Những điểm tựa “vàng”
Tháng 2/2013, Cảng hàng không Thọ Xuân khai trương đường bay dân dụng Thanh Hóa - TP.HCM. Đây là một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng không chỉ với người dân huyện Thọ Xuân, mà còn với cả tỉnh Thanh Hóa. Đường bay đã rút ngắn khoảng cách đi lại giữa Thanh Hóa với các trung tâm kinh tế năng động và chỉ trong thời gian ngắn, tần suất chuyến bay đến TP.HCM được tăng lên, nhiều hãng hàng không cùng vào khai thác, mở thêm các đường bay khác...
Vốn là địa phương có đường Hồ Chí Minh đi qua, nay có thêm lợi thế Cảng hàng không Thọ Xuân, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã quyết tâm xây dựng Khu công – nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng với kỳ vọng, nơi đây trở thành khu kinh tế động lực thứ hai, song song với Khu kinh tế Nghi Sơn, nhằm thúc đẩy kinh tế Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ.
Việc khai thác sân bay Thọ Xuân được xem là một trong những động lực giúp Thanh Hóa cất cánh. |
Tháng 4/2016, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn đã tổ chức lễ công bố Đồ án quy hoạch Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng tại Thọ Xuân với tổng diện tích khoảng 537 ha, nằm trên địa phận 2 xã Xuân Phú, Xuân Thắng (huyện Thọ Xuân) và xã Thọ Sơn (huyện Triệu Sơn). Khu công nghiệp được chia thành 4 cụm, mỗi cụm có 1 lô đặc biệt với diện tích trên 20 ha làm hạt nhân, xen kẽ các lô trung bình và nhỏ hơn. Đây là khu công nghiệp hiện đại, đa ngành, sử dụng công nghệ cao, được đầu tư đồng bộ, thuận tiện, an toàn cho các nhà đầu tư và phát triển hài hòa với khu vực đô thị lân cận. Dự báo đến năm 2020, khu công nghiệp này sẽ tạo việc làm cho gần 30.000 lao động.
Tiếp đó, nhằm khai thác lợi thế của Cảng hàng không Thọ Xuân và Cảng biển nước sâu Nghi Sơn, cuối tháng 8/2014, Dự án tuyến đường nối sân bay Thọ Xuân với Khu kinh tế Nghi Sơn đã được khởi công xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).
Dự án đầu tư xây dựng mới 65,91 km đường giao thông đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/h, kết nối với Cảng hàng không Thọ Xuân, Quốc lộ 1A và đi qua địa bàn 5 huyện của tỉnh Thanh Hóa. Dự án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn I có tổng vốn đầu tư 4.598 tỷ đồng do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank cung cấp tín dụng, thi công từ năm 2014 đến năm 2017.
Điểm qua những dấu mốc trên, có thể thấy, huyện Thọ Xuân đã và đang trở thành nơi hội tụ “thiên thời, địa lợi” và đây chính là điểm tựa chiến lược tạo nên sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào vùng đất này.
Đột phá từ nội lực
Với phương châm “ngoại lực quan trọng, nội lực quyết định”, những năm qua, trên cơ sở Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 27/6/2011 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn (giai đoạn 2011-2015) và Kế hoạch hành động số 45/KH-UBND ngày 05/8/2011 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, Huyện ủy, UBND huyện Thọ Xuân đã tổ chức quát triệt, triển khai, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể.
Từ đây, tạo ra những chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện nâng cao đời sống nhân dân…
Tiếp nối các dự án lớn của tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai trên địa bàn, huyện đã triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 cụm công nghiệp thị trấn Thọ Xuân, cụm công nghiệp Xuân Lai, tiếp tục đề nghị UBND tỉnh bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp tại xã Thọ Nguyên, xã Thọ Minh. Từng bước tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện.
Năm 2016 được ghi nhận là năm đột phá trong thu hút đầu tư các dự án vào địa bàn huyện Thọ Xuân với 25 hồ sơ xin chấp thuận chủ trương, địa điểm thực hiện dự án. Đến nay, 14 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Trong đó, một số dự án có quy mô lớn, thu hút nhiều lao động như: Dự án Sản xuất và lai tạo giống gà công nghệ cao tại xã Xuân Phú; các dự án nhà máy sản xuất gạch không nung, xưởng cán tôn, nhà hàng và dịch vụ thương mại tổng hợp tại xã Nam Giang; 2 dự án nhà máy may công nghiệp xuất khẩu tại xã Tây Hồ… Các dự án này đang khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ theo quy định để khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động.
Đạt được kết quả trên là nhờ các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, từ cấp huyện xuống đến cơ sở, đã thực hiện tốt công tác công khai rộng rãi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành nghề để nhà đầu tư tham khảo, lựa chọn đầu tư. Bên cạnh đó, huyện đã chủ động kết nối với các sở, ngành cấp tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư; đồng thời, phối hợp tốt với các nhà đầu tư trong khảo sát, chọn địa điểm lập dự án đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho nhà đầu tư...
Với nội lực mạnh mẽ được tạo bởi những điểm tựa “vàng” về địa lý, văn hóa, lịch sử, cùng ngoại lực là những vận hội mới đang rộng mở, huyện Thọ Xuân tiếp tục xác định chương trình phát triển đô thị là 1 trong 4 chương trình trọng tâm và 1 trong 5 khâu đột phá, phấn đấu đến năm 2020, cùng với việc Khu đô thị Lam Sơn - Sao Vàng được công nhận là đô thị loại IV, tỷ lệ đô thị hóa trong toàn huyện đạt 35%.
Cùng với đó, trong một tương lai gần, huyện Thọ Xuân sớm trở thành thủ phủ trọng tâm vùng, hiện thực hóa kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về một đầu tàu thứ hai thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh.