Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm
Cụ thể, cuối ngày 27/7, Fed đã công bố một đợt tăng lãi suất mạnh nữa, đẩy mạnh nỗ lực kéo lạm phát xuống từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức Fed chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ, cho biết họ quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm lên phạm vi từ 2,25% đến 2,5%.
Fed hiện đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm hai lần trong hai tháng qua, một mức tăng đáng kể có khả năng làm chậm nền kinh tế Mỹ. Các quan chức Fed đã ngụ ý về một đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm khác trong nhiều tuần kể từ cuộc họp FOMC tháng 6/2022.
Trước đó, Fed đã tăng lãi suất vào đầu tháng 6/2022 thêm 0,75 điểm phần trăm lần đầu tiên kể từ năm 1994 sau khi lạm phát tăng cao hơn trong tháng 5/2022 so với dự kiến của các nhà kinh tế.
Mặc dù các đợt tăng lãi suất nhanh chóng của Fed đã kìm hãm thị trường nhà ở, kìm hãm giá trị cổ phiếu và thúc đẩy sự gia tăng nhẹ của việc sa thải lao động, nhưng điều này vẫn chưa tạo ra tác động đáng kể đến vấn đề lạm phát.
Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố trong tháng này, giá tiêu dùng đã tăng 9,1% hàng năm trong tháng 6/2022.
Mặc dù những cú sốc về nguồn cung liên quan đến xung đột ngoài tầm kiểm soát của Fed đã dẫn đến phần lớn mức tăng lạm phát trong tháng 6/2022, giá cả trên toàn nền kinh tế Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều bất chấp các hành động của ngân hàng trung ương Mỹ.
Do đó, Fed đã quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm lần thứ 2 liên tiếp trong 2 tháng, với nỗ lực ghìm cương lạm phát Mỹ và không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, Fed đã 4 lần nâng lãi suất, lần đầu tiên là thêm 25 điểm phần trăm vào tháng 3, sau đó thêm 50 điểm phần trăm vào tháng 5, tăng 75 bps vào tháng 6 và mới đây nhất là quyết định thêm 75 điểm phần trăm vào chiều 27/7.
Kể từ khi Fed bắt đầu sử dụng lãi suất quỹ liên bang làm công cụ chủ yếu để điều hành chính sách tiền tệ vào đầu thập niên 1990 đến nay, mức tăng 75 điểm phần trăm trong tháng 6 và 7 là động thái mạnh tay nhất của ngân hàng trung ương Mỹ.
Tuy nhiên, mức tăng thêm lãi suất cơ bản 75 điểm phần trăm ngày 27/7 được cho là không quá bất ngờ với thị trường, vì quyết định lãi suất này của Fed đã được thị trường dự báo từ trước.
Vì thế, thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến khả quan sau khi Fed thông báo kết quả cuộc họp. Các chỉ số chứng khoán lên mức cao.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết phiên 27/7 với mức tăng 436 điểm, tương đương gần 1,4%. S&P 500 và Nasdaq Composite thêm lần lượt 2,6% và 4,1%.
Giá vàng bật tăng mạnh trở lại
Đáng chú ý hơn, giá mặt hàng kim quý vàng bật tăng ngay sau khi Fed tăng thêm lãi suất cơ bản của USD trong đêm 27/7, trái ngược với xu hướng trước đây vàng thường quay đầu khi Fed tăng lãi suất.
Giá vàng thế giới trên sàn Kitco sáng nay giao dịch ở mức 1.738 - 1.739 USD/ounce, tăng khoảng 20 USD/ounce so với đầu phiên hôm qua.
Giá vàng bật tăng mạnh nhờ USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, sau khi Fed nâng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm như dự đoán của thị trường.
Điều đáng nói là USD đang yếu đi do quyết định của Fed đã được dự đoán từ trước và khi nhà đầu tư dự báo về lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ trong tương lại từ Chủ tịch Fed sẽ giảm dần.
USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 106,38 điểm. Sự sụt giảm của USD đã củng cố sức hấp dẫn của vàng ở thị trường quốc tế, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng giảm.
Giới phân tích đưa ra nhận định, nếu thị trường bây giờ tin rằng lãi suất USD có thể không tăng cao và nhanh hơn nữa sẽ tác động tích cực lên mặt hàng kim quý vàng.
Việc tăng lãi suất của Fed để kiểm soát tình trạng lạm phát leo thang có xu hướng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý, vốn là tài sản không sinh lãi.
Thực tế, các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Fed và đà tăng gần đây của đồng bạc xanh đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng trong vai trò là một nơi trú ẩn an toàn bất chấp rủi ro suy thoái.
Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn lạc quan về nền kinh tế Mỹ. Trong tháng 6, nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 372.000 việc làm phi nông nghiệp, tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức thấp 3,6%.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng tới 9,1% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong hơn 40 năm qua. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cốt lõi (core PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – tăng với tốc độ khiêm tốn hơn là 4,7% trong tháng 5.
Theo Chủ tịch Fed, các quan chức của cơ quan này nhận thức rất rõ những khó khăn mà lạm phát gây ra cho người tiêu dùng Mỹ, nhất là những người nghèo.
Vì vậy, Fed sẽ không ngừng nghỉ trong nỗ lực chống lạm phát cho đến khi nhận thấy có bằng chứng thuyết phục rằng lạm phát đang đi xuống sẽ nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ.
Trong thông cáo gửi đi sau cuộc họp, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed cũng nhận định rằng, những chỉ báo về chi tiêu và sản xuất gần đây đã đi xuống.
Mặc dù vậy, số việc làm tạo mới vẫn cao trong những tháng qua, và tỷ lệ thất thiệp duy trì ở mức thấp. Mỹ có thêm 372.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 6/2022, thấp hơn mức 390.000 của tháng 5 nhưng cao hơn nhiều so với con số 250.000 mà các nhà kinh tế dự báo
Tuy nhiên, Chủ tịch Powell cho rằng, nền kinh tế Mỹ vẫn chưa rơi vào suy thoái, mặc dù tăng trưởng GDP quý I/2022 đã âm 1,6% và nhiều khả năng sẽ tiếp tục âm trong quý II.
Số liệu GDP quý II sẽ được Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) công bố chính thức vào ngày hôm nay (28/7), tức chỉ một ngày sau cuộc họp của Fed.