
Mối quan tâm của các hiệp hội với Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi có lý do sát sườn.
Một mặt, nhiều doanh nghiệp đang đề nghị được miễn đóng kinh phí công đoàn, để giảm bớt các khoản phải chi trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, thậm chí đứt đoạn do Covid-19.
Nhưng mặt khác, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, đây là thời điểm doanh nghiệp đề nghị xem xét lại mức thu kinh phí công đoàn cũng như việc sử dụng nguồn này.
“Chúng tôi đề nghị xem xét lại mức thu kinh phí công đoàn do người sử dụng lao động đóng từ 2% quỹ lương (làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động). Vì mức đóng góp này đang là gánh nặng và tạo ra những “nghịch lý”, không công bằng cho doanh nghiệp”, ông Nam nói và cho biết, các doanh nghiệp đang có ý kiến đề nghị bỏ khoản này.
“Nghịch lý là, doanh nghiệp càng tạo ra nhiều công ăn việc làm, sẽ càng phải nộp kinh phí công đoàn cao, nhưng lại không được hưởng gì nhiều từ khoản này. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải trích các khoản để chăm lo đời sống cho người lao động”, ông Nam phân tích.
Đó là chưa kể, nếu so sánh với các tổ chức chính trị, xã hội khác có hoạt động trong doanh nghiệp, thì nghịch lý còn lớn hơn khi các tổ chức này chỉ có đoàn phí do cá nhân nộp, với mức thấp, như hội viên hội phụ nữ là 20.000 đồng/người/năm, đoàn thanh niên là 60.000 đồng/người/năm…
Khúc mắc lớn nhất của khoản kinh phí này phần lớn nằm ở việc sử dụng. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành dệt may cho biết, mỗi năm Công ty được giữ lại khoảng 2 tỷ đồng kinh phí công đoàn (chiếm khoảng 60% tổng kinh phí), nhưng không thể chi tiêu được.
“Theo quy định của quy chế thu - chi tài chính công đoàn, khi tổ chức giải thể thao nội bộ, mức giải thưởng cao nhất chỉ được chi là 50.000 đồng. Quy định về chi này có từ năm 2014 và bây giờ vẫn phải sử dụng, trong khi mức thu thì tăng theo lương cơ bản”, vị lãnh đạo doanh nghiệp cho biết.
Cần sự cạnh tranh, nhưng vì mục tiêu là phục vụ đoàn viên
Trong khá nhiều cuộc trao đổi liên quan đến kinh phí công đoàn, một số doanh nghiệp đã nhắc tới sự cạnh tranh các tổ chức công đoàn ngành và địa phương trong thu hút doanh nghiệp lựa chọn công đoàn cấp trên.
“Chúng tôi nhiều khi muốn chọn công đoàn ngành để có sự phối hợp hoạt động phù hợp, thiết thực với nhu cầu của người lao động, nhưng công đoàn địa phương thường đề nghị doanh nghiệp chọn “gần với địa bàn”, song rồi thực tế công đoàn địa phương không có hoạt động phù hợp, nhiều khi làm khó doanh nghiệp khi yêu cầu công nhân tham gia sự kiện trong giờ làm việc”, một doanh nghiệp cho biết.
Sự cạnh tranh này phần lớn là để có được nguồn kinh phí công đoàn mà doanh nghiệp phải nộp cho công đoàn cấp trên. Theo hướng dẫn năm 2020, tỷ lệ nộp chiếm 30% trong khoản thu của kinh phí công đoàn, giảm 1% so với năm 2019. Ngoài ra, công đoàn cấp trên cũng được hưởng 40% trong đoàn phí mà người lao động phải nộp (với mức 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội).
“Cạnh tranh sẽ rất tốt nếu dựa trên sự tự nguyện của doanh nghiệp, căn cứ vào hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, chăm lo đời sống của người lao động một cách thiết thực. Nhưng thú thực, chúng tôi không cảm nhận được điều này”, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên thừa nhận.